Home » Thế giới » Truyền thông TQ kích động người dân phá hoại Nhà Trắng sau khi Mỹ ký dự luật Hồng Kông

Hai cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi cư dân mạng ‘cải tạo’ Nhà Trắng để đáp trả việc Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Tuy nhiên, 2 cơ quan này lại nhầm lẫn tòa nhà Quốc hội Mỹ với Nhà Trắng.

Ảnh chụp bài đăng kích động người dân phá hoại Nhà Trắng của cơ quan truyền thông Trung Quốc. (Ảnh qua Epoch Times)

Ảnh chụp bài đăng kích động người dân phá hoại Nhà Trắng của cơ quan truyền thông Trung Quốc. (Ảnh qua Epoch Times)

Ngày 4/12, đài phát thanh truyền hình nhà nước CCTV và cơ quan ngôn luận Nhân Dân Nhật báo hải ngoại của ĐCS Trung Quốc đều đăng trên Facebook một hình ảnh với dòng trạng thái:

“Mỹ đã thông qua Dự luật Nhân quyền và dân chủ Hồng Kông. Hoan nghênh mọi người “cải tạo lại” Nhà Trắng”.

Hình ảnh cho thấy tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ chìm trong biển lửa, và được vây quanh bởi những người đàn ông mặc áo đen, đội mũ bảo hiểm vàng – trang phục đặc trưng của những người biểu tình Hồng Kông – đang ra sức đập phá và ném đá vào tòa nhà.

Bài đăng này nhanh chóng bị gỡ bỏ ngay sau khi cộng đồng mạng phát hiện ra sự nhầm lẫn giữa 2 tòa nhà.

Tuy nhiên Hoàng Chi Phong, người lãnh đạo đảng dân chủ Hồng Kông Demosisto, đã kịp chụp lại và đăng tải bức ảnh về bài đăng của CCTV, kèm theo đó là một bài so sánh đối chiếu giữa Nhà Trắng với Quốc hội Hoa Kỳ.

Ngay sau đó, ông Solomon Yue, ủy viên ủy ban quốc gia của Đảng Cộng hòa tại Oregon, đã lên Twitter chỉ trích cánh truyền thông Trung Quốc vì gây kích động bạo lực.

“Hãy hủy bỏ visa sang Mỹ của các nhà báo thuộc tờ Nhân Dân Nhật báo và CCTV vì đã gây kích động bạo lực nhắm đến Nhà Trắng”, ông viết.

Gần 6 tháng qua, người dân Hồng Kông đã xuống đường biểu tình chống lại sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của chính quyền Trung Quốc lên thành phố cảng.

Gần đây, Bắc Kinh đã chỉ trích dữ dội Washington vì thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông.

Dự luật mà Tổng thống Donald Trump vừa ký thông qua ngày 27/11 yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiến hành đánh giá hàng năm để xác định xem Hồng Kông có đủ quyền tự trị để được Mỹ tiếp tục duy trì quy chế thương mại đặc biệt hay không. Quy chế thương mại đặc biệt này giúp Hồng Kông hưởng nhiều ưu đãi hơn trong thương mại với Mỹ so với Trung Quốc Đại lục, chẳng hạn không phải chịu chính sách thuế quan mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc nhập khẩu từ năm 2018 đến nay.

Bên cạnh đó, đạo luật này cũng sẽ mở đường cho việc buộc các quan chức nước ngoài phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền nhất định tại Hồng Kông. Các án phạt bao gồm cấm quan chức lạm dụng nhân quyền nhập cảnh vào Mỹ và phong tỏa tài sản của họ tại Mỹ.

Đáp trả động thái của Mỹ, ngày 2/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ từ chối cho phép Hải quân Hoa Kỳ nhập cảng Hồng Kông, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều tổ chức của Hoa Kỳ như Freedom House và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, vì cho rằng “họ đã góp phần quan trọng trong vụ gây xáo trộn dự luật sửa đổi Hồng Kông”.

Chiến dịch truyền thông gây ảnh hưởng

Chính quyền Trung Quốc thường xuyên lấy truyền thông phương Tây làm một phần của chiến dịch tại hải ngoại nhằm định hướng các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hồng Kông, một sự việc được họ coi là hành vi ‘bạo loạn’ và ‘khủng bố’.

Tháng 8 vừa qua, Twitter, Facebook, YouTube, những trang mạng xã hội bị cấm truy cập ở Trung Quốc đã đình chỉ hàng trăm tài khoản liên quan đến chiến dịch của nhà nước Trung Quốc nhằm bôi nhọ và chống lại người biểu tình Hồng Kông.

Trong một bài viết ngày 19/8, Twitter thông báo đã khóa 936 tài khoản liên quan tới chính phủ Trung Quốc vì có hành vi “cố tình gieo rắc bất hòa chính trị ở Hồng Kông, bao gồm làm suy yếu tính hợp pháp và chính trị của phong trào biểu tình”.

Các tài liệu gần đây từ Dịch vụ Tin tức Trung Quốc do nhà nước kiểm soát cũng cho thấy hãng truyền thông này đã cung cấp hàng trăm ngàn đô la để mở rộng phạm vi tiếp cận trên Twitter và Facebook.

Các đài phát thanh được nhà nước quản lý như CCTV, Thời báo Hoàn Cầu và China Daily cũng đã chủ động đăng tải tin tức lên mạng xã hội nhằm làm suy yếu phong trào biểu tình Hồng Kông.

Vào ngày 4/12, hãng thông tấn Tân Hoa Xã do nhà nước quản lý đã đăng lên Twitter một đoạn video ghi lại cảnh hàng chục người biểu tình ủng hộ Bắc Kinh ở Hồng Kông vẫy cờ đỏ của Trung Quốc trong một cuộc tuần hành đến Đại sứ quán Hoa Kỳ. Họ giẫm đạp lên một lá cờ Hoa Kỳ để bày tỏ sự tức giận về việc Mỹ thông qua dự luật, đồng thời cũng đấm và đốt cháy một hình nộm tổng thống Donald Trump.

Tương tự, vào ngày 28/11, một ngày sau khi Trump ký ban hành dự luật Hồng Kông, tài khoản Twitter của hãng thông tấn này đã đăng tải những bức ảnh cho thấy một số nhà hoạt động ủng hộ Bắc Kinh biểu tình phản đối tại Hồng Kông. Một trong những bài viết đề cập việc “dự luật đã bị lên án mạnh mẽ và phản đối ở Hồng Kông”. Họ không hề đề cập đến một cuộc biểu tình được diễn ra cùng ngày tại Edinburgh Place, nơi hàng ngàn người dân Hồng Kông bày tỏ sự cảm kích về việc thông qua dự luật của Hoa Kỳ.

Huy Hoàng

Theo The Epoch Times, tinhhoa.net


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc