Home » Thế giới » Washington kêu gọi Myanmar đối xử tử tế hơn với người Rohingya
Một Quan chức ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ đang có mặt tại Myanmar đang kêu gọi các nhà lãnh đạo nước này cải thiện việc đối xử với những người Rohingya thiểu số. 

Phó Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken (giữa, trái) đang nói chuyện với  Tổng thống Myanmar Thein Sei (giữa, phải). (Ảnh: AFP)

Phó Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken hôm nay (21/05) đến thăm Myanmar, một ngày sau khi Washington tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ hàng ngàn thuyền nhân Rohingya đang mắc kẹt trên biển.

Bà Marie Harf, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết như sau tại cuộc họp báo hôm thứ tư (20/05).

“Tôi nghĩ rằng ông phó bộ trưởng sẽ nhấn mạnh, như chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, là chính phủ Miến Điện cần phải nhận lãnh trách nhiệm giải quyết những vấn đề đã có từ lâu ở quốc gia của họ, kể cả việc giải quyết những vấn đề nan giải mà người Rohingya phải đối mặt. Tôi cũng nghĩ rằng chúng tôi sẽ yêu cầu có được sự tiếp cận đầy đủ và không bị ngăn trở cho công tác cứu trợ ở đó.”

Các cuộc thảo luận ngày hôm nay diễn ra sau khi Indonesia và Malaysia đồng ý dành quyền lánh nạn tạm thời cho hàng ngàn di dân và những nạn nhân của nạn buôn người đang mắc kẹt trên biển.

Sự đột phá này được loan báo hôm thứ tư sau một cuộc họp của các vị Ngoại trưởng của Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Ba nước này trước đó đã có thái độ ngần ngại, không muốn ra tay giúp đỡ các thuyền nhân.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, ông Anifah Aman, phát biểu như sau.

“Indonesia và Malaysia đồng ý tiếp tục cung cấp sự trợ giúp nhân đạo cho 7.000 di dân bất thường đang ở trên biển. Chúng tôi cũng đồng ý cung cấp cho họ nơi tạm trú với điều kiện là tiến trình tái định cư và hồi cư sẽ được thực hiện trong vòng một năm bởi cộng đồng quốc tế.”

Thuyền nhân Rohingya được cứu sống bật khóc khi đến được Simpang Tiga, tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 20/5/2015.

Những người di cư Rohingya được cứu sống bật khóc khi đến được Simpang Tiga, tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 20/5/2015. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Anifah cũng kêu gọi các nước khác và các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ trong công tác này.

Gần 3.000 thuyền nhân đã được cứu hoặc vào được bờ biển của Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Vụ khủng hoảng bắt đầu hồi đầu tháng này khi Thái Lan phá vỡ những đường giây buôn người chuyên bóc lột người Rohingya. Những kẻ buôn người đã tẩu thoát, làm cho hàng ngàn thuyền nhân lênh đênh trên biển.

Theo VOA


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc