Home » Xã hội » Những thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH 2016
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phươn án thi tốt nghiệp THPT cũng như quy chế xét tuyển vào ĐH, CĐ với những thay đổi quan trọng.
thi tot nghiep PTTH

Ảnh baovanhoa

Quy định môn thi, không có thay đổi so với trước

Thời gian thi từ ngày 1 đến 4/7. Các quy định về môn thi, phương hướng ra đề thi về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2015. Theo đó thí sinh sẽ thi 8 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài thi mỗi môn 180 phút; các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài thi mỗi môn 90 phút; môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài thi 90 phút.

Lịch thi. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Lịch thi. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

– Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: Đăng ký dự thi (ĐKDT) 04 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 03 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 01 môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Những thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được phép chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

– Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: ĐKDT 04 môn tối thiểu và ĐKDT thêm các môn khác để xét tuyển sinh.

Riêng với môn Ngoại ngữ, học sinh các vùng khó khăn không đủ điều kiện học Ngoại ngữ được phép chọn một môn thi bất kì trong 8 môn thi được quy định để thay thế, không cần phải xin phép và được sở GD-ĐT chấp thuận như trước đây.

Thí sinh được thi ngay tại địa phương của mình

Đây là thay đổi lớn so với trước đây, nhằm giúp thí sinh tiết kiệm chi phí cũng như vất vả khi phải đi sang địa phương khác thi cử.

Bộ GD-ĐT quyết định mỗi tinh, thành phố có ít nhất một cụm thi do trường ĐH chủ trì, một cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì (Cụm thi Sở GD dành cho thí sinh không sử dụng kết quả thi chung để xét tuyển ĐH-CĐ). Một số thành phố tập trung nhiều trường ĐH như Hà Nội, TP.HCM có thể tổ chức nhiều cụm thi do trường ĐH chủ trì.

Trong trường hợp các tỉnh, thành đề xuất, có thể chỉ tổ chức cụm thi do ĐH chủ trì, phối hợp với các sở GD-ĐT dành cho các đối tượng thí sinh, bao gồm cả thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT khuyến khích nhiều tỉnh, thành chọn phương án này.

Quy định xét tuyển đại học, cao đẳng

Theo phương án đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT quyết định gồm đợt xét tuyển đầu tiên và đợt xét tuyển bổ sung.

+ Đợt xét tuyển đầu tiên: Thời gian đăng ký xét tuyển được rút ngắn còn 12 ngày; mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 2 trường (thay vì 4 nguyện vọng vào 1 trường như năm ngoái), mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo, tuy nhiên thí sinh lại không được thay đổi nguyện vọng

+ Các đợt xét tuyển kế tiếp: Thời gian đăng ký xét tuyển và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh đăng ký xét tuyển mỗi đợt vào tối đa 03 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo.Tương tự như đợt đầu, thí sinh cũng không được phép rút hồ sơ sau khi đã nộp.

Bộ Giáo dục cho biết sắp tới công bố phần mềm đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng qua mạng, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký 2 trường.

Ý kiến các nhà giáo dục về quy chế thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH 2016

Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng và trường phổ thông cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn lọc những ý kiến đóng góp của toàn xã hội trong tổ chức thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay nhằm hướng đến khắc phục được những bất cập trong kỳ thi và tuyển sinh năm 2015.

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho VOC biết: “Đây là một bước cải tiến trong những nỗ lực đổi mới kỳ thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng. Việc phân bổ các cụm thi hợp lý hơn và công tác coi thi có sự tham gia của nhiều trường đại học hơn thì sẽ nhẹ nhàng hơn cho những cụm thi lớn, để các em đến cụm thi thuận lợi và gần nhất. Công tác tổ chức thi năm vừa rồi nhìn chung cũng còn một số bất cập của cụm thi. Cũng có các em ở gần cụm thi Hà Nội nhưng lại thi ở cụm thi xa”.

Dù đồng tình với việc bố trí cụm thi dành cho thí sinh thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng ở tất cả các tỉnh, thành phố, nhưng ông Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội nói với VOV rằng: “Theo tôi, không nên và không cần phân ra làm 2 nhóm thi là quốc gia và không quốc gia ở đây. Là vì bất kể là dạng đề ra như vậy, làm được đến mức nào thì đỗ tốt nghiệp và đến mức nào thì được xét tuyển cao đẳng, đại học vì chuyện học cao đẳng, đại học hoặc học nghề là quyền của mọi con người. Và nếu phân ra 2 nhóm như vậy, 1 nhóm quốc gia, 1 nhóm địa phương thì dễ cho người ta lầm tưởng là ở địa phương chỉ đạo không sâu, không sát, xem nhẹ về quy chế, chỉ có quốc gia là đàng hoàng. Tự nhiên là tạo ra sự phân biệt không đáng có ở trong chuyện này”.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, những thay đổi này chủ yếu là về mặt kỹ thuật trong khâu tổ chức thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng, hầu như không ảnh hưởng đến việc học, ôn tập của học sinh.

Đây là điều đáng mừng để học sinh yên tâm học tập và chuẩn bị cho kỳ thi này. Tuy nhiên, do đề thi dùng chung cho cả thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp và thí sinh dự thi vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng nên cần đảm bảo vừa sức với học sinh./.

Tổng hợp từ VOV, tuyensinh247

 

 

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc