Home » Khám Phá, Khoa học » Khám phá những tàn tích dưới đáy đại dương

Rất nhiều tàn tích dưới đáy đại dương đã được khai quật. Hầu đều là dấu vết còn lại của một thành phố từng hưng thịnh.

Samabaj, hồ Atitlán, Guatemala

Được phát hiện vào năm 1996, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng các tàn tích này ban đầu là một hòn đảo, cho tới khi các hoạt động núi lửa và lở đất đã nhấn chìm nó 1.700 năm trước. Các công trình xây dựng bị chìm dưới nước trước cả thời kì người Maya thống trị và các cổ vật ở đây cho thấy hẳn các cư dân đã phải sơ tán một cách nhanh chóng nhất có thể.

Có rất nhiều tượng đài đã được phát hiện, cùng với đó là các bệ thờ, đồ gốm và các loại cổ vật khác. Các cuộc tìm kiếm của các nhà nghiên cứu diễn ra rất khó khăn do tầm nhìn hạn chế và mọi thứ được bao phủ dưới một lớp phù sa rất dày.

Cung điện của nữ hoàng Cleopatra (Alexandria, Ai Cập)

Biến mất từ hơn 1.600 năm trước, cung điện của nữ hoàng Cleopatra cũng như đền thờ thần Isis đã được phát hiện trong khu vực khảo cổ dưới nước của thành phố Alexandria. Theo truyền thuyết, nữ hoàng Cleopatra và người tình Marc Anthony đã tự sát để tránh bị quân La Mã bắt, sau đó mọi thứ thuộc về họ đều bị phá hủy hoặc phân tán khắp nơi.

Tới nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 3 khu vực được cho là nơi chôn cất của họ. Hơn 140 cổ vật đã được phát hiện, và công việc khai quật vẫn đang được tiến hành tới nay ở các khu vực chìm dưới nước. Các nhà khảo cổ cũng đang nghiên cứu khả năng về việc xây dựng một bảo tàng dưới nước ở đây.

Alit-Yam (Haifa, Israel)

Có tuổi thọ vào khoảng 7.000 năm trước Công nguyên, đây là nơi cư trú cổ nhất và rộng nhất của con người từng được phát hiện. Thực tế, trong hơn 9.000 năm qua, vùng biển này bảo tồn di tích tốt tới mức chúng ta vẫn có thể thấy những con bọ trong kho ngũ cốc, và những bộ hài cốt thì vẫn nằm yên bình trong mộ của họ.

Di tích này được khám phá vào năm 1984 và ngay lập tức thu hút hàng loạt giả thuyết về việc ngôi làng cổ tương đối phát triển này bị hủy diệt. Từ những trận sóng thần tới việc mực nước biển dâng do băng tan, những sự kiện dẫn tới kết cục xấu số của ngôi làng này vẫn mãi là một bí ẩn.

Port Royal (Cảng Kingston, Jamaica)

Là nơi trú ẩn của cướp biển và gái mại dâm, Port Royal từng là “thành phố nguy hiểm nhất thế giới”. Thành lập vào năm 1518, nó là một thành phố cảng khét tiếng và quen thuộc với những tên cướp người Anh và Hà Lan, cho tới khi chính phủ của họ cấm việc đánh chiếm các tàu Tây Ban Nha. Sau đó, cảng này trở thành điểm đến cho cướp biển khắp nơi, thậm chí là từ Madagascar.

Thành phố này bị phá hủy và nhấn chìm sau một trận động đất năm 1692. Các cuộc khai quật cho thấy nhiều tài liệu lịch sử, các công trình xây dựng, đường xá và thậm chí là lương thực cất trữ. Hiện nay, có rất nhiều kế hoạch đang được xem xét để tái phát triển thành phố này thành một điểm du lịch chính trong khu vực.

Baiae (Vịnh Naples, Italia)

Baiae là cảng đóng quân của hạm đội phía Tây của hoàng gia La Mã. Đây cũng là nơi cho ra đời rất nhiều tuyệt tác điêu khắc. Với việc một lượng lớn khuôn đúc được tìm thấy, một số người cho rằng đây là xưởng sản xuất hàng loạt các bản sao của các tác phẩm điêu khắc bằng đồng cho thị trường La Mã.

Baiae bị hủy diệt bởi quân Hồi giáo vào thế kỉ thứ 8 sau Công nguyên và bị bỏ hoang hoàn toàn vào thế kỷ 16. Ngoài ra do các hoạt động núi lửa trong khu vực mà các công trình ở đây đã đổ sập và bị nhấn chìm xuống đại dương.

Hải đăng Pharos (Alexandria, Ai Cập)

Giữa năm 1994 và 1998, một cuộc thăm dò đã được thực hiện ở khu vực tàn tích của ngọn hải đăng huyền thoại của Alexandria. Dù các nhà khảo cổ đã biết về kích thước của nó, họ vẫn hoàn toàn bất ngờ về những gì mình chứng kiến. Trải rộng trên diện tích 2.5 hecta là hơn 2.500 mảnh đá: hàng trăm cột trụ, tượng nhân sư, tượng đài pharaon và những khối đá hoa cương khổng lồ từ ngọn hải đăng.

Có ít nhất 3 cặp tượng rất lớn được đặt dưới chân ngọn hải đăng, bao gồm cả một bức tượng của Ptolemy làm từ đá hoa cương hồng của vùng Aswan. Hiện tổ chức UNESCO đang xem xét tính khả thi để xếp vịnh Alexandria vào danh sách các di sản văn hóa dưới nước.

Theo Dân trí
Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc