Sao chổi ISON dự kiến sẽ vượt ngang mặt trời với khoảng cách chỉ khoảng 1 triệu km vào ngày 28/11 tới.
Hình ảnh sao chổi thế kỷ được NASA ghi nhận vào ngày 8/11 – (Ảnh: skyandtelescope.com)
Hiện các nhà khoa học không chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với ISON. Có thể sao chổi được mệnh danh là sao chổi thế kỷ này sẽ bị nổ tung khi di chuyển với vận tốc 377km mỗi giây và bị đun nóng với nhiệt độ 2.760 độ C, đủ để làm bốc hơi không chỉ băng trên sao chổi mà còn cả đá, kim loại.
Tuy nhiên, nếu nhiệt độ khủng khiếp không chôn vùi số phận của ISON thì lực hấp dẫn của mặt trời có thể sẽ tách nó ra thành nhiều mảnh. Còn theo một tính toán gần đây của các nhà khoa học thì ISON vẫn sống sót và đó sẽ là cơ hội tuyệt vời cho việc chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên ngoạn mục này trên bầu trời trái đất trong tháng 12.
Theo Reuters, sao chổi ISON được hai nhà thiên văn học nghiệp dư Vitali Nevski và Artyom Novichonok dùng kính viễn vọng 40cm của Hệ thống Quang học Khoa học Quốc tế gần Kislovodsk (Nga) phát hiện vào tháng 9/2012.
Giống như các sao chổi khác, ISON là một khối khí đông lạnh trộn lẫn bụi đá hình thành gần hệ mặt trời. Nó thường di chuyển trên quỹ đạo bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của mặt trời và các hành tinh trong hệ mặt trời.
Ghi nhận của Kính viễn vọng không gian Hubble thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thì ISON có lõi khoảng 4km. Khi bay đến gần mặt trời, sức nóng sẽ khiến khối khí đóng băng bốc hơi và đuôi của nó kéo dài ít nhất 92.000km.
Vào ngày 26/12 tới, sao chổi ISON sẽ cách trái đất khoảng 64 triệu km.
Theo khoahoc
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!