Nga ngày càng tạo nên ảnh hưởng của mình tại Syria
“Ở Syria, Nga đang tạo ra thứ sức mạnh vượt ngoài tầm kiểm soát”.
Ở Syria, Nga, Mỹ và Damascus dường như đều đang chưa dành sự chú ý đúng mức cho một vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng tới cả tình hình nội bộ trong nước và khu vực.
Hiệu ứng domino
Xung đột ở Syria và căng thẳng nội bộ tại Iraq đã trở thành cơ hội tốt để người Kurd mở rộng đáng kể lãnh thổ của mình – tất nhiên là với sự yểm trợ trên không và hỗ trợ vũ khí từ nước ngoài.
Động lực phía sau sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho lực lượng người Kurd – ngoài mối quan hệ thân thiết lâu dài giữa Mỹ và người Kurd ở Iraq, là bởi đây là lực lượng địa phương đáng tin cậy và hoạt động hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống IS.
Trong khi đó, sự ủng hộ của Nga cho lực lượng này ở Syria, theo nhà báo Sharif Nashashibi, lại xuất phát từ căng thẳng giữa Moscow và Ankara.
Lý do mà cả Nga – và chính quyền Syria – ủng hộ người Kurd là bởi họ muốn lực lượng này bám rễ sâu hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ và nuôi dưỡng một đồng minh khác trên mặt đất chống lại quân nổi dậy ở Syria.
Chiến lược này cho tới nay đang chứng minh được hiệu quả đối với cả 2 mục tiêu.
Người Kurd ở Syria, ban đầu tập trung chống IS, nay đã giành được đất đai từ tay nổi dậy ở miền bắc. Điều đó đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận và tuyên bố sẽ không thể chấp nhận để cho người Kurd ở Syria kiểm soát khu vực biên giới.
Tuy nhiên, khi đang hăng hái ủng hộ lực lượng người Kurd, cả ở Syria và Iraq, các bên can thiệp quân sự vào Syria hiện nay dường như đều không để tâm tới một vấn đề quan trọng, có tác động lớn tới nội bộ và cả khu vực.
Ông Nashashibi chỉ ra, vấn đề nằm ở chỗ, các bên vừa nhấn mạnh sự toàn vẹn lãnh thổ của cả Syria và Iraq, song lại vừa ủng hộ người Kurd.
Đây là mối lo ngại lớn không chỉ với Iraq và Syria, mà còn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, bởi cộng đồng thiểu số người Kurd sinh sống tại những nước này không phải là nhỏ.
“Họ cần phải thận trọng với một hiệu ứng domino, nếu người Kurd ở Syria hay Iraq được trao quyền tự trị”.
Khi nào thì Nga và Iran gặp khó với người Kurd?
Trên thực tế, lực lượng người Kurd ở Syria đã tuyên bố tự trị kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột – lần đầu tiên vào tháng 11/2013, sau đó là tháng 1/2014.
Mới gần đây, sau những ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ, Tổng thống tự xưng của nhà nước Kurdistan ở Iraq, Masoud Barzani, đã nhắc lại lời kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự chủ mà ông này từng đưa ra vào tháng 7/2014.
“Người Kurd có quyền được độc lập. Từ giờ trở đi, chúng tôi sẽ không giấu mục tiêu đó của mình nữa. Giờ đây, Iraq đã được phân tách một cách hiệu quả”.
Sự hỗ trợ của Mỹ đối với lực lượng người Kurd đã gây ra những căng thẳng trong liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận tới mức nhiều lần nã pháo vào lực lượng này.
Lực lượng nổi dậy – trong đó có các nhóm được Mỹ hậu thuẫn, thậm chí là một đồng minh khác của Mỹ là Iraq, cũng bày tỏ sự khó chịu.
Còn Moscow và Damascus thì vẫn đang tận hưởng lợi ích trước mắt khi lực lượng người Kurd ở Syria mạnh lên.
Tuy nhiên, chuyên gia người Ả Rập cho rằng, Nga và Iran có thể đang tạo ra một thứ “sức mạnh” mà chính họ rồi cũng không thể nào kiểm soát nổi, khi mà người Kurd ở Syria trở nên vững chắc, muốn tăng quyền tự chủ, hoặc gây sức ép để được độc lập.
Lúc này, chắc chắn chính quyền trung ương Syria và các nhóm đối lập sẽ cùng có chung một quan điểm là “Không”.
Tương tự, Barzani có thể dựa vào sự ủng hộ của Mỹ đối với độc lập của người Kurd ở Iraq, song theo nhà báo chuyên về Ả Rập, Mỹ nhiều khả năng sẽ không ủng hộ một động thái có thể gây thù địch lớn đối với các đồng minh lớn trong khu vực.
Trong khi đó, theo ông Nashashibi, những lo ngại về tham vọng dân tộc của người Kurd có thể sẽ làm cản trở cuộc chiến chống IS, bởi các nhóm thánh chiến, nếu nhìn ra điều này, sẽ tự rêu rao rằng chúng là “tiên phong” trong việc chống lại tham vọng của họ.
Theo Soha
(theo Trí Thức Trẻ)
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!