Home » Thể thao » Những nét khởi sắc của đội tuyển Việt Nam thời HLV Miura
HLV Miura có màn ra mắt tốt cùng đội tuyển Việt Nam, bằng chiến thắng đậm trước Myanmar. Dĩ nhiên chỉ 1 trận giao hữu, nhất là trận giao hữu với đội bóng không sử dụng lực lượng tốt như Myanmar không nói lên nhiều điều, nhưng dù sao thì đầu đã xuôi…

Có lối ra

Không bàn đến tỷ số, vì rõ ràng Myanmar không sử dụng đội hình tốt cho trận đấu với đội tuyển Việt Nam. Thậm chí, thật buồn khi phải nhận định rằng đội khách cũng không thực sự nghiêm túc khi tiếp cận với trận giao hữu này, qua những gì mà nhiều cầu thủ của họ thể hiện trên sân.

Dù vậy, điều mà người ta chờ đợi nơi đội tuyển Việt Nam cũng bắt đầu có lời đáp. Đầu tiên là ở lối chơi. Các cầu thủ Việt Nam ít còn cái cảnh cứ hễ có bóng là cấm cổ chuyền dài lên phía trên như dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc.

Đội tuyển của HLV Miura trong trận đấu hôm 2/7 đá có lớp có lang hơn, các cầu thủ chịu khó phối hợp nhóm, di chuyển không bóng nhiều hơn. Chính HLV Avramovic thừa nhận đội tuyển Việt Nam di chuyển không bóng tốt hơn hẳn Myanmar, và tốt hơn hẳn những gì mà ông Avramovic vẫn mường tượng về chúng ta.

tuyen vn

Myanmar của hôm 2/7 vẫn chưa tạo ra áp lực đủ lớn cho ĐTVN (ảnh: Trọng Vũ)

Khâu phối hợp tốt, xuất hiện nhiều đường chuyền khe, khai thác khoảng trống nơi hàng phòng ngự đối thủ, cùng những đường bật bóng qua lại nhanh của các cầu thủ, giúp chúng ta có nhiều cơ hội tiếp cận với cầu môn của Myanmar.

Đấy là điều mà người ta chời đợi nhất từ HLV Miura và ông Miura đã có câu trả lời, ông đang hướng đội tuyển Việt Nam đá theo lối đá phù hợp với thể trạng nhỏ của người Việt Nam.

Một cái được khác là sự ăn ý của những cầu thủ lần đầu tiên được đá cặp với nhau. Trên hàng tiền đạo, cựu binh Công Vinh khá ăn ý với tân binh Hải Anh. Chính Công Vinh là người chuyền đường chuyền quyết định để Hải Anh ghi bàn thứ 2.

Riêng Hải Anh gần như không bị “ngợp” trong lần đầu đá cho đội tuyển. Thể hình tốt, cùng sự siêng năng di chuyển của cầu thủ này khiến cho hàng thủ Myanmar thêm rối, đấy cũng là tín hiệu tích cực.

Cần một sức ép lớn hơn

Có lẽ cũng hiếm khi người ta thấy Tấn Tài sắm vai tiền vệ tổ chức trong sắc áo đội tuyển thanh thoát như trận đấu với Myanmar. Lối đá nhỏ, kết hợp với sự di chuyển linh hoạt của các vị trí trên sân mà HLV Miura xây dựng giúp cho Tấn Tài phát huy tối đa khả năng của mình.

Nhiều lần trong trận đấu, tiền về gốc Khánh Hòa có những đường chuyền loại toàn bộ hàng thủ đối phương, như đường chuyền giúp Minh Tuấn đối mặt với thủ thành Si Thu ở đầu trận, hay pha đánh gót giúp Minh Tuấn sút bóng trong thế trống trải, rồi Công Vinh đá nối nâng tỷ số lên 3-0.

Mẫu tiền vệ có khả năng tổ chức và đá có đầu óc là mẫu tiền vệ mà bóng đá Việt Nam đỏ mắt tìm từ ngày Minh Phương rời đội tuyển. Bây giờ, Tấn Tài cho thấy anh đang sẵn sàng sắm vai của Minh Phương ngày nào.

Nhưng như đã nói ở trên, Myanmar không mang sang Việt Nam lực lượng tốt, họ cũng không tiếp cận với trận đấu một cách nghiêm túc, nên những gì chúng ta vừa nhìn thấy chỉ ở mức tương đối.

Với một hàng phòng ngự cứng cựa hơn, chịu khó áp sát hơn, được tổ chức tốt hơn, chắc chắn chúng ta sẽ khó đá hơn. Khi đó, các cầu thủ mới có thuốc thử thực sự để đánh giá rằng họ đã sẵn sàng hay chưa, có thích ứng tốt nhất với lối chơi mà HLV Miura xây dựng hay chưa?

Cũng vì đối thủ thi đấu quá hời hợt, chúng ta cũng chưa có cơ hội kiểm chứng rằng hàng phòng ngự khá mới của chúng ta vững trãi hay không vững trãi.

Phước Tứ – Tiến Thành là cặp trung vệ mới, về lý thuyết rất hợp lý, với sự kết hợp giữa sự tinh quái, khả năng đọc tình huống và chất kỹ thuật của Phước Tứ, với sức trẻ của Tiến Thành. Đồng thời cả hai đều có thể hình đẹp, giỏi không chiến.

Nhưng đấy là về lý thuyết, còn thực tế thì vẫn cần phải chờ những đối thủ cứng cựa để thử độ chắc chắn của cặp trung vệ vừa nêu, cũng như của thủ thành Nguyên Mạnh và của cả hệ thống phòng ngự.

Kim Điền

Theo dantri

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc