Home » Khám Phá, Khoa học » Băng ở nam cực bắt đầu tan chảy
Một khu vực ổn định của Nam Cực đột nhiên bắt đầu tan chảy

nam cuc

Suốt năm 2014 vừa qua, những thông tin về sông băng Nam Cực đã giật tít hầu hết các trang báo, nhưng toàn là những tin không mấy tốt lành. Ví dụ như, một tảng băng lớn đang đối mặt với nguy cơ sắp sụp đổ, các dòng sông băng ở Tây Nam Cực đang tan chảy một cách không thể kiểm soát, hay các mối đe dọa mới cho tảng băng Đông Nam Cực. Toàn là những tin tức ảm đạm!

Nhưng bây giờ tôi e rằng sẽ còn có một tin xấu hơn nữa: một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Khoa học (Science), dẫn đầu bởi tôi và một nhóm đồng nghiệp của tôi đến từ Đại học Bristol, đã quan sát thấy băng đang tan chảy nhanh một cách đột ngột ở khu vực trước đây khá ổn định của Nam Cực.

Antarctica_map_indicating_Antarctic_Peninsula-674x612

Khu vực này nằm ở mỏm phía nam của bán đảo Nam Cực (bán đảo Nam Cực là một phần cực bắc của lục địa Nam Cực kéo dài 1300km ra Nam Đại Dương). Nửa phía bắc của bán đảo này là khu vực ôn hòa nhất của châu lục Nam Cực và những ảnh hưởng khí hậu ở đó được thể hiện rất rõ ràng. Chúng ta đã từng nghe về tình trạng bất ổn của một số dòng sông băng ở phía bắc bán đảo Nam Cực sau khi một số thềm băng tan rã, nổi tiếng nhất là thềm băng Larsen A và Larsen B. Xa hơn về phía tây, trong nhiều thập kỷ qua, những dòng sông băng khổng lồ đổ vào biển Amundsen đã liên tục phóng thích băng đá vào đại dương ở một tỷ lệ đáng báo động. Thật là bất ngờ khi phía Nam bán đảo vốn nối liền khu vực bán đảo và lục địa lại là đối tượng lớn thứ hai của châu Nam Cực góp phần làm cho mực nước biển dâng cao.

Sử dụng trắc điện của vệ tinh, chúng tôi nhận thấy phía bắc bán đảo Nam Cực không có dấu hiệu thay đổi nào mãi cho đến năm 2009. Vào khoảng năm 2009, nhiều sông băng dọc theo đường bờ biển dài 750km rộng lớn đột nhiên bắt đầu phóng thích băng đá vào đại dương với tốc độ gần như không đổi là 60 km khối (tức là khoảng 55 ngàn tỷ lít nước) mỗi năm. Trong vòng năm năm qua, lượng nước phóng thích đã đủ để lấp đầy 350.000 tòa nhà Empire State.

Một số sông băng có bề rộng đang sụt giảm đến 4 mét mỗi năm. Lượng băng trong khu vực đang tan chảy lớn đến mức nó có thể gây ra những thay đổi nhỏ trong trường hấp dẫn của Trái đất mà vệ tinh vũ trụ GRACE (Gravity Recovery and Climate Experiment) đã phát hiện được.

Đây có phải là một hệ quả từ hiệu ứng “Ấm lên toàn cầu”?

Câu trả lời là có và không. Dữ liệu từ một mô hình khí hậu Nam Cực cho thấy rằng sự thay đổi đột ngột này không có liên quan đến sự thay đổi về lượng tuyết rơi hay nhiệt độ không khí. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng hiện tượng băng tan chảy nhanh chóng là do các đại dương đang ấm dần lên.

Nhiều dòng sông băng trong khu vực Nam Cực chảy vào các thềm băng hiện đang trôi nổi trên bề mặt đại dương. Các thềm băng vốn nằm trên nền đá nội địa có chức năng như một chỗ tựa để băng đá bám vào, làm chậm dòng chảy của các sông băng đổ vào đại dương. Những cơn gió tây thổi quanh Nam Cực đã trở nên mạnh mẽ hơn trong những thập kỷ gần đây do hệ quả từ sự ấm dần lên của khí hậu và sự suy giảm của tầng ôzôn. Những cơn gió mạnh đẩy nước ấm từ Nam Đại Dương về phía cực, làm bào mòn các dòng sông băng và làm tan chảy dưới các thềm băng khiến chúng giờ đây phải trôi nổi.

Trong hai thập kỷ qua, thềm băng trong khu vực đã mất đi gần một phần năm độ dày của nó, do đó làm giảm lực cản các dòng sông băng. Mối lo ngại quan trọng là hầu hết băng ở phía nam bán đảo Nam Cực hình thành trên nền đá dưới mực nước biển, do đó nước biển có thể đi sâu hơn vào nội địa. Điều này có nghĩa là ngay cả khi các dòng sông băng rút lại thì dòng nước ấm vẫn sẽ đuổi theo vào trong nội địa và làm tan chảy băng trên diện rộng.

Vì sao điều này đáng phải quan tâm?

Các sông băng đang tan chảy của Nam Cực đang khiến mực nước biển toàn cầu tăng lên 0,16mm mỗi năm, tất nhiên điều này sẽ không khiến bạn phải dọn lên ở trên các ngọn đồi ngay bây giờ. Nhưng nó cũng chưa hẳn đã là nguyên nhân gây ra mực nước biển dâng cao, vì chừng đó chỉ chiếm khoảng 5% lượng nước gia tăng toàn cầu. Điều đáng quan tâm hơn là những thay đổi này xảy ra quá đột ngột, lại diễn ra ở khu vực vốn ổn định, mãi cho đến bây giờ. Thực tế là rất nhiều dòng sông băng trong một khu vực rộng lớn như vậy đột nhiên bắt đầu tan chảy một cách thật bất ngờ. Điều đó cho thấy rằng các dải băng phản ứng rất nhạy với môi trường: chỉ trong một vài năm mọi thứ đã thay đổi.

Phía Nam của bán đảo Nam Cực chứa băng đá đủ để làm mực nước biển tăng thêm 35 cm, nhưng điều đó sẽ không xảy ra ngay. Còn quá sớm để nói sự tan chảy của băng đá sẽ còn tiếp diễn trong bao lâu và nó sẽ làm mực nước biển tương lai tăng thêm bao nhiêu nữa. Để dự đoán chính xác điều này, một kiến ​​thức chi tiết về hình học của những thềm băng địa phương này, địa hình đáy biển, độ dày của dải băng và tốc độ chảy của các dòng sông băng là rất quan trọng.

Nhưng băng đá ở Nam Cực cũng giống như một người khổng lồ đang ngủ. Ngay cả nếu chúng ta ngừng thải khí nhà kính như những gì chúng ta đang làm hiện tại, hoặc các dòng nước ấm sẽ dừng lại, hệ thống chậm chạp này cũng sẽ mất một thời gian dài để cân bằng trở lại.

Bert Wouters

Bert Wouters là Marie Curie nghiên cứu sinh khoa Khoa học địa lý, trường Đại học Bristol .

The Conversation, vietdaikynguyen

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc