Home » Thế giới » Đỏ đen vùng biên: Nỗi niềm “thượng khách”
Ở các sòng bạc vùng biên, con bạc trắng tay dễ dàng vay được tiền chơi để gỡ gạc. Nếu thua tiếp, hết đường về, họ trở thành “thượng khách” của sòng bạc cho đến khi người nhà bên VN mang tiền sang trả nợ, chuộc về

Chiều, một cô gái ở sòng bạc Út Phụng đến thông báo các đài hôm nay đều không ra “bộ heo” mà Quốc đánh lúc trưa. Chúng tôi than hết tiền và làm ra vẻ tiu nghỉu, định trở về VN. Cô ta chèo kéo: “Các anh vay tiền gỡ gạc nhé?”.

Quốc phân vân: “Rủi thua nữa thì làm sao về?”. Cô gái ỡm ờ: “Thì cứ ở lại đây làm thượng khách của tụi em!”. Không đợi chúng tôi chấp thuận, cô ta đã réo một phụ nữ mập lùn, gần 50 tuổi đứng cạnh đó: “Bà dì ơi, có khách vay tiền nè!”.

Tấm giấy thông hành

“Bà dì” đến chỗ chúng tôi, cất giọng ngọt như mía lùi giới thiệu tên Thu, quê gốc An Giang, rồi bảo: “Mấy chú cần vay bao nhiêu cũng có, ít nhất là 10 triệu đồng, lãi 5%/ngày!”. Quốc vay 10 triệu đồng rồi kéo tôi ra chỗ đá gà đang đông nghịt người.

Trong vòng một giờ đã diễn ra hơn 10 trận chọi gà, mỗi trận có 50-60 người đặt tiền độ. Quốc cho biết: “Số tiền ăn thua mỗi trận cả trăm triệu đồng. Sau trận, đại diện bên thắng trích 2 triệu đồng nộp xâu cho chủ trường gà”.

Tôi thầm tính: Chỉ trong một giờ, mỗi điểm đá gà đã đem về cho ông chủ ít nhất 20 triệu đồng; trường gà hoạt động liên tục từ 8 giờ đến 16 giờ thì ông chủ thu được trên 100 triệu đồng, khỏe ru!

Từ lúc Quốc vay tiền của “bà dì”, chúng tôi đi lại trong tổ hợp cờ bạc của ông Út Phụng dễ dàng hơn trước nhiều, đến sòng nào cũng không bị ai hỏi han, dòm ngó. Từng đến đây chơi nhiều lần, Quốc khá am hiểu nội tình.

Các con bạc đang say máu đỏ đen tại trường gà của  ông Út Phụng bên biên giới Campuchia. Ảnh: Hùng Dung

Các con bạc đang say máu đỏ đen tại trường gà của ông Út Phụng bên biên giới Campuchia. Ảnh: Hùng Dung

Anh ta tiết lộ: “Ai vay tiền của bà Thu hoặc một người nào đó ở đây thì xem như đã cầm được tấm giấy thông hành, tự do ra vào các sòng bạc. Lúc này, chủ sòng mới xem họ là con bạc thực thụ, không phải người của cơ quan chức năng trà trộn vào để nắm tình hình”.

Ở tổ hợp cờ bạc này có 3 sòng bạc và 6 điểm đá gà, chỗ nào cũng đông người chơi. Mỗi sòng bạc thường đi kèm 2 điểm đá gà. Quốc cho biết ông Út Phụng chỉ làm chủ một phần tổ hợp này, 2 phần còn lại thuộc sở hữu của một số người khác. Dân miền Tây sang đây có tới 70% ném tiền vào các trận chọi gà, 30% còn lại đánh bạc.

Một đêm “cầm mạng”

Trời chạng vạng, các con bạc lần lượt vượt biên giới trở về VN. Theo kế hoạch đã vạch sẵn, chúng tôi tìm gặp bà Thu với vẻ mặt đưa đám của những kẻ thua bạc. Bà ta an ủi: “Cứ yên tâm ở lại, hai chú thành thượng khách ở đây rồi”.

Bà Thu gọi một nhân viên bảo vệ, bảo đưa chúng tôi về chỗ trọ. Nhân viên này bấm bộ đàm, lát sau có một thanh niên người Việt và một người Campuchia đưa xe máy đến chở chúng tôi đi.

Đi chừng 2 km, họ dừng lại trước căn nhà khá rộng, nhấn còi 3 lần. Một người đàn ông ốm, cao bước ra mở cổng. Gã người Việt giới thiệu: “Đây là ông Thưa, người sẽ phục vụ các anh”.

Ngay lúc đó, một chiếc ba gác trờ tới, trên xe có một người đàn ông trung niên và 2 thanh niên. Quốc ghé tai tôi: “Ba người này cũng là “thượng khách” đó. Tụi mình sẽ bị “cầm mạng” ở đây, đến khi nào có tiền trả hết nợ mới được ra”.

Chúng tôi được đưa vào một căn phòng rộng hơn 60 m2 kê khá nhiều giường. Có 7 người đang nằm trên những chiếc giường này, tất cả mặt mày rầu rĩ. Ông Thưa sắp xếp cho chúng tôi mỗi người một giường rồi thu giữ tất cả giấy tờ tùy thân, lấy cả thẻ nhớ ĐTDĐ. “Tắm rửa rồi dùng cơm tối nhé!” – ông ta dặn dò.

Tắm rửa xong, chúng tôi được ông Thưa đưa tới phòng ăn ở sau nhà. Món ăn được nấu theo khẩu vị người miền Tây. Ai thích rượu, bia thì cứ gọi. Thấy thiếu một “thượng khách”, ông Thưa liền cho người đi gọi. Lát sau, người này quay lại báo “thượng khách” bị cảm, không ăn cơm được.

Ông Thưa dặn: “Nấu cháo thịt bằm, cố ép khách ăn nhé. Khách muốn đấm bóp thì cứ điều một cô đến”. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Thưa giải thích: “Tôi được người ta hợp đồng phục vụ các anh. Nếu để ai bệnh, tôi không được trả tiền mà còn phải bồi thường tiền thuốc thang. Tất cả chi phí phục dịch ở đây, người nhà các anh phải trả đủ cho chủ nợ”.

Theo ông Thưa, “thượng khách” ở đây phải trả tiền phòng 250.000 đồng/đêm, tiền ăn 200.000 đồng/bữa, bia 25.000 đồng/chai, nếu có nhu cầu đấm bóp thì 150.000 đồng/lượt…

Khi ông Thưa rời khỏi phòng ăn, một thanh niên ngồi cạnh tôi tiết lộ: “Giá ở đây rẻ hơn ở các sòng bạc khu cửa khẩu Bình Hiệp và Mộc Bài nhiều. Tôi đã nhiều lần bị giữ ở những nơi đó, mỗi lần 24 giờ, tiền phải trả gần 6 triệu đồng”.

Hỏi chuyện một lát, tôi biết được anh ta tên Hiểu, dân Tân Thạnh – Long An. Hiểu cho biết người bị bệnh bỏ ăn kia là Thắng, làm “thượng khách” từ đêm qua với anh ta.

“Thắng vốn là người mua bán ve chai, sau phất lên thành ông chủ vựa lớn ở Tiền Giang. Tay này từng thua bạc tỉ, lần này nghe nói vét 300 triệu đồng của vợ sang chơi, lại thua và phải mượn ở đây 50 triệu đồng” – Hiểu cho biết.

Đợi chúng tôi cơm nước xong, ông Thưa đến đưa mọi người trở lại phòng ngủ. Gã thanh niên người Việt lúc nãy đến đưa mỗi người một sim ĐTDĐ yêu cầu gọi về nhà bảo gia đình mang tiền sang chuộc người. “Không ai được ra khỏi cổng rào. Ai ra xem như bỏ trốn, sẽ bị bảo vệ nổ súng bắn hạ đó” – gã đe dọa.

Hôm sau, theo kế hoạch từ trước, một người bạn của Quốc mang tiền sang sòng Út Phụng gọi là chuộc chúng tôi về. Thật ra, số tiền 10 triệu đồng vay của “bà dì”, chúng tôi vẫn còn giữ trong túi. Sau khi trả tiền gốc, lãi và tiền làm “thượng khách” một đêm, chúng tôi được tự do rời khỏi sòng bạc vùng biên này.

Theo tin180


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc