Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Vụ chìm phà Sewol: Kính phục lòng tự trọng Hàn Quốc
Lời xin lỗi đang trở thành xa xỉ trong xã hội ngày nay, dường như chỉ được thốt lên khi sự việc đã rồi.

1. Vụ chìm phà Hàn Quốc cách đây gần 20 ngày thực sự là nỗi đau tột cùng không của riêng gia đình các nạn nhân, người dân Hàn Quốc mà của nhiều người trên thế giới. Tai nạn này sẽ ám ảnh nhiều người không chỉ ở mức độ thảm khốc, đau thương mà còn khiến người ta phải trăn trở, suy nghĩ về cách ứng xử của người dân Hàn Quốc trong hoạn nạn.

Hình ảnh thi thể hai học sinh buộc vào nhau bằng dây áo phao trước đã làm nhiều người phải rơi nước mắt, ngay cả người thợ lặn khi kể lại chuyện này cũng nghẹn ngào “đó giây phút bàng hoàng và đau xót nhất trong đời tôi”.

Rồi việc một nữ sinh đáng lẽ đã thoát được ra ngoài và có cơ hội được cứu sống nhưng khi nghe thấy các bạn phía trong đang kêu khóc sợ hãi, em đã quay vào vì không nỡ để các bạn của mình trong đó. Để rồi em cũng đã tử nạn cùng các bạn của mình. Khó ai có thể cầm lòng được trước hành động này.

THU TUONG HAN

Thủ tướng Hàn Quốc xin từ chức vì vụ chìm phà thảm khốc

Thầy hiệu phó đã treo cổ tự vẫn nơi gần người nhà nạn nhân đang mong ngóng thi thể người thân với lời xin lỗi “tôi là người tổ chức cuộc đi này, tôi xin chịu trách nhiệm và không thể sống khi thấy các học sinh của mình đang phải nằm dưới biển lạnh”; việc Thủ tướng Hàn Quốc xin lỗi, nhận trách nhiệm và xin từ chức khi vụ việc xảy ra… Tất cả những hành động này đã làm nhiều người phải trăn trở về cách ứng xử của người Hàn Quốc.

Đó là sự đoàn kết, mọi người biết sống vì nhau và cùng nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn. Đó là việc nói lời “xin lỗi” và dám chịu trách nhiệm trước hành động của mình. Và cao hơn hết, đó là sự tự trọng của một dân tộc.

2. Tôi đã có dịp sang Hàn Quốc, trò chuyện với nhiều người dân ở đây nên có lẽ đã hiểu được những hành động, ứng xử của người dân xứ sở Kim Chi trong vụ chìm phà này. 

Ngay ở bậc mẫu giáo, tiểu học, trẻ con được học rất kỹ về môn giáo dục cộng đồng (gần giống môn giáo dục công dân của Việt Nam), và các em được học ở ngoài thực tế, được thực hành các tình huống thật chứ không chỉ lý thuyết suông. Và đây được coi là một môn học chủ yếu của học sinh trong suốt những năm đầu Tiểu học, cùng với môn Thể dục và nhạc, mà không phải đặt nặng những kiến thức về Văn, Toán…

Và rõ ràng, cách hành xử của các em ở cộng động cũng có nhiều khác biệt. Tuyệt nhiên, không có hình ảnh trẻ con xả rác bừa bãi ra đường, thậm chí các em còn tự nhặt rác bỏ vào thùng nếu bắt gặp trên đường.

Một nét đặc trưng của người người Hàn là văn hóa xếp hàng. Dù các ga tàu điện ngầm, bến xe buýt đông như thế nào thì người Hàn vẫn nhẫn nại xếp hàng chờ đến lượt mình, không bao giờ có sự xô đẩy, chen lấn. 

Giáo sư Trần Hữu Quốc (giảng viên âm nhạc tại Đại học Baekseok, ĐH Paichai, ĐH Miongji, ĐH Jungmission) và nhiều người Việt Nam đang sống ở Hàn đều cho rằng, họ rất yên tâm khi con em được hưởng nền giáo dục của Hàn, bởi ở đây không bắt các em phải “nhồi” các lý thuyết, kiến thức cao siêu, mà các em được học từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, cách yêu thương con người, cách ứng xử với môi trường thiên nhiên và điều quan trọng là trẻ con được phát triển một cách tự nhiên. 

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn cũng phải nhận định rằng nền giáo dục của Hàn Quốc rất tốt, bởi con người được học đi đôi với hành, vừa được học để làm người, vừa được học để mở mang trí tuệ. Cũng có lẽ vì thế nên Hàn Quốc là một trong số ít nước trên thế giới có thể công nghiệp hóa xong trong vòng 30 năm. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu của những năm 60, đến nay Hàn Quốc trở thành một trong 7 nền kinh tế đứng đầu thế giới. “Đó là thành quả vĩ đại vì Hàn Quốc đã tập trung đúng vào việc phát triển nhân tố con người. Và điều quan trọng là họ giáo dục con người rất kỹ về tinh thần đoàn kết, về ý thức trách nhiệm với cộng đồng”. 

3. Trong những ngày xảy ra vụ chìm tàu ở Hàn Quốc, ở Việt Nam đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng. Hai sự việc xem ra không liên quan nhưng lại khiến nhiều người phải suy nghĩ về cách ứng xử của những con người trong vụ việc. 

Lời xin lỗi ở một người đứng đầu Vinalines chỉ được thốt ra khi mọi việc đã rơi vào tình huống “cực chẳng đã” và nó cũng được thốt lên cốt chỉ để “xin cho bị cáo được sống”.

Không chỉ với riêng Dương Chí Dũng, mà lời xin lỗi đã trở thành quá xa xỉ trong xã hội ngày nay. Hiếm có người đứng đầu nào dám xin lỗi khi làm sai, mà khi một ai đó có lỗi thì nó lại được chuyển thành lỗi của cả tập thể. Dường như cá nhân chỉ “nhận lỗi” khi sự việc bị phanh phui, bởi “không nhận lỗi không được”. 

Và khi không biết nói lời xin lỗi và sửa chữa những việc mình đã làm sai, cũng là khi lòng tự trọng không còn, thì con người ta có thể bất chấp mọi hậu quả, cốt sao chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mình./. 

Hòa An/VOV

 


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc