Home » Thế giới » Trực thăng Trung Quốc bay thấp, chụp ảnh tàu Việt Nam

Máy bay trinh sát và máy bay trực thăng của Trung Quốc quần đảo ngay trên các tàu cảnh sát biển, ở độ cao thấp. Người trên máy bay trinh sát chụp ảnh các hoạt động trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam.

Chiều 21.5, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, số lượng tàu Trung Quốc duy trì để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 là 95 chiếc, được bố trí trên nhiều hướng, mỗi hướng tăng cường 2-3 tàu kéo loại lớn. Các tàu này luôn cơ động tiếp cận và sẵn sàng phun nước, đâm vào tàu Việt Nam.
Tàu cảnh sát biển 8003 luôn bị tàu Trung Quốc 3411 theo sát ở khoảng cách 1 hải lý. Tàu cảnh sát biển 4032 cách giàn khoan 7,5 hải lý hướng nam đông nam bị các tàu Trung Quốc số 2101, 32101 tiếp cận và sẵn sàng lao vào.
Trực thăng Trung Quốc nhiều lần quần đảo bên trên tàu cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông.

Trực thăng Trung Quốc nhiều lần quần đảo bên trên tàu cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông.

Cũng trong sáng 21.5, máy bay trinh sát J-9-B7175 và máy bay trực thăng B7115 của Trung Quốc quần đảo ngay trên các tàu cảnh sát biển, ở độ cao thấp.

Trong đó, người trên máy bay trinh sát chụp ảnh các hoạt động trên tàu 8001 và máy bay trực thăng lượn 4 vòng xung quanh tàu 8003 ở độ cao 100-150 m chở theo 4 người, trong đó một người chụp ảnh.

Khoảng 10h, quan sát xung quanh khu vực, tàu 8003 phát hiện có 66 tàu Trung Quốc gồm 26 tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, ngư chính; 2 tàu kéo; 5 tàu hàng; 33 tàu cá vỏ sắt bảo vệ giàn khoan.

Dù bị tàu và máy bay Trung Quốc liên tục uy hiếp, các tàu chấp pháp Việt Nam kiên trì tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách từ 5,5 đến 6,5 hải lý, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Về phía lực lượng kiểm ngư, ông Nguyễn Văn Trung, Cục phó Cục Kiểm ngư cho biết, tàu Việt Nam đã tiếp cận giàn khoan Hải Dương – 981 gần hơn so với những ngày trước, nhưng khi cách giàn khoan khoảng 5-6 hải lý, các tàu Trung Quốc bố trí thành nhóm khoảng 8-10 tàu, gồm tàu hải cảnh, tàu kéo, tàu cá sẵn sàng đâm va, phun nước vào tàu Việt Nam. Lực lượng kiểm ngư vẫn duy trì tốt các biện pháp đấu tranh, tuyên truyền không giảm mức độ; kiên quyết tăng cường sức mạnh, đồng loạt tiến sâu hơn vào giàn khoan.

Trước thông tin Trung Quốc thực thi lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong hơn hai tháng, ông Trung cho biết, đây là lệnh quy định ngừng khai thác bảo vệ nguồn thủy sản có thời hạn. Lệnh cấm này bắt đầu từ trưa 15.5 đến 30.8, trừ các nghề lồng bẫy, nghề câu và lưỡi vê được hoạt động.

“Tuy nhiên điều đáng nói là vùng biển theo quan điểm của Trung Quốc là theo đường lưỡi bò tức là có cả bờ biển của Việt Nam, và một số nước khác”, ông Trung cho hay.

Theo ông Trung, đây là quy định Trung Quốc áp dụng với ngư dân của họ, không có giá trị với ngư dân Việt Nam khi sản xuất hoạt động trên vùng biển của Việt Nam, nên ngư dân vẫn sẽ hoạt động bình thường.

“Trung Quốc không thể áp dụng luật của họ cho Việt Nam”, ông Trung nhấn mạnh.

(Theo Dân Việt.)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc