Home » Khám Phá » Cung điện thời Lý dưới hầm nhà Quốc hội
Cung điện thời Lý đã được tái hiện trong trưng bày “Những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội”, khai mạc chiều nay, 19.5, tại tầng hầm Nhà Quốc hội.

Tái hiện cung điện thời Lý dưới hầm Nhà Quốc hội.

Hàng trăm di vật cổ như đầu rồng, móng trụ, mái ngói, mảnh gốm… của cung điện thành Thăng Long thời Lý được trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. 

Từ ngày 19/5, hơn 400 di vật và gần 10 di tích có giá trị được các nhà khoa học khảo cổ phát hiện dưới lòng đất khu vực Nhà Quốc hội đã được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lựa chọn giới thiệu tại tầng hầm công trình này sau khi được xây mới. 

Với diện tích mặt bằng trưng bày khoảng 3.700 m2, tầng hầm 1 là không gian trưng bày những di vật Thăng Long và nổi bật nhất là mô phỏng về kiến trúc của cung điện thời Lý giống như bối cảnh khai quật.

tai-hien-cung-dien-thoi-ly-duoi-ham-nha-quoc-hoi

Ngói lợp mái cung điện thời Lý được trưng bày. 

Các di vật được trình diễn bằng hệ thống 42 đèn cột ánh sáng, để gợi mở cho công chúng hình dung về 42 cột gỗ của một công trình kiến trúc cung điện thời Lý. Lịch sử vàng son của kinh đô Thăng Long cùng dấu tích cung điện được diễn giải sinh động với công nghệ trình diễn mapping và media, tái tạo một bức tường bao quanh cung điện theo đúng chiều cao thật 2,72 m. 

Tầng hầm 2 trưng bày trọn vẹn mặt bằng kiến trúc Đại La ở khu trung tâm và một phần mặt bằng kiến trúc thời Đinh – Tiền Lê ở khu vực phía Bắc. Lối đi tham quan được mở giữa lòng các di tích, dọc hai bên tuyến tham quan đặt hệ thống tủ trưng bày di vật. 

tai-hien-cung-dien-thoi-ly-duoi-ham-nha-quoc-hoi-1

Đầu rồng trang trí trong cung điện thời Lý. 

Di tích đầu rồng thời Lý, giếng nước thời Trần được trưng bày ngay khu vực lối đi ở giữa lòng di tích kiến trúc thời Lý và nhiều hiện vật cuộc sống. Người xem có thể hình dung cụ thể hơn cuộc sống trong hoàng cung qua những hiện vật này. Ngoài ra, công chúng có thể xem tư liệu trong phòng chiếu sức chứa 60 người để thấy được kiến trúc cung điện thời Lý.

“Ở mỗi một tầng hầm, trong mỗi không gian, chúng tôi lại lựa chọn những điểm nhấn nhằm đem lại cảm xúc, ấn tượng cho người xem và thể hiện những giá trị cốt lõi nhất của di sản đến công chúng một cách tự nhiên”, PGS.TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành cho biết.

tai-hien-cung-dien-thoi-ly-duoi-ham-nha-quoc-hoi-2

Miệng giếng nước được tìm thấy trong khu vực khảo cổ. 

Khu vực tương tác với các thiết bị hiện đại như màn hình cảm ứng lớn 48 và 90 inch và sàn tương tác lớn là không gian để công chúng khai thác thông tin, trẻ em thoải mái vui chơi khám phá khảo cổ học. Mô hình công trường khai quật khảo cổ học cùng những dụng cụ khai quật và hình ảnh các nhà khảo cổ học làm việc được tái hiện theo tỷ lệ 1/50 sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về công tác khảo cổ. 

Là một trong những người đầu tiên tham quan bảo tàng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nói: “Người ta sẽ cảm thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa cuộc sống và hiện vật. Điều đó làm cho bảo tàng thành công. Khi tham quan khu trưng bày này tôi thấy rất xúc động. Xúc động thật sự khi chúng ta kể những câu chuyện về lịch sử và câu chuyện về khảo cổ học rất hay”.  

Dưới lòng đất khu vực xây dựng Nhà Quốc hội mới, năm 2008-2009, Viện Khảo cổ học đã phát hiện được nhiều loại hình di tích, di vật của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp lên nhau, bắt đầu từ thời Đại La (thế kỷ 7-9), thời Đinh – Tiền Lê (thế kỷ 10) đến thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn (thế kỷ 11-19).

Với 140 di tích cùng hàng chục nghìn di vật khảo cổ được tìm thấy tại đây đã góp phần phản ánh sinh động lịch sử phát triển liên tục, lâu dài của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua suốt 1.300 năm, đồng thời minh chứng rõ, khu vực xây dựng toà Nhà Quốc hội là một bộ phận quan trọng nằm ở phía Tây Nam khu Trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long.

Để tạo nên sự kết nối hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, Đảng và Nhà nước đã dành một phần diện tích dưới tầng hầm của tòa nhà để làm nơi trưng bày các di tích, di vật tiêu biểu khai quật được dưới lòng đất tòa Nhà Quốc hội, đáp ứng nhu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách quốc tế.

Đoàn Loan – Theo Vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc