Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Malaysia: phát hiện rất nhiều nhà giam và hố chôn người tị nạn
Chính quyền Malaysia mới đây thừa nhận đã phát hiện hàng chục trại giam và rất nhiều hố chôn người tị nạn ở khu vực hẻo lánh giáp biên giới với Thái Lan. 
Malaysia phát hiện 139 hố chôn tập thể người tị nạn

Malaysia phát hiện 139 hố chôn tập thể người tị nạn

Cảnh sát Malaysia ngày 25/5 cho biết vừa phát hiện 139 hố chôn tập thể và 28 trại giam bị bỏ không có thể chứa hàng trăm người, cho thấy cuộc khủng hoảng tị nạn trong khu vực đã lên tới đỉnh điểm của tội ác tàn độc đáng lo ngại.

Người đứng đầu cơ quan cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết, chính quyền đang khai quật hiện trường và chưa rõ có bao nhiêu thi thể bị chôn vùi tại khu vực rừng nhiệt đới hiểm trở, xa xôi hẻo lánh giáp biên giới Thái Lan.

Phát hiện trên rõ ràng lớn hơn nhiều so với những gì mà cảnh sát Thái Lan tìm thấy về hệ thống trại giam và mộ tập thể trong rừng rậm hồi đầu tháng 5 năm nay, khiến dư luận trong khu vực vô cùng lo ngại về nạn buôn lậu người.

Giới chức Malaysia từ lâu đã bị các nhóm nhân quyền cáo buộc không làm tròn trọng trách để giải quyết tệ buôn người trái phép, đồng thời họ cũng luôn phủ nhận về sự hiện hữu của những trại giam rùng rợn như vậy trên đất mình.

“Chính quyền đã tìm thấy 139 hố chôn người và không rõ có bao nhiêu thi thể ở trong đó”, ông Khalid Abu Bakar nói với các phóng viên tại thị trấn Wang Kelian gần biên giới Thái Lan.

“Họ cũng phát hiện 28 trại giam”.

Ông Khalid thông báo, giới chức đang cho khai quật các thi thể và tiến hành xét nghiệm pháp y và có ít nhất 1 nạn nhân “đã phân hủy nặng”.

Cho tới giờ cảnh sát vẫn chưa nói rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của những nạn nhân này.

Số lượng và quy mô các lán trại ở trên cho thấy chúng có thể chứa được hàng trăm người.

Ông Khalid ước tính, trại lớn nhất chứa tới 300 người, 100 người. Khu giam giữ nhỏ nhất cũng có thể lưu được 20 người.

Trước đó cảnh sát Thái Lan thông báo đã tìm thấy 5 khu lều trại bí mật trong rừng rậm và cho tới giờ phát hiện 35 thi thể ở vùng biên giới.

Cuộc trấn áp gần đây tại Thái Lan rõ ràng đã khiến những tổ chức buôn người lo ngại và bỏ mặc nhiều chiếc thuyền chở người di cư từ Bangladesh và bộ tộc thiểu số Rohingya bị đàn áp ở Myanmar.

Những người tị nạn trong cảnh đói khát đã tới được Malaysia, Thái Lan và Indonesia, tuy nhiên các nhóm nhân quyền cho biết còn hàng ngàn người có thể vẫn đang lênh đênh trên biển.

Ban đầu Malaysia và Indonesia đã từ chối cho người tị nạn lên bờ, tuy nhiên trước áp lực quốc tế, hai nước cho biết sẽ tạm thời chấp nhận các thuyền nhân nhưng vẫn bảo lưu quyền gửi họ về nước hoặc tới đâu đó.

Malaysia cần gánh trách nhiệm

Cảnh sát miền nam Thái Lan hồi đầu tháng 5/2015 phát hiện các lều trại bí mật của tổ chức buôn người và hàng chục ngôi mộ tập thể nông. (Ảnh: AFP)

Cảnh sát miền nam Thái Lan hồi đầu tháng 5/2015 phát hiện các lều trại bí mật của tổ chức buôn người và hàng chục ngôi mộ tập thể nông. (Ảnh: AFP)

Thủ tướng Najib Razak ngày 25/5 bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về phát hiện trong rừng rậm.

“Chúng tôi sẽ tìm cho ra thủ phạm đã gây tội ác này”, ông Najib Razak tuyên bố trên trang Facebook.

Trước đó trong tháng, ông tuyên bố “Malaysia chưa hề và sẽ không bao giờ xuất hiện tệ buôn người”.

Tuy nhiên phát hiện này có thể sẽ tập trung sự chú ý của dư luận vào hồ sơ trấn áp tội ác này của Malaysia, vốn bị các nhà hoạt động cáo buộc là do những tập đoàn tội phạm gây ra với khả năng có liên quan tới giới chức.

“Tôi chắc chắn rằng chính quyền các tỉnh biên giới biết rõ những gì đang diễn ra và nắm được danh tính nhóm tội phạm. Giới chức chóp bu sẽ là những người chịu trách nhiệm về tội ác này”, Aegile Fernandez thuộc tổ chức vận động vì nhân quyền cho người lao động và di cư Tenaganita tuyên bố.

“Tôi chắc chắn cảnh sát biết về những tập đoàn tội phạm này. Vấn đề ở chỗ họ có muốn ngăn chặn nó hay không”.

Theo các tổ chức chống buôn lậu, vùng biên giới gần Wang Kelian nổi tiếng là điểm chuyển tiếp chủ chốt trên một tuyến đường dẫn người di cư từ Bangladesh và Miến Điện vào Malaysia hoặc nước khác.

Ông Khalid từ chối trả lời câu hỏi, vì sao chính quyền không hề hay biết về hoạt động tràn lan đến vậy của các trại giam người tị nạn.

Tuy nhiên trước đó ông cũng nói rằng, những khu lán trại đều đặt ở vùng xa xôi hiểm trở và tốn hàng giờ đi bộ mới có thể tiếp cận.

Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nạn buôn người xếp Malaysia vào hạng thấp nhất-hạng 3, chỉ “những quốc gia không tuân thủ hoàn toàn các tiêu chuẩn tối thiểu (để giải quyết vấn đề) và không nỗ lực cải thiện tình hình”.

Theo Minhbao/AFP


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc