Home » Thế giới » IAEA công bố báo cáo sơ bộ về tình hình hạt nhân Nhật Bản
Cơ quan Năng lượng Hạt nhân LHQ (IAEA) hôm qua đã trao cho Tokyo báo cáo sơ bộ về cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, trong đó khen ngợi những phản ứng với khủng hoảng hạt nhân, nhưng nói Tokyo đã đánh giá thấp rủi ro.


Lò phản ứng hạt nhân số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima ngày 17/5

Các thanh tra viên IAEA có một tuần tại Nhật Bản để đưa ra báo cáo về khủng hoảng hạt nhân Fukushima. Một bản tóm lược báo cáo này đã được trình lên chính phủ Nhật Bản. Báo cáo đầy đủ sẽ được đưa ra tại cuộc họp liên chính phủ tại Vienna vào cuối tháng này, nhằm cải thiện tình trạng an toàn hạt nhân trên toàn thế giới.

Các thanh tra viên chỉ ra một thất bại chính – mà phía Nhật cũng đã thừa nhận – là đã không có kế hoạch đối phó với rủi ro là sóng tràn qua tường chắn biển và đánh bật các máy phát điện bổ sung.

Ngay cả khi đường đứt gẫy lớn nằm ngay ngoài biển, bức tường chắn tại nhà máy Fukushima cũng chỉ cao chưa đầy 6m. Chiều cao của cơn sóng thần là khoảng 14m.

Phúc trình sơ bộ của LHQ nói: “Rủi ro sóng thần tại một số nơi đã bị đánh giá thấp”.

Nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, vốn bị hư hại nặng vì sóng thần, hiện vẫn đang rò rỉ phóng xạ. Do còn nhiều quan ngại về mức độ an toàn, hiện mới chỉ có 17 trong số 54 lò phản ứng trên toàn Nhật Bản đang hoạt động.

IAEA cũng lo ngại về ảnh hưởng của phóng xạ đến dân cư và công nhân làm việc tại nhà máy. Việc kiểm soát an toàn, cũng như việc đo lường ảnh hưởng nhiễm xạ ngoài khu vực sơ tán đều chưa đạt mức cần thiết.

IAEA còn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các cơ quan lãnh đạo độc lập cho ngành hạt nhân.

Trợ lý cho Thủ tướng Naoto Kan là Goshi Hosono đã nhận bản báo cáo này và nói chính phủ Nhật Bản sẽ cần phải đánh giá lại khuôn khổ quy định hạt nhân của họ.

Nhóm làm việc của LHQ do quan chức hàng đầu về an toàn hạt nhân của Anh Mike Weightman dẫn đầu, và có sự tham gia của 18 chuyên gia từ 12 quốc gia.

Ngoài nhà máy điện Fukushima I, êkíp này còn điều tra tại hai nhà máy khác, Fukushima 2 và Tokai. Mục tiêu của nhóm làm việc là rút ra các bài học từ tai nạn kể trên nhằm giúp cho việc cải thiện các biện pháp an toàn hạt nhân trên toàn thế giới.

(Theo dantri)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc