Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Philippines mổ xẻ vai trò lãnh đạo trong việc chống khủng bố
Gần ba tháng trôi qua kể từ sau vụ khủng bố xe buýt tại Manila khiến tám du khách Hồng Kong thiệt mạng, Philippines vẫn đang mổ xẻ vai trò lãnh đạo cùng sự yếu kém của cảnh sát địa phương trong việc phòng chống khủng bố tại nước này.
[title]

Lực lượng SWAT của Philippines áp sát chiếc xe buýt chứa con tin trong vụ khủng bố tháng 8-2010 bị đánh giá là quá yếu kém và cần phải được nâng cấp để xử lý tình huống tốt hơn trong tương lai. (Reuters/ABC)

Trách nhiệm của Tổng thống Aquino?

Ông “Noynoy” Aquino trúng cử tổng thống Philippines với số phiếu bầu cao nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống trong 20 năm vừa qua. Chẳng bao lâu sau khi nhậm chức, tổng thống Aquino đã phải đương đầu với vụ khủng bố con tin kinh hoàng kéo dài 11 giờ tại trung tâm thủ đô Manila vào ngày 23 tháng 8 vừa rồi.

Cuộc khủng bố con tin cho thấy nạn bạo hành đang dâng cao tại Philippines. Đội đặc nhiệm tinh nhuệ SWAT ở Manila cố gắng ngăn chặn chuyến xe buýt đang chở các khách du lịch nhưng chính họ lại bị kẻ khủng bố nã súng đẩy lùi. Bên trong xe buýt, trước khi bị tiêu diệt kẻ khủng bố kịp giết hại tám con tin nước ngoài.

Từ sự kiện đẫm máu này, các chỉ trích vẫn không thôi nhắm vào khả năng lãnh đạo của Tổng thống Aquino. Vụ khủng bố này chẳng những cho thấy lực lượng an ninh quốc gia yếu kém mà còn lộ ra thất bại của Tổng thống trong vai trò lãnh đạo đất nước.

Maria Ressa, trưởng ban Tin tức và Thời sự của ABN-CBS trụ sở tại Manila cho biết: “Người dân Philippines hết sức bàng hoàng, sửng sốt. Tôi đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng cần phải cho mọi người biết qua kênh truyền hình quốc tế rằng lực lượng đặc nhiệm Phi không có khả năng chống chọi lại trong các tình huống như thế này.”

Bà Ressa đánh giá đây là một tai họa lớn ảnh hưởng nặng nề đến lòng tin của người dân đối với tân Tổng thống Benigno Aquino. “Ngài tân tổng thống đã hoàn toàn thất bại trong thử thách đầu tiên này. Có khá nhiều lý do cho vấn đề này. Vào ngày diễn ra vụ khủng bố, không có bằng chứng rõ ràng ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm. Khán giả xem tivi hay các phóng viên nhà báo không một ai biết rõ điều này”, bà Ressa nói.

Cần nâng cấp lực lượng cảnh sát

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila De Lima thì không nên đổ hết trách nhiệm cho ngài Tổng thống. Trong lúc vụ khủng bố xảy ra thì ông Aquino đang tham dự một buổi tiếp tân. Bà Lima chĩa mũi dùi về phía Ban phòng chống khủng bố quốc gia: “Những người mang trọng trách này đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đây quả là một thảm kịch kinh hoàng đối với tất cả”.

Dù sao đi nữa, Tổng thống Aquino đang chịu áp lực phải tổ chức một cuộc điều tra trong hàng ngũ cảnh sát và chính trị gia, những người đã thừa nhận là họ đã dễ dãi tuyển mộ một số binh sĩ chưa qua huấn luyện và cả việc thiếu trang bị đầy đủ cho lực lượng ‘tinh nhuệ’.

Viên chỉ huy Catalino Cuy, người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm Cảnh sát Quốc gia cho biết: “Hậu quả của vụ khủng bố ngày 23 tháng 8 lộ ra nhiều vấn đề phải quan tâm và nhiều việc cần làm để khắc phục sai sót trong quá trình thực hiện vụ giải cứu cũng như trong khâu hợp tác giữa các lực lượng liên quan”.

Thế nhưng, không phải chỉ Đội đặc nhiệm (SAF) là tổ chức duy nhất được yêu cầu trả lời chất vấn cho vấn đề này.

Thiếu tướng Jose Mabanta, người phát ngôn Lực lượng vũ trang của Philippines cho biết Light Reaction Company, một tổ chức chống khủng bố của Philippines được Mỹ huấn luyện và trang bị đầy đủ song khi vụ việc diễn ra thì “không ai cậy nhờ đến họ cả”.

“Chính phủ – cụ thể là Ban phòng chống khủng bố quốc gia – tự ý quyết định huy động lực lượng giải cứu và họ chỉ gọi lực lượng cảnh sát địa phương SWAT”.

Sau vụ giải cứu các con tin không thành, một cuộc kiểm tra trong nhóm SWAT cho thấy chỉ có 42 trong số 418 đặc nhiệm vượt qua kỳ kiểm tra căn bản về thể lực và kỹ năng!

Tổng thống Aquino đã yêu cầu cần có hình thức xử lý nghiêm đối với các viên chức chính quyền và cảnh sát đã để xảy ra tình trạng trên.

Khôi phục niềm tin

Trong nỗ lực làm dịu đi hậu quả từ cuộc khủng bố các con tin tháng 8, đặc biệt là tổn hại đối với ngành du lịch, Tổng thống Aquino đã công bố một loạt các phương án bao gồm việc tổ chức lại lực lượng cảnh sát du lịch nhằm trấn an các du khách nước ngoài.

Ông cũng muốn chính thức thành lập một lực lượng đặc biệt chỉ để đối đầu với các vụ khủng bố con tin.

Thế nhưng dư luận, điển hình như phóng viên Maria Ressa đã cho rằng đây chỉ là một cách chữa cháy nhằm tạo cho người ta niềm tin là chính quyền đang giải quyết rốt ráo vấn đề.

Một lần nữa Ressa nhận định: “Những gì chúng ta chứng kiến làm cho mọi người dân Philippines và cộng đồng quốc tế đều kinh hoàng. Rõ ràng đây là một thất bại”. Theo bà, Tổng thống Aquino đã thừa nhận thất bại này nhưng điều cấp thiết cần làm là chính phủ Philippines phải đưa ra được những biện pháp thiết thực để ngăn chặn việc này trong tương lai.

Đó cũng là cách mà ông Aquino có thể xoa dịu dư luận trong nước cũng như khôi phục niềm tin vào du khách quốc tế.

Nguồn Philippines president weak leadership blamed for hostage crisis

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc