Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » ‘Đầm lầy Bắc Kinh’ đã đào 4 cái hố để Tập Cận Bình nhảy vào

Đại hội Đảng ĐCS Trung Quốc lần thứ 20 sẽ được tổ chức vào năm tới, việc Tập Cận Bình có thể tái đắc cử lần thứ ba hay không đã trở thành quan ải sinh tử đối với ông ta. Vậy “Đầm lầy Bắc Kinh” đã đào 4 cái hố nào cho ông Tập?

Tác giả: Tiến sĩ Vương Hữu Quần (Wang Youqun) từng là người viết bản thảo cho ông Úy Kiện Hành – cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc và cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCS Trung Quốc.

Vào ngày 22/1, ông Tập nói tại Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương rằng, tham nhũng là “rủi ro lớn nhất” mà ĐCS Trung Quốc phải đối mặt; chống tham nhũng là một “cuộc đấu tranh chính trị không thể thua”. Ngày 23/1, Tân Hoa Xã đăng một bài báo nói rằng: “Tham nhũng chính trị là tham nhũng lớn nhất. Một số phần tử tham nhũng đã thành lập các tập đoàn lợi ích nhằm đánh cắp quyền lực của đảng và nhà nước”.

Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng vào đầu năm 2013. Đến Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 19 vào tháng 10/2017, ông ta nói rằng “một hình thế chống tham nhũng mang tính áp đảo đã hình thành”. Vào ngày 13/12/2018, cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc tuyên bố rằng “cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã đạt được thắng lợi mang tính áp đảo”. Mặc dù đã ra các tuyên bố “thắng lợi” ngay từ những năm trước, vậy tại sao ông Tập vẫn có những phát biểu như trên vào tháng 1/2021, tại sao Tân Hoa Xã vẫn nói về việc có kẻ muốn chiếm đảng đoạt quyền?

Bởi vì chiến dịch chống tham nhũng của ĐCS Trung Quốc chưa bao giờ đạt được “thắng lợi áp đảo”. Những phần tử tham nhũng nghiêm trọng nhất ở cấp cao nhất trong đảng, chính phủ và quân đội của ĐCS Trung Quốc là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng vẫn luôn ung dung ngoài vòng pháp luật, “đại thụ” tham nhũng không đổ thì “lũ khỉ con” vẫn còn chỗ bám víu.

“Chính phủ ngầm”, “Chính phủ bóng tối” hay “Đầm lầy Bắc Kinh” của ĐCS Trung Quốc do Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đứng đầu đã trở thành “cơn ác mộng” lớn nhất của ông Tập. Cho đến nay, họ đã đào ít nhất 4 cái hố lớn để ông Tập nhảy vào.

1/ Sùng bái cá nhân

Trước khi ông Tập trở thành lãnh đạo đảng vào năm 2012, ông không có thành tích chính trị đặc biệt nào và chỉ là một quan chức rất bình thường của ĐCS Trung Quốc. Vào thời điểm đó, có hai “hồng nhị đại” (hậu duệ của thế hệ cách mạng đầu tiên của ĐCS Trung Quốc): một là Bạc Hy Lai, con trai của nguyên lão Bạc Nhất Ba; hai là Tập Cận Bình, con trai của nguyên lão Tập Trọng Huân. Trong hai người này, Bạc Hy Lai là kẻ phô trương thanh thế, hùng hổ dọa người, ỷ thế mạnh không coi ai ra gì; còn Tập Cận Bình thì trông bề ngoài chất phác trung thực và khá khiêm tốn. Các nguyên lão ĐCS Trung Quốc đã cân đo đong đếm, cuối cùng chọn ông Tập làm người kế nhiệm.

Sau khi ông Tập lên nắm quyền, ông không muốn làm bù nhìn như người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào – người đã mặc cho “chính phủ ngầm” do Giang và Tăng đứng đầu chi phối điều khiển. Vậy nên ông Tập đã phát động chiến dịch đả hổ chống tham nhũng, với ý định đoạt quyền lực tối cao về từ tay Giang – Tăng. Trong trận chiến này, vì Tập Cận Bình tin rằng “trên đầu ba thước có thần linh” nên đã được trời trợ giúp, từ “những bước đi đầu tiên đầy khó khăn” cho đến “hai quân lâm vào thế đối đầu nhau”, cuối cùng Tập Cận Bình đã chiếm thế thượng phong. Trong 5 năm, ông Tập đã xét xử 440 quan chức cấp cao từ cấp phó tỉnh (Bộ) trở lên, mũi dùi từng chĩa thẳng về phía Giang và Tăng.

giang-tang

    Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng – hai cây “đại thụ” tham nhũng của ĐCS Trung Quốc vẫn luôn ung dung ngoài vòng pháp luật. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Giang và Tăng thấy tình hình không ổn, liền lấy lùi làm tiến, đạt được thỏa hiệp với Tập trước Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 19: Giang và Tăng công nhận địa vị “Tập hạch tâm” – tức là Ủy ban Trung ương ĐCS Trung Quốc với đồng chí Tập Cận Bình làm nòng cốt; còn Tập sẽ không truy cứu hành vi tham nhũng của Giang và Tăng. Tuy nhiên, Giang và Tăng vẫn ngấm ngầm bày bố cả ở trong lẫn ngoài, đào hố cho ông Tập ở khắp mọi nơi. Một trong những cái hố bẫy lớn là chỉ thị cho thân tín phụ trách tuyên truyền của họ ca tụng và tâng bốc Tập khiến ông ta trở nên u mê.

Từ xa xưa, ở Trung Quốc đã có cách nói “bổng sát”, nghĩa là khen ngợi hoặc xu nịnh quá mức có thể khiến một người trở nên kiêu ngạo, tự mãn, trì trệ và thụt lùi, thậm chí dẫn đến sa đọa và thất bại. Đây là một điển cố trong cuốn “Phong Tục Thông” do Thái thú Thái Sơn thời Đông Hán là Ứng Thiệu biên soạn sao lục.

Những kẻ “bổng sát” ông Tập đều là tay chân của Giang và Tăng. Ban đầu là Lưu Vân Sơn – Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc khóa 18, và bây giờ là Vương Hỗ Ninh – Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc khóa 19. Cả hai người này đều phụ trách tuyên truyền của ĐCS Trung Quốc.

2/ Sửa đổi hiến pháp và xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chức vụ Chủ tịch nước

Vào ngày 11/3/2018, kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc khóa 13 của ĐCS Trung Quốc đã thông qua đề xuất bãi bỏ quy định Chủ tịch nước “không được giữ chức quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Sự việc này đã gây náo động cả trong và ngoài Trung Quốc, đến nay những tiếng chỉ trích vẫn chưa lắng xuống.

Sở dĩ ông Tập đồng ý với sự thay đổi này là vì ông ta đang đả hổ chống tham nhũng và đắc tội với quá nhiều người. Ông ta lo lắng sẽ bị tính sổ sau khi rời nhiệm sở. Tập Cận Bình cho rằng sau khi sửa đổi hiến pháp thì có thể tại vị suốt đời, đồng thời cũng có thể đảm bảo an toàn cho bản thân ông và gia đình. Tuy nhiên, động thái này không có nhiều ý nghĩa thực tế ngoại trừ việc chiêu mời một rừng âm thanh chỉ trích đến cho ông ta.

Thứ nhất, nó phá vỡ quy tắc “xóa bỏ chế độ nhiệm kỳ suốt đời đối với cán bộ lãnh đạo” do Đặng Tiểu Bình đặt ra. Hiến pháp năm 1982 của ĐCS Trung Quốc quy định Chủ tịch nước “không được đắc cử quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”. Tính đến năm 2017, quy tắc này đã được thực hiện trong 35 năm. Quy định này được coi là một thành tựu lớn của Đặng Tiểu Bình trong việc “xóa bỏ chế độ nhiệm kỳ suốt đời đối với cán bộ lãnh đạo”. Từ Đặng Tiểu Bình đến Giang Trạch Dân, cho đến Hồ Cẩm Đào, ít nhất là về hình thức thì không một ai tại nhiệm suốt đời.

Thứ hai, không có giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ngay cả khi ông Tập không phải là Chủ tịch nước, ông ấy vẫn có thể làm Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, vậy nên việc thay đổi quy chế để làm Chủ tịch nước cả đời là không cần thiết.

Thứ ba, trong thể chế của ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước có rất ít quyền lực thực tế, và phần lớn nó là một chức vụ mang tính chất lễ nghi. Năm đó khi Lưu Thiếu Kỳ đang làm Chủ tịch nước, Mao Trạch Đông muốn đánh đổ ông ta, nói là làm được ngay. Năm đó khi Lâm Bưu đề nghị thiết lập chức vụ chủ tịch nước, Mao Trạch Đông kiên quyết không đồng ý. Sau khi Lâm Bưu rớt đài, đề xuất lập chủ tịch nước của ông ta đã trở thành một trong những bằng chứng phạm tội “chiếm đảng đoạt quyền” của ông ta. Đối với ĐCS Trung Quốc, chức vụ chủ tịch nước có hay không cũng không quan trọng.

Thứ tư, ĐCS Trung Quốc tin rằng “chính phủ đến từ nòng súng”. Ai nắm quyền quân đội mới là “anh cả” thực sự. Vào mùa xuân năm 1992, Đặng Tiểu Bình công bố “Bài phát biểu về chuyến thị sát phía Nam”. Khi đó, Đặng chỉ là một đảng viên ĐCS Trung Quốc, không giữ bất kỳ chức vụ nào. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân khi đó là Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhưng đều phải nghe lời Đặng. Nếu không nghe, Đặng có thể lật đổ Giang. Trước đó, Đặng đã phế truất Hoa Quốc Phong, khi đó ông Hoa là Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCS Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đặng cũng đã phế truất hai Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Bởi vì quyền lực quân sự nằm trong tay Đặng và các tay chân của ông ta.

Hồ Cẩm Đào từng là Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhưng Hồ cũng phải nghe lời Giang. Nếu không nghe lời, Giang có thể hạ gục Hồ bất cứ lúc nào vì quyền lực quân sự nằm trong tay thân tín của Giang.

Kể từ khi sửa đổi hiến pháp vào năm 2018, nhiều người chống lại ông Tập đã coi việc “sửa đổi hiến pháp để làm chủ tịch nước cả đời” là một tội trạng lớn của ông ta. Đối với ông Tập, việc sửa đổi hiến pháp và bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước thực sự là một quyết định ngu ngốc.

Vậy ai là người đưa ra ý tưởng này? Có khả năng là Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc đương nhiệm. Vào ngày 29/9/2017, Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc đã họp và quyết định sửa đổi Hiến pháp, thành lập một nhóm sửa đổi Hiến pháp. Trưởng nhóm này là ông Trương Đức Giang, khi đó là Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ĐCS Trung Quốc; và Phó trưởng nhóm là ông Vương Hỗ Ninh – khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương và ông Lật Chiến Thư – khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCS Trung Quốc. Vì ông Trương Đức Giang sẽ nghỉ hưu tại Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 19 được tổ chức vào tháng 10 cùng năm đó nên chức vụ Trưởng nhóm kia chỉ là hữu danh vô thực, còn ông Lật Chiến Thư lại đang là “đại quản gia” cho Văn phòng Trung ương của ông Tập, vậy nên nhóm này có khả năng chủ yếu do Vương Hỗ Ninh phụ trách.

Vương Hộ Ninh

Vương Hỗ Ninh dựa theo dư luận mà bôi đen, tô đỏ, khi nâng lúc hạ, từ đó khống chế điều khiển tâm lý muốn duy trì quyền lực của Tập Cận Bình. (Ảnh: Sohu)

Vương Hỗ Ninh là thân tín quan trọng nhất của Giang Trạch Dân và được đặt cạnh ông Tập. Ông này đã lần lượt phục vụ cho 3 nhà lãnh đạo ĐCS Trung Quốc là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, nên được gọi là “quốc sư tam triều” hay “túi khôn” cấp cao nhất của ĐCS Trung Quốc. Chức trách quan trọng nhất của ông này là bày mưu tính kế cho lãnh đạo ĐCS Trung Quốc.

Có thể nhận định rằng, tận dụng cơ hội sửa đổi hiến pháp, Vương Hỗ Ninh đã đề xuất ý tưởng này cho ông Tập, thoạt nhìn có vẻ là vì lợi ích của ông Tập, nhưng thực ra ý đồ vô cùng nguy hiểm.

3/ Để Tập Cận Bình quản mọi việc, xảy ra vấn đề gì đều quy trách nhiệm cho ông ta

Ông Tập Cận Bình là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, là người nắm quyền cao nhất của đảng, chính phủ và quân đội.

Ông Tập còn là Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách Sâu rộng Toàn diện Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Thông tin và An ninh mạng Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Dĩ pháp Trị quốc Toàn diện Trung ương, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương, Trưởng nhóm lãnh đạo Công việc Đài Loan của Trung ương, Trưởng nhóm lãnh đạo Cải cách Sâu rộng Quân đội và Quốc phòng của Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp của Quân ủy Trung ương.

Có kênh truyền thông nước ngoài đưa tin rằng: “Ông Tập Cận Bình có quá nhiều chức danh – hơn mười chức và ngày càng tăng thêm – đến nỗi có người gọi ông ấy là ‘Chủ tịch toàn năng’ ”.

Ông Tập đội nhiều chức danh như vậy trên đầu để làm gì? Đó là biểu hiện của việc dốc lòng vì nước hay là vì ông ấy không yên tâm? Bất đắc dĩ phải làm vậy?

Tập Cận Bình

  Có kênh truyền thông nước ngoài đưa tin rằng: “Ông Tập Cận Bình có quá nhiều chức danh – hơn mười chức và ngày càng tăng thêm – đến nỗi có người gọi ông ấy là ‘Chủ tịch toàn năng’ (Ảnh: Efe)

Tiến sĩ Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) của Đại học Princeton, Hoa Kỳ phân tích rằng, ông Tập Cận Bình thực sự rất vất vả khi phải đảm đương nhiều chức vụ như vậy, chủ yếu là vì ông ấy bất đắc dĩ. Ông ấy không có một đội ngũ đắc lực và đáng tin cậy, không thể dựa vào các ủy viên khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc. Nếu ông Tập không tự làm thì mọi thứ sẽ rối loạn.

Tôi nghĩ rằng phân tích này cũng khá có lý. Đặc biệt là trong 5 năm đầu khi ông Tập lên nắm quyền, ông đã dùng hình thức “nhóm nhỏ trị quốc” để tập trung quyền lực đang nằm rải rác trong tay các thân tín của Giang và Tăng, và hoàn thành một số việc lớn.

Đến Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 19, uy danh và quyền thế cá nhân của ông Tập đạt đến đỉnh cao. Những người ở vị trí cao nhất nên tập trung vào việc lớn, buông việc nhỏ, dành thời gian và sức lực để nghiên cứu các vấn đề lớn mang tính định hướng, tổng thể, lâu dài và cơ bản, để xây dựng chiến lược, sách lược, và tận dụng tốt nhân tài để thực hiện những việc đó mới phải. Vì vậy, những người ở vị trí tối cao nên càng ít hoặc không kiêm nhiệm các vị trí khác.

Tuy nhiên, sau Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 19, ông Tập Cận Bình lại ngày càng kiêm nhiệm nhiều chức vụ, trông có vẻ như độc quyền quyền lực nhưng thực sự là mệt mỏi đến kiệt quệ. Từ quan hệ Trung – Mỹ xấu đi đến mức cực độ, chính sách “một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong bị phá hủy, cho đến ý đồ dùng lại chính sách “một quốc gia, hai chế độ” để thống nhất Đài Loan, v.v., những động thái này đã gây bất bình trong khắp dân chúng, nguy cơ rình rập tứ bề.

Để Tập lo mọi việc, khiến ông ấy bận rộn suốt ngày, không còn thời gian và sức lực để nghĩ đến những việc lớn. Để Tập một mình quyết mọi việc, sau đó đổ hết trách nhiệm lên đầu ông ấy. Đây rất có thể là một cái “hố lớn” mà Vương Hỗ Ninh và những người khác đã đào cho Tập Cận Bình.

4/ Bố trí nhiều thân tín xung quanh Tập Cận Bình

Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng là trùm sỏ của “Đầm lầy Bắc Kinh”. Tay chân của họ ở khắp mọi nơi từ trung ương đến địa phương, từ trong nước đến nước ngoài.

Trong số 7 ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc khóa 19, Vương Hỗ Ninh, Hàn Chính và Triệu Lạc Tế đều là người của Giang – Tăng. Lý Khắc Cường vốn là người do ông Hồ Cẩm Đào đề bạt. Vương Hỗ Ninh đã lợi dụng bộ máy tuyên truyền trong tay để liên tục tạo ra mối bất hòa giữa Tập và Lý, và ở một mức độ nào đó đã khởi tác dụng ly gián Tập và Lý. Uông Dương cũng được coi là người thuộc phe Hồ Cẩm Đào. Trong số bảy ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, tay chân thực sự của ông Tập chỉ có một mình Lật Chiến Thư.

Ngày 25/10/2017, ông Tập Cận Bình cùng các ủy viên thường vụ mới đã chính thức ra mắt báo giới

Ngày 25/10/2017, ông Tập Cận Bình cùng các ủy viên thường vụ mới đã chính thức ra mắt báo giới. Ảnh trithucvn.org

Ngoài ra còn có Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, người được gọi là “Ủy viên thứ tám trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị”. Ban đầu, Vương đã giúp Tập chống tham nhũng và lập được nhiều công lao to lớn. Tuy nhiên, Giang, Tăng và tay sai của họ ở trong và ngoài Trung Quốc đã dùng mọi nỗ lực để gây chia rẽ Tập và Vương, từ một góc độ nào đó mà nói thì cũng đã đạt được mục đích ly gián Tập – Vương.

Trước khi ông Tập lên nắm quyền, quân đội đã nằm trong tay Giang và các tay chân của ông ta trong một thời gian dài. Hai thân tín của Giang và Tăng là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, lúc đó cả Từ và Quách đều là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Việc hai người này phát tài bất chính bằng cách mua quan bán chức đã là một bí mật công khai. Có thông tin rằng, Quách Chính Cương – con trai của Quách Bá Hùng từng nói: “Hơn một nửa số cán bộ của quân đội là do gia đình tôi đề bạt”.

Trong hơn tám năm qua kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, có 7 quan chức quân sự và chính trị cấp cao ở Quân khu Vệ Thú Bắc Kinh đã bị thay thế. Trong đó, 4 chỉ huy bị thay thế gồm: Trịnh Truyền Phúc, Phan Lương Thời, Vương Xuân Ninh, Phó Văn Hóa; ba ủy viên chính trị bị thay thế là Cao Đông Lộ, Khương Dũng, Trương Phàm Địch. Tại sao vậy? Vì ông Tập không tín nhiệm ai cả.

Vào ngày 10/2 khi ĐCS Trung Quốc tổ chức tiệc mừng năm mới, có một nhóm người mặc đồ đen ngồi quanh ông Tập để theo dõi các quan chức cấp cao khác tham dự cuộc họp. Toàn thế giới đã nhìn thấy cảm giác bất an của ông Tập.

Nội bộ ĐCS Trung Quốc đang diễn ra cuộc tranh đấu khốc liệt và gay gắt

Năm 2021 là cơ hội cuối cùng để các lực lượng chống Tập trong ĐCS Trung Quốc loại bỏ Tập Cận Bình.

Nền chính trị Hoa Kỳ đã xảy ra sự thay đổi lớn, đặc biệt là “Đầm lầy Washington” của Hoa Kỳ đã phải dồn hết sức lực và mất 4 năm mới đuổi được ông Trump ra khỏi Washington, đó là một sự khích lệ to lớn để “Đầm lầy Bắc Kinh” của ĐCS Trung Quốc loại bỏ ông Tập.

Có thể thấy trước rằng trong năm 2021, các lực lượng chống Tập vẫn sẽ sử dụng “sùng bái cá nhân”, “sửa đổi hiến pháp”, và “độc quyền quyền lực” làm cái cớ để công kích ông Tập. Còn có các tay sai ở trong ngoài trái phải của Giang và Tăng nhất định sẽ chung tay đả đảo Tập. Còn Tập chắc chắn sẽ tiếp tục thanh trừng các đối thủ của mình với danh nghĩa chống tham nhũng.

Tuyên bố của ông Tập rằng chống tham nhũng “không thể thua” cho thấy, ông Tập đã nhận ra rằng nguy cơ sắp xảy đến, nhưng ông ta lại không nhận ra gốc rễ của mối nguy hiểm nằm ở đâu. Dưới sự lãnh đạo của Giang và Tăng, ĐCS Trung Quốc từ lâu đã trở thành đảng hủ bại nhất thế giới, nhưng ông Tập lại vẫn một mực bảo vệ đảng.

Bốn “cái hố lớn” nói trên đều do Giang, Tăng và tay sai lợi dụng tâm lý “bảo vệ đảng” của ông Tập mà đào ra. Nếu ông Tập vẫn tiếp tục bảo vệ đảng, ông ta sẽ bị mắc kẹt trong một cái hố lớn và phải tự gánh chịu hậu quả.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Đông Phương

Theo epochtimes.com, ntdvn.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc