Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Đừng làm điều xấu: Lời khuyên khi sử dụng Internet ở UAE
Dubai, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) – Đôi khi tôi tự hỏi người ta sẽ làm gì với những câu truy vấn Google của tôi nếu họ có thể đọc chúng. Lướt qua lịch sử tìm kiếm của mình hồi trưa nay, tôi thấy rằng mình đã tìm kiếm chi tiết về các buổi tiệc vào đêm trăng tròn ở Goa và đặt những câu truy vấn có ý nghĩa để tìm loại sữa khuấy có nhiều chất dinh dưỡng nhất từng được bán.

Việc sử dụng Internet ở Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất gặp nhiều rủi ro và vấp phải những quy định đặc thù đối với vùng này. (Abed Monhem/Getty Images)

Tuy nhiên, sự xôn xao gần đây xung quanh lệnh cấm sắp có hiệu lực đối với nhiều dịch vụ chủ chốt củaBlackBerry ở UAE trong tháng này, đã khiến tôi tin rằng rất có khả năng một ai đó có thể thực sự theo dõi được mọi yêu cầu tìm kiếm linh tinh mà tôi gõ vào Google tại một quán café Internet ở Dubai.

Bàn về vấn đề khả năng của chính phủ trong việc giám sát việc sử dụng Internet của các công dân nước mình, một quan chức cấp cao tại Cơ quan Quản lý Viễn thông (TRA) mới đây đã cho tôi biết rằng BlackBerry là “trường hợp bất thường duy nhất”.

Đó là vì BlackBerry sử dụng một hệ thống mã hóa tân tiến, nghĩa là những bên thứ ba, ví dụ như các công cụ kiểm soát của chính quyền địa phương, không thể lọc những tin nhắn được gửi để tìm những từ khóa khả nghi như là “bom”.

Kế sách của chính quyền nhằm cấm thiết bị này hoàn toàn là vì lợi ích công cộng, khi mà những kẻ khủng bố—giống như những kẻ đã dùng BlackBerry để mưu tính vụ tấn công Mumbai vào năm 2008—sẽ không còn có thể trốn đằng sau chính sách riêng tư mà thiết bị này cung cấp.

Tuy nhiên, có những nguyên nhân khác cần quan tâm. Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới, một người đàn ông ở UAE bị cho là đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình chống lại việc tăng giá xăng đột ngột và đã dùng thiết bịBlackBerry của mình để gửi tin nhắn để kêu gọi hỗ trợ tập thể, người này đã bị bắt với tội danh phá hoại an ninh quốc gia.

Trường hợp này, vốn chưa được cảnh sát UAE xác nhận, đã làm nổi bật một khái niệm khác biệt về yếu tố cấu thành tội danh ở UAE và nơi khác. Các cuộc biểu tình công khai mà trước đó chưa được cảnh sát cấp phép là bị cấm nghiêm ngặt ở UAE.

Ngoài ra, các quan chức tại TRA cũng đã lên tiếng lo ngại rằng người dân đang dùng BlackBerry để phát tán nội dung khiêu dâm—một tội danh bị phạt tù ở UAE.

Những tội phạm khác mà chính quyền hy vọng sẽ ngăn chặn được gồm có “lan truyền tin đồn” và bôi nhọ nhân phẩm cá nhân khác.

Do đó, mức độ giám sát, cùng với vùng tối của luật pháp, đã gây ra nhiều mối bận tâm cho người dùng Internet tại đây.

Hơn nữa, sự giám sát không chỉ được thực hiện bởi các quan chức hành pháp, mà các công ty cũng áp dụng lên nhân viên của họ.

Một người bạn của tôi làm việc tại một công ty truyền thông ở UAE gần đây đã gửi cho tôi một e-mail từ tài khoản hotmail của anh, nói rằng công ty của anh đang trong tình trạng khủng hoảng, nhưng anh ấy không thể thảo luận chi tiết được vì công ty này sử dụng phần mềm key-logger. “Thậm chí ngay bây giờ, họ cũng đã biết tôi đang nói về họ”, anh viết đùa.

Chứng hoang tưởng này cũng lây lan đến cộng đồng blogger. Nhiều diễn đàn mở ở UAE trên thực tế đang bị kiểm soát chặt chẽ, và lọc những gì mà người dùng có thể đăng để tìm những câu chữ có nội dung chống chính quyền hay có khả năng bôi nhọ người khác.

Phát biểu trước giới truyền thông địa phương hồi năm ngoái, một người quản trị của diễn đàn trực tuyến nổi tiếngDubai Media Observer đã nói rằng việc xóa bài là thường xuyên xảy ra ngay cả nếu có bằng chứng vững chắc để chứng minh cho việc đăng bài của họ.

“Khi bạn nhận được một lời đe dọa nhắm đến mình và không thể trông cậy vào các đoàn hội, hoặc không có sự bảo vệ thực sự dưới danh nghĩa phóng viên, thì bạn có thể làm gì khác chứ?”, quản trị viên kể trên nói với Thời báo Khaleej.

Tuy nhiên, những cư dân khác thì tỏ ra thản nhiên với mức độ kiểm soát này. Một người bạn đã trích dẫn một câu thần chú của Google là “Đừng làm điều xấu” như là một công thức chung khi sử dụng Internet ở UAE.

“Chừng nào mà bạn không làm điều gì sai trái, bạn sẽ ổn thôi”, anh ấy nói.

Stephen Jones
(Theo
The Epoch Times)

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc