Home » Thế giới » Các nạn nhân vẫn còn cảm thấy dư âm của sự phân biệt đối xử tại một nhà hàng ở New York

Nhà hàng Lucky Joy, nơi đã cấm các học viên Pháp Luân Công, vẫn chưa tuân thủ quyết định đồng thuận của tòa.

Phân biệt đối xử: Cô Huang Wei cùng con gái và cô Sun Zhenyu bị buộc phải rời khỏi nhà hàng Lucky Joy, ảnh tư liệu chụp ngày 1 tháng 6 năm 2008. (Evan Mantyk/The Epoch Times)

New York – Cô Huang Wei luôn cố gắng tránh xa Lucky Joy, một nhà hàng ở Flushing, Queens, sau khi cô và cô con gái 10 tuổi bị đuổi ra khỏi nhà hàng vào năm 2008 vì tín ngưỡng của họ vào Pháp Luân Công.

Đó là một năm dữ dội ở Flushing. Cảnh sát ở trong tình trạng báo động trong nhiều tháng vì các cuộc tấn công nhằm vào các học viên Pháp Luân Công, một môn tập thiền Trung Quốc bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999.

Vào tháng 6 năm 2008, cô Huang cùng với con gái đến gặp một người bạn, cô Sun Zhenyu để cùng ăn trưa. Bất chấp các cuộc tấn công nhằm vào những người có cùng tín ngưỡng như mình, cô Sun vẫn mặc một chiếc áo phông màu vàng in dòng chữ Trung Quốc “Pháp Luân Đại Pháp là Tốt” cùng với các nguyên tắc chỉ đạo của môn tập “Chân – Thiện – Nhẫn” được viết ở bên dưới bằng tiếng Anh.

“Chúng tôi chỉ muốn ăn trưa nên chúng tôi vào Lucky Joy”, cô Huang nói.

Khi đó nhà hàng không có khách, điều mà cô Huang thấy là “kỳ lạ” vì lúc đó đang vào giờ ăn trưa. Cô hỏi một người phục vụ xem nhà hàng có mở cửa không. Người phụ nữ đến gần họ, và sau khi nhìn thấy chiếc áo phông của cô Sun, cô ta chẳng nói chẳng rằng đi thẳng ra cửa rồi mới nói: “Chúng tôi không phục vụ các cô”.

Cô Huang hỏi lý do tại sao, và người phục vụ trả lời: “Chúng tôi không muốn bán hàng cho các cô vì các cô là Pháp Luân Công”.

Họ hỏi mệnh lệnh này là của ai, và người phục vụ trả lời rằng nó là của ông chủ, người không có mặt vào lúc đó. Một người phục vụ khác tới tham gia và họ đuổi cả ba người ra khỏi cửa.

“Ngay cả khi ở cửa, chúng tôi vẫn muốn giải thích một chút về Pháp Luân Công, nhưng khi đó, họ đã không thật bình tĩnh – họ chỉ nói “Tôi không quan tâm” và họ đẩy chúng tôi ra ngoài”, cô Huang nói.

Khi đó, con gái cô, Xinye Feng bắt đầu khóc. “Ngay cả bây giờ nếu chúng tôi đi bộ ở Flushing, con bé thậm chí còn không muốn đến gần lề đường bên đó. Con bé muốn đi sang lề đường bên kia khi chúng tôi qua đây”, cô Huang nói.

Đối với các học viên Pháp Luân Công, việc phải đối mặt với sự phân biệt đối xử ở các cộng đồng người Hoa là một vấn đề mà nhiều người đã biết. Nhà hàng Lucky Joy đã đuổi ít nhất 10 học viên, mặc dù đó là một trong số những trường hợp được biết đầu tiên của một nhà hàng New York đuổi các học viên Pháp Luân Công vì tín ngưỡng của họ.

Diệt tận gốc một nhóm người

Sự phân biệt đối xử xuất hiện ở Flushing xuất phát từ cuộc đàn áp đang diễn ra ở Trung Quốc.

Trước cuộc đàn áp, Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, đã phát triển thành môn tập thiền phổ biến nhất ở Trung Quốc. Được dạy miễn phí, môn tập có một thành tố đạo đức, khi các học viên cố gắng trở nên chân thật, lương thiện và khoan dung, những điều thực sự lôi cuốn trong một đất nước Trung Quốc bị chi phối bởi đặc tính ‘làm giàu nhanh’. Các học viên của môn tập cũng cho biết những lợi ích sức khỏe phi thường, một điều rất quan trọng ở một quốc gia có rất ít an sinh xã hội.

Sự phổ biến của Pháp Luân Công là một tia lửa dẫn đến cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc.

Sau khi các cuốn sách của Pháp Luân Công trở nên bán chạy nhất vào năm 1996, chúng đã bị cấm bởi chính quyền. Theo tờ New York Times, vào đầu năm 1999, một cơ quan nhà nước đã ước tính rằng có ít nhất 70 triệu người tập luyện Pháp Luân Công. Vào thời điểm đó, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc nói rằng con số người tập luyện trên thực tế là hơn 100 triệu người. Cuộc đàn áp đã bắt đầu vào tháng 7 năm ấy.

Theo một bài báo đăng trên tờWashington Post năm 1999, cựu Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc “Giang Trạch Dân đã một mình quyết định rằng Pháp Luân Công phải bị tiêu diệt”.

Cô Huang Wei, con gái cô, và cô Sun Zhenyu bị buộc phải rời khỏi nhà hàng Lucky Joy. (Evan Mantyk/The Epoch Times)

Nhà phân tích về Trung Quốc, Willy Lam, trong một bài viết trên China Brief đã lập luận rằng Giang Trạch Dân đã tìm cách tăng cường quyền lực của cá nhân trong khi diệt tận gốc một nhóm người mà ông ta cho là đe dọa quyền lực của mình.

Cuộc đàn áp bao gồm tẩy não, giam cầm, cưỡng bức lao động, tra tấn, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các học viên khi họ còn đang sống, cùng với một chiến dịch tuyên truyền có hệ thống phỉ báng môn tập là một tà giáo, và các yêu cầu khắt khe về việc đưa tin về Pháp Luân Công.

Trang web MinhHue.net của Pháp Luân Công nói rằng 3.406 người được xác nhận là đã chết. Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp cho biết số người bị chết có thể là hàng chục nghìn. Nhà nghiên cứu độc lập Ethan Gutmann đánh giá số người bị cầm tù vào bất cứ thời điểm nào trong các trại lao động, các nhà tù, và các trại giam khác là vào khoảng 450.000 đến 1 triệu người.

Không bỏ cuộc

Mặc dù cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc nằm ở bên kia đại dương, sức nặng của nó vẫn được cảm thấy bởi nhiều cư dân Trung Quốc đang sống ở Mỹ. Nhiều người Hoa vẫn thường đọc các báo của Trung Quốc và xem các chương trình truyền hình tiếng Hoa, mà thường chứa các tuyên truyền của chính quyền.

“Nó giống như là chính quyền Trung Quốc đang vươn bàn tay của mình đến đất Mỹ để tẩy não người Hoa ở đây vậy”, cô Sun nói.

Sau khi bị đuổi ra khỏi Lucky Joy cùng với cô Huang và con gái của cô, ba người đã đệ một đơn kiện nhà hàng tới Bộ phận Nhân quyền bang New York.

Giờ đây đã hơn 2 năm sau, cô Sun đang hy vọng tìm được công lý cho vụ kiện của mình. Bộ phận Nhân quyền đã ra phán quyết rằng chủ nhà hàng Lucky Joy đã vi phạm pháp luật khi đuổi ba người khách vì đức tin của họ.

Theo quyết định đồng thuận của tòa: “Tại đây, có bằng chứng đáng tin cậy và không thể bác bỏ được cho thấy bị đơn đã ngăn cản hay từ chối đối với các nguyên đơn về phòng ăn, sự thuận lợi, tiện nghi hay các đặc quyền của nhà hàng chỉ vì tín ngưỡng Pháp Luân Công được thể hiện rõ ràng của họ. Vì vậy, bị đơn đã vi phạm Luật Nhân Quyền”.

Trong số các hình phạt phải nhận, Lucky Joy bị yêu cầu trả 7.000 đô-la cho mỗi nạn nhân, các nhân viên của nhà hàng cần phải tham gia khóa đào tạo về không phân biệt đối xử, và họ bị yêu cầu phải treo một biển hiệu trong nhà hàng tuyên bố rằng nhà hàng mở cửa cho “tất cả các thành viên của cộng đồng không phân biệt tôn giáo, sự thể hiện tôn giáo hay trang phục mang tính tôn giáo”.

Tuy nhiên, chưa một lệnh kể trên nào đã được thực hiện và một bài báo gần đây trên tờ báo tiếng Hoa World Journal đã dẫn lời của chủ nhà hàng Lucky Joy là Rongwu Xiao, tuyên bố rằng ông ta đã đuổi 10 học viên ra khỏi nhà hàng vào nhiều lần khác nhau bởi vì họ đã tranh cãi với các khách hàng khác.

Theo một bài báo năm 2001 trên China Brief, nội dung biên tập của World Journal chịu ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc: “World Journal hiện đang cố gắng phát triển các mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc đại lục. Người ta đã cảm nhận được những ảnh hưởng của việc này, một số người cho biết. Ví dụ như, các Lãnh sự quán Trung Quốc ở cả New York và San Francisco đã gây sức ép với các văn phòng địa phương của World Journal không được đăng các quảng cáo liên quan đến Pháp Luân Công. Văn phòng tại New York đã chấp nhận hoàn toàn.”

Được dịch từ tiếng Hoa, bài báo trên tờ World Journal nói rằng Xiao đã nói với tờ báo này một cách “bất lực” và rằng những hành động của ông ta đuổi các học viên ra khỏi nhà hàng là “do cân nhắc đến lý do an ninh.”

Cô Sun nói cô thất vọng về những gì mà cô đọc được trong bài báo của World Journal, nhưng đã không ngạc nhiên, bởi vì “đó là bản chất của những người đã bị ĐCSTQ tẩy não.”

Cô nói thêm rằng, “Mặc dù họ đã cố chạy trốn, nhưng đây là nước Mỹ. Đây là một đất nước pháp quyền, vì vậy tôi khuyên rằng họ nên tuân theo pháp luật, và vì để giữ gìn trật tự của xã hội này và bảo vệ sự nghiêm minh của công lý, tôi sẽ không bỏ cuộc.”

Joshua Philipp

(Theo The Epoch Times)

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc