Home » Thể thao » Câu chuyện cổ tích Leicester City
Là đội bóng thuộc TOP 5 đội bóng chi chuyển nhượng thấp nhấp vào đầu mùa bóng, trước giải không có một cầu thủ nào được ai biết đến, tỷ lệ đặt cược cho ngôi vô địch của đội bóng này là 1 ăn 5.000. Thế nhưng Leicester City đã viết lên câu chuyện cổ tích cho mình, sớm lên ngôi vô địch trước cả 2 vòng đấu.

Nhà vô địch Ngoại hạng Anh: Cổ tích Leicester City!

Leicester City đang tạo ra một câu chuyện thi vị nhất và cũng đầy kỳ quặc cho bóng đá thế giới khi làm fan hâm mộ giải ngoại hang Anh sững sờ, các đội bóng đại gia ngả mũ.

Bóng đá không phải là môn thể thao số 1 ở Leicester

Dù chỉ nằm cách thủ đô London có 100 dặm về phía Bắc, khó có thể coi Leicester là thành phố lớn của một quốc gia hưng thịnh. Thành phố khoác lên mình diện mạo buồn tẻ của kiến trúc thô mộc thập niên 1960 và chỉ có khoảng 50% trên tổng số 300.000 cư dân là người Anh da trắng. Còn lại là dân nhập cư từ khắp nơi, người châu Á có, người Phi có, cả những cư dân vùng Caribe nữa…

Leicester

Ở Leicester, bóng đá không phải môn thể thao số 1, vinh dự này thuộc về môn… săn cáo!

Thành phố ấy đã đi vào sách truyện nhưng không phải với dáng vẻ xinh đẹp, tráng lệ. Ngược lại, nó được mô tả như một miền quê nghèo nàn – quê hương của cậu nhóc Adrian Mole trong serie truyện trào phúng của tác giả Sue Townsend.

Không có nhiều những địa danh hay nhân vật lịch sử gắn tên mình với Leicester và có chăng cũng chỉ là những sự kiện buồn. Chẳng hạn đây là nơi tạ thế của vua Richard III, người bị giết chết trong trận chiến Bosworth.

Năm 2012, các nhà khảo cổ tìm thấy di hài vua Richard III dưới một bãi đỗ xe và tới tháng 3 năm 2015, người ta tiến hành cải táng. Chẳng biết vị vua ấy linh thiêng thế nào nhưng đội bóng Leicester thì chơi như lên đồng từ thời điểm ấy. Từ tư thế một kẻ cầm chắc xuống hạng, Leicester bỗng thắng như chẻ tre để trụ hạng mùa trước, rồi băng băng trên con đường đến chức vô địch nước Anh lần đầu tiên trong lịch sử.

Bóng đá từ trước tới nay không phải là thứ được yêu thích nhất ở thành phố này. Số 1 phải là môn săn cáo, trò giải trí đã rất nổi tiếng ở đây từ nhiều thế kỷ (đó chính là cội nguồn của biểu tượng chú cáo trên logo và biệt danh “The Foxes” của Leicester City).

Phải hiếm hoi lắm mới thấy một người dân khoác chiếc áo đấu màu xanh, hay quàng một chiếc khăn của Leicester đi đến công sở. Dù Leicester chơi ở Premier League hay ở giải hạng Ba như 7 năm trước thì sự quan tâm của người dân cũng không khác là bao.

Thực tại ấy khác xa khung cảnh thường thấy ở Manchester, Liverpool, London hay Southampton…, những thành phố bóng đá. Mỗi dịp cuối tuần, thành phố Manchester luôn chia thành hai nửa, một nửa xanh, một nửa đỏ. Và nếu đội bóng Newcastle United dẫn đầu giải Ngoại hạng, cả thành phố Newcastle sẽ rợp màu áo trắng đen. Leicester thì không.

Câu chuyện thi vị nhất và cũng đầy kỳ quặc

Ở Leicester không có một nhóm sắc tộc lớn nào. Nơi đây có một cộng đồng dân cư hết sức đa dạng, những người nhập cư từ Ba Lan, Ukraina, Tây Ấn, Pakistan, người lai Á – Phi, người Afghanistan… Vì lẽ đó mà các CĐV đối địch trước đây thường chế nhạo fan Leicester bằng cách hô vang: “chúng mày là lũ Ấn Độ bé nhỏ”.

Sự đa tạp về sắc tộc ấy khiến Leicester không có một CLB thể thao nào thực sự nổi trội. Lượng fan của Leicester City còn không đông bằng fan của Leicester Tigers, một đội rugby. Thành phố Leicester còn có một đội bóng rổ và vài CLB cricket (dân nhập cư Ấn Độ hoặc Pakistan đam mê cricket hơn bóng đá).

Leicester-2

Ranieri và CLB Leicester đang viết nên câu chuyện cổ tích của riêng mình tại Premier League – giải đấu hàng đầu nước Anh

Leicester City thậm chí không có một trận derby truyền thống nào. Họ có thể xem đội bóng láng giềng Nottingham Forest là đối thủ, nhưng kình địch thực sự của Forest là Derby County. Leicester City bị phớt lờ bởi chính những đối thủ của mình.

Nhìn xa hơn vấn đề bóng đá và thể thao, thành phố Leicester còn không nổi bật cả trên khía cạnh văn hóa so với nhiều địa phương khác ở Anh. Họ hoàn toàn lu mờ trước Birmingham và Nottingham, những thành phố lân cận giàu mạnh ở miền Trung nước Anh.

Dân miền Nam nước Anh xem Leicester thuộc miền Bắc. Dân miền Bắc lại nghĩ Leicester nằm ở phương Nam. Chẳng ai quan tâm đến họ. Bóng đá lại càng không, Leicester hoàn toàn lu mờ trước Birmingham và Nottingham, 2 thành phố đều có đại diện đoạt Cúp C1.

Vậy mà giờ đây, Leicester City đang tạo ra một câu chuyện thi vị nhất và cũng đầy kỳ quặc cho bóng đá thế giới. Một tập thể của những người bị đánh giá thấp (Riyad Mahrez, Jamie Vardy, N’Golo Kanté…), của một kẻ chuyên về nhì (Claudio Ranieri), của những người tưởng đã lãng quên (Robert Huth, Danny Simpson) hay những cái tên chẳng ai thèm biết đến (Christian Fuchs, Wes Morgan).

Tin nổi không, họ đã chính thức đăng quang ngôi vô địch lịch sử giải ngoại hạng Anh trước 2 vòng đấu và mùa giải sau Leicester sẽ đại diện cho nước Anh tham dự Champions League, tranh tài cùng những Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich…? Những người vẫn trả 3 bảng cho mỗi lần đi cắt tóc như Mahrez, Kanté… sẽ so tài cùng Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, những siêu sao triệu phú.

Một thành phố với cộng đồng cư dân xuất xứ từ 22 quốc gia. Một nơi mà bất kỳ ai cũng có thể kiếm được việc làm mà không gặp trở ngại nào về màu da hay tôn giáo. Ở nơi ấy đang viết lên một thiên truyện cổ tích thời hiện đại. Cổ tích mang tên Leicester City.

Một đội bóng với ông chủ người Thái, HLV người Italy và các cầu thủ đến từ tứ xứ, nằm trong một thành phố bé nhỏ với một nửa dân số là dân nhập cư. Đội bóng ấy đã lên hạng rồi xuống hạng không biết bao nhiêu lần. Vậy mà giờ đây cả thế giới đang phải nói về họ, Leicester City, tân vô địch giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. “Những chú cáo” ngủ quên suốt 132 năm đang thức giấc.

Nguyễn Đỉnh

Theo khampha

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc