Home » Thế giới » TQ: Đánh dấu kỷ niệm ngày thành lập Đảng bằng vụ rớt đài của băng nhóm thư ký
Hình ảnh trùm an ninh nội địa Chu Vĩnh Khang tại Đại hội nhân dân toàn quốc vào ngày 05 Tháng Ba 2012. Thông báo ngày 02 tháng 7 năm 2014 về việc ba trong số các thư ký cũ của Chu bị thanh trừng là một dấu hiệu cho thấy chính Chu đang là mục tiêu. Ảnh internet

Hình ảnh trùm an ninh nội địa Chu Vĩnh Khang tại Đại hội nhân dân toàn quốc vào ngày 05 Tháng Ba 2012. Thông báo ngày 02 tháng 7 năm 2014 về việc ba trong số các thư ký cũ của Chu bị thanh trừng là một dấu hiệu cho thấy chính Chu đang là mục tiêu. Ảnh internet

Thuộc hạ cũ của cựu trùm an ninh bị thanh trừng

Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ lâu đã chọn ngày 1 tháng 7 để kỷ niệm ngày thành lập. Ngày này vốn dĩ là để ca tụng Đảng, tuy nhiên nó không có triển vọng tốt trong những năm gần đây.

Bắt đầu vào năm 1997, khi Hồng Kông được trao trả cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, người dân Hồng Kông đã chọn ngày này để tổ chức các cuộc diễu hành dân chủ hàng năm. Năm nay khoảng 500 nghìn đến 1 triệu người tràn ngập các con phố để kêu gọi chấm dứt ách cai trị của ĐCSTQ.

Ngày 1 tháng 7 năm nay chứng kiến một ngày kỷ niệm đáng châm biếm cho Đảng: cuộc vây bắt cái mà truyền thông Trung Quốc gọi là Băng nhóm Thư ký.

Vào ngày 2 tháng 7, cơ quan thực thi kỷ luật Đảng tuyên bố rằng ba quan chức đã bị khai trừ khỏi ĐCSTQ và chuyển đến cơ quan luật pháp để khởi tố hình sự. Trong khi ĐCSTQ chọn đưa ra thông báo vào ngày 2 tháng 7 thì vụ bắt giữ thực sự các quan chức này đã diễn ra trước đó.

Thoạt nhìn thì ba quan chức này không có nhiều điểm chung. Một người là Phó Chủ tịch tỉnh Hải Nam. Một người khác là Phó Giám đốc Cơ quan An ninh Trung ương của Trung Quốc. Người còn lại là một sĩ quan lâu năm của Cục Cảnh vệ, một chi nhánh của Bộ An ninh chịu trách nhiệm bảo vệ các quan chức cấp cao ĐCSTQ.

Ba quan chức này không nổi tiếng, ngay cả ở Trung Quốc nhưng tạp chí kinh tế Tài Tân vẫn có thể cung cấp các chi tiết quan trọng về họ, vốn chỉ có thể tiết lộ từ nội bộ Đảng.

Việc báo Tài Tân đưa tin không phải là điều gây ngạc nhiên. Khi những cuộc thanh trừng các quan chức ĐCSTQ của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình được phơi bày trong 18 tháng qua, có thế thấy rõ là Tài Tân có một mối quan hệ rất tốt với Vương Kỳ Sơn, cấp phó chịu trách nhiệm lèo lái chiến dịch “chống tham nhũng” của Tập.

Theo Tài Tân, ba người bị bắt giữ vào ngày 2 tháng 7 này từng có thời gian làm thư ký cho ông trùm Chu Vĩnh Khang.

Các mối quan hệ

Chu Vĩnh Khang là một đồng minh trung thành của cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân, người đã chỉ định ông ta làm trưởng bộ máy an ninh của Trung Quốc. Dưới thời của Chu, bộ máy an ninh đã phát triển đến quy mô của một quân đội, và những người trong ĐCSTQ biết rằng Chu đã tạo ra một trung tâm quyền lực thứ hai trong chế độ, đối nghịch với quyền lực của tổng bí thư, người lãnh đạo ĐCSTQ trên danh nghĩa.

Chu nghỉ hưu vào năm 2012, nhưng theo các cá nhân hiểu biết về nội tình của ĐCSTQ thì Chu đã tiến hành âm mưu cùng với những tay chân trung thành khác của Giang để lật đổ Tập Cận Bình sau khi ông ta nắm quyền.

Chu hầu như không xuất hiện trước công chúng trong nhiều tháng và được tin là đã nằm trong vòng kiềm tỏa của ĐCSTQ. Nhưng chưa có nước đi công khai nào được tiến hành để chống lại “con hổ” này trong khi Vương Kỳ Sơn đang lập một vụ án chống lại ông ta.

Vụ bắt giữ ba cựu thư ký làm tăng số cựu thư ký của Chu bị bắt giữ lên năm hoặc bảy người, theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc.

Vụ bắt giữ họ khớp với mô-tuýp chung của hầu hết các vụ thanh trừng mà chúng ta đã thấy. Tội của họ không phải là “tham nhũng” dù rằng họ tham nhũng nghiêm trọng. Mà tội trạng chính của họ là mối quan hệ với phe cánh trung thành của Giang Trạch Dân.

Những kẻ trung gian

Những thư ký này không làm công việc văn phòng. Có lẽ cụm từ gần nhất để miêu tả vai trò họ làm là thuật ngữ của mafia Ý: “consigliore” (cố vấn). Họ đóng vai trò là trung gian cho ông chủ của mình.

Họ xử lý các khoản hối lộ và kiểm soát thiệt hại của các hoạt động bất hợp pháp của ông chủ. Vào những lúc khác, họ xử lý công việc kinh doanh của gia đình ông chủ.

Ở Trung Quốc, các quan chức ĐCSTQ và cấp tỉnh khôn khéo không đích thân nhúng tay vào các hoạt động bất hợp pháp. Thay vào đó là người nhà của họ.

Các thư ký sẽ giúp người nhà của ông chủ thành lập các doanh nghiệp và lấy các hợp đồng chính phủ. Rồi các thư ký sẽ rửa tiền để biến các hoạt động bất hợp pháp thành hợp pháp. Khi một số quan chức cấp thấp muốn thăng chức, họ thường đi gặp các thư ký hoặc người nhà.

Để thưởng công, khi người thư ký rời khỏi ông trùm, hoặc khi ông trùm chuẩn bị nghỉ hưu, ông trùm sẽ sắp xếp cho viên thư ký được thăng chức đến một vị trí lãnh đạo trong quyền lực của mình. Việc thăng chức này còn là một chính sách bảo hiểm tăng cường cho ông trùm, do ông ta không muốn lợi ích của mình bị tổn hại hoặc tội trạng của mình bị vạch trần sau khi nghỉ hưu.

Ông ta cần một số kẻ trung thành. Ai có thể là người tốt hơn ngoài kẻ đồng lõa với tội phạm của ông ta?

Viên thư ký biết hầu như tất cả các bí mật của ông chủ. Nếu một người muốn hạ bệ một quan chức, cách tốt nhất và dễ dàng nhất là lấy chứng cứ từ thư ký của ông ta. Theo báo Tài Tân, các cựu thư ký của Chu Vĩnh Khang ngoại trừ một người, thì tất cả đã bị giam giữ, điều tra và thẩm vấn từ một năm trước.

Chu Vĩnh Khang đã ban cho họ địa vị, quyền lực và tiền tài. Bây giờ, mối quan hệ của họ với Chu đã đem đến vận xui cho họ. Họ sẽ mất tất cả – quyền lực, tiền bạc, danh tiếng và tự do.

Trong hệ thống vô pháp và thối nát hoàn toàn ở Trung Quốc, bất cứ ai cũng đều có thể là thủ phạm và nạn nhân. Không có ai được an toàn. Với sự thông báo về việc thanh trừng các viên thư ký này, sợi dây thừng quanh cổ Chu Vĩnh Khang đang siết chặt lại.

Heng He

Theo vietdaikynguyen

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc