Home » Thế giới » Nhiệm vụ chiến lược của “Hung thần diệt hạm” LRASM Mỹ
Hải quân Mỹ đã tiến hành thử thành công tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa LRASM (Long-Range Anti-Ship Missile) mới. Đây là sản phẩm của hãng chế tạo Lockheed Martin phù hợp để tích hợp cùng hệ thống ống phóng thẳng đứng đa nhiệm MK41 mới trang bị trên chiến hạm Hải quân Mỹ. Trong quá trình thử nghiệm LRASM đã chứng minh được độ tin cậy, khả năng tàng hình và chế độ dẫn đường đa dạng đảm bảo hiệu năng cao trong chiến đấu.

Bản thân tên gọi LRASM cũng xác định mục tiêu phát triển của Hải quân và Không quân Mỹ hướng tới dòng tên lửa tự hành diệt hạm có độ chính xác cao và khả năng khai hỏa ngoài ô phòng không trên hạm của đối phương. Trong tương lai, LRASM sẽ thay thế dòng đạn tên lửa diệt hạm cận âm Harpoon cũ (do Boeing phát triển).

TEN LUA LRASM 1

Tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa LRASM (Long-Range Anti-Ship Missile).

“Ngủ quên” vì không có đối thủ

Sự cần thiết của LRASM đối với Hải quân, Không quân Mỹ được đặt ra khi lực lượng này loại bỏ phiên bản đối hạm của tên lửa hành trình Tomahawk (có tầm bắn quy chuẩn đạt tới 600km) và tập trung vào sử dụng tên lửa diệt hạm cận âm Harpoon. Dù Harpoon có nhiều lợi thế của dòng tên lửa cận âm, bay bám mặt biển, khó bị phát hiện, nhưng tầm bắn lại quá hạn chế chỉ có thể dừng ở mức 280km.

Trong suốt thời gian dài, Hải quân Mỹ không chú ý tới việc phát triển đạn tên lửa diệt hạm tầm xa do hệ quả của hậu Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên bang Xô Viết tan vỡ, Hải quân Mỹ không phải đối đầu với lực lượng hải quân nào có đủ sức mạnh “đấu tay đôi”.

Thậm chí, giới chức Hải quân Mỹ còn tự tin rằng, chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet trên tàu sân bay mang tên lửa Harpoon có thể tiêu diệt bất kỳ chiến hạm nào của đối phương. Trong các trường hợp hãn hữu, chiến hạm đối phương có thể tiếp cận thì bản thân đạn tên lửa Harpoon mang trên các chiến hạm Mỹ cũng đủ vô hiệu hóa chúng. 

Với lập luận này, Harpoon có quá nhiều ưu điểm và chỉ có nhược điểm duy nhất là “quá cũ” để có thể tích hợp vào được hệ thống ống phóng Mk-41 hiện đại.

Từ đầu những năm 2000, Hải quân Mỹ đã tính tới việc tích hợp toàn bộ vũ khí trên hạm trong một hệ thống phóng thẳng đứng thống nhất (giúp giảm chi phí và sự cồng kềnh của việc duy trì cùng lúc nhiều hệ thống vũ khí trên chiến hạm). Tuy nhiên, do “hạn chế” của tên lửa Harpoon, Hải quân Mỹ vẫn phải duy trì hệ thống bệ phóng nghiêng Mk-141 cũ. 

Điểm “trừ” của hệ thống Mk-141 là nó quá cồng kềnh, tốn nhiều diện tích trên hạm. Được thiết kế theo phương nằm nghiêng và đặt đối xứng nhau, khi phóng đạn, chiến hạm phải xoay ngang làm tăng độ bộc lộ trước đối phương và mỗi lần chỉ phóng được 50% cơ số đạn Harpoon mang theo (thường là 8 đạn đặt ở 2 bệ đối xứng nhau). 

Định hướng cũ áp dụng công nghệ mới 

Trong quá khứ, ngay từ đầu những năm 1990, Hải quân Mỹ đã tính tới việc phát triển phiên bản phóng thẳng đứng của tên lửa Harpoon, nhưng kế hoạch đã bị Quốc hội bác bỏ. Lý do được đưa ra ở thời điểm đó là Hải quân Mỹ không có đối thủ xứng tầm. 

Tuy nhiên, thực tế này đã thay đổi kể từ đầu những năm 2000, sự lớn mạnh của hải quân nhiều quốc gia, trong đó có khu vực châu Á, đã buộc Mỹ phải xem xét lại học thuyết hải quân của mình. Chiến thuật sử dụng máy bay F/A-18E/F mang tên lửa Harpoon không còn là phương án tác chiến ưu thế hoàn toàn trước đối thủ. 

ten lua LRASM 2

LRASM sẽ thay thế dòng đạn tên lửa diệt hạm cận âm Harpoon cũ (do Boeing phát triển).

Ngoài ra, hải chiến hiện đại đề cao việc giảm bộc lộ và khai thác tính năng hiện đại của các hệ thống dẫn đường đạn đạo mới. Hải quân Mỹ cũng tính tới khả năng “tận dụng” tên lửa Harpoon và Tomahawk hiện có thông qua chương trình phát triển phiên bản phóng thẳng đứng.

Tuy nhiên, công nghệ trên hai dòng đạn tên lửa trên đã cũ và Hải quân Mỹ cần dòng tên lửa diệt hạm mới, tân tiến hơn. Đây chính là lý do năm 2009, Cơ quan quản lý Các dự án vũ khí tương lai Mỹ (DAPRA) yêu cầu Lockheed Martin phát triển dòng tên lửa diệt hạm thế hệ mới dựa theo hai công thức:

– LRASM-A áp dụng sâu công nghệ tàng hình, tốc độ bay cận âm, nhưng có tầm bắn lớn.

– LRASM-B là dòng tên lửa siêu thanh có tính năng tương tự như chương trình hợp tác Nga-Ấn Độ BrahMos.

Tới năm 2012, Hải quân Mỹ quyết định tập trung phát triển LRASM-A do Mỹ từ trước tới nay chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh. Nếu bắt tay vào phát triển LRASM-B sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và tài chính. 

Ngoài ra, Mỹ sẽ phải bám đuổi theo Nga (quốc gia có truyền thống phát triển tên lửa diệt hạm siêu thanh từ Chiến tranh Lạnh. Ngoài ra, để áp dụng sâu công nghệ tàng hình, đạn tên lửa mới phù hợp hơn khi hoạt động ở tốc độ cận âm. 

Từ các thông tin được công khai, LRASM-A chính là một biến thể của tên lửa phóng ngoài ô phòng không AGM-158B JASSM-ER với nhiều bổ sung về hệ thống dẫn đường và cảm biến. Để đảm bảo khả năng xuyên thủng lá chắn phòng thủ trên hạm của đối phương, LRASM-A phải có quỹ đạo bay phức tạp và mang đầu đạn nổ phá mảnh hạng nặng. 

Tuy nhiên, những tiêu chí trên cũng yêu cầu LRASM-A phải được trang bị động cơ phản lực mạnh và hiệu suất cao hơn. 

Điểm quan trọng nhất của LRASM-A là khả năng tích hợp hoàn toàn với hệ thống ống phóng Mk-41; trang bị trên chiến đấu cơ F/A-18E/F và F-35. Ngoài ra, trong tương lai, LRASM-A còn được trang bị trên máy bay ném bom B-1B Lancer khi chúng được chuyển đổi sang thực hiện nhiệm vụ cấp chiến thuật. 

Tuy mới đang trong quá trình thử nghiệm và hoàn thiện, nhưng sau khi xuất hiện LRASM-A có thể mang lại cho Hải quân Mỹ những lợi thể nhất định không chỉ về công nghệ, mà còn là phương pháp tấn công đối phương dựa trên nguyên tắc tận dụng tối đa khả năng tàng hình và tấn công ngoài tầm đánh trả của đối phương.

Tuấn Sơn (QĐND)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc