Home » Thế giới » Đã tìm được 30 triệu bé gái “mất tích” ở Trung Quốc

Lâu này nhiều thông tin vẫn cho rằng chính sách một con ở Trung Quốc khiến 30 đến 60 triệu bé gái phải chết khi chưa chào đời, hay mất tich. Thế nhưng số bé gái này đã được tìm thấy.

Trẻ mồ côi tại một mái ấm ở Bắc Kinh - Ảnh: Getty Images

Trẻ mồ côi tại một mái ấm ở Bắc Kinh – Ảnh: Getty Images

Theo một số nhà nghiên cứu ở Mỹ và Trung Quốc, phần nhiều hoặc thậm chí hầu hết số bé gái nêu trên có thể không hề bị giết.

Trong một công trình mới công bố, 2 giáo sư John Kennedy (Trường ĐH Kansas – Mỹ) và Sử Diệu Cương (Trường ĐH Thiểm Tây – Trung Quốc) cho rằng đơn giản là số bé gái này không được đăng ký hộ tịch sau khi ra đời. Ở đây, giới chức địa phương đã nhắm mắt làm ngơ để nhận được sự ủng hộ từ dân chúng và duy trì ổn định xã hội.

Hai vị giáo sư nêu trên đưa ra giả thuyết của mình sau khi phỏng vấn một dân làng ở tỉnh Thiểm Tây năm 1996. Ông này có 2 con gái và 1 con trai nhưng lại nhắc đến đứa con gái giữa như “đứa con không có thực”, tức không được khai sinh nên không tồn tại hợp pháp, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).

Chia sẻ với Global News, ông Kennedy cho biết mình bắt đầu nghiên cứu từ 20 năm trước khi ông còn sống ở một ngôi làng nhỏ ở phía bắc tỉnh Tây An.

“Chúng tôi quan sát các gia đình có 3 đến 4 con, và rõ ràng là bọn trẻ nói với chúng tôi rằng chúng không được đăng ký khai sinh”, ông Kennedy giải thích.

Tỷ lệ giới tính khi sinh chênh lệch khá lớn ở Trung Quốc Ảnh: SCMP

Tỷ lệ giới tính khi sinh chênh lệch khá lớn ở Trung Quốc Ảnh: SCMP

Sau khi nhận thấy điều đó, đồng thời biết được cha mẹ ở các cộng đồng ít người lại thích con gái hơn, ông bắt đầu thắc mắc xem chuyện này có phổ biến ở những nơi khác không.

Sau đó, ông và các đồng nghiệp của mình bắt đầu nghiên cứu các thống kê cấp quốc gia, so sánh số trẻ sinh năm 1990 với số thanh niên nam nữ tuổi 20 vào năm 2010, và phát hiện ra rằng một số lượng lớn dân số không được thống kê.

Theo báo Washington Post, các nhà nghiên cứu phát hiện ra thêm 4 triệu người, trong đó nữ giới nhiều hơn nam đến 1 triệu người.

Do vậy, chuyện mất cân bằng giới tính mất ở Trung Quốc, đàn ông nhiều hơn phụ nữ, có thể không giống như được tuyên bố, ông Kennedy phân tích.

Những người không có giấy tờ tùy thân

Khi được hỏi liệu các dữ liệu điều tra dân số ông dùng có đáng tin cậy không, phó giáo sư Kenney cho biết số liệu họ dùng để phân tích là những số liệu được các nhà nghiên cứu khác dùng trong nhiều thập kỷ qua.

“Nghiên cứu này không được trình lên cơ quan nhà nước trước khi được công bố và cũng không bị kiểm duyệt chi tiết nào”, ông Kennedy nói thêm. “Do vậy mà chính phủ Trung Quốc không thực sự ảnh hưởng đến nghiên cứu của chúng tôi, nhưng chúng tôi hy vọng nghiên cứu của mình có thể tác động đến Bắc Kinh”.

Theo ông Kennedy, các bé gái mà mọi người tưởng bị “mất tích” đều không có giấy chứng minh nhân thân và đang chịu thiệt thòi.

“Họ không thể ở khách sạn, họ không thể mua vé xe lửa, và cũng khó mà kiếm được một công việc chính thức”, ông nói thêm.

“Chính phủ Trung Quốc cũng đang hành động nhằm đảm bảo mọi công trên 18 tuổi đều có được giấy chứng minh, dù họ có giấy khai sinh hay không”, ông Kennedy cho biết. “Và tôi nghĩ đây là một động thái tốt để bảo vệ những người không được đăng ký trong dữ liệu dân số”.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai.

Tổng hợp từ tuoitre.vn, nld.com.vn

 

 


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc