Home » Thế giới » Vì sao không dự lễ trao giải Nobel?
Sáu quốc gia đã từ chối lời mời dự lễ trao giải Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc hiện bị tù, ông Lưu Hiểu Ba.

Ủy ban Nobel cho rằng Trung Quốc đã yêu cầu các nước không đi dự lễ trong một “chiến dịch chưa từng có, nhằm phá hoại buổi lễ trao giải”, theo lời thư ký ủy ban, ông Geir Lundestad.

BBC News hôm 18/11 đưa tin sáu nước Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Cuba, Morocco và Iraq sẽ không tới dự.

Tuy nhiên, báo chí châu Âu cũng nêu cả Việt Nam trong danh sách này.

Tờ The Guardian ra ở London hôm qua nói các đại sứ của Việt Nam, Indonesia và Philippines “dự kiến cũng sẽ không đi dự lễ” tổ chức vào ngày 10/12 tới đây tại Oslo, thủ đô Na Uy.

BBC Tiếng Việt  chưa liên lạc được với giới chức ngoại giao Việt Nam để xác nhận tin này.

Khác với Trung Quốc, báo chí Việt Nam đăng tải khá đầy đủ về tin giải Nobel được trao cho ông Lưu Hiểu Ba.

‘Nỗ lực ngăn cản’

Ông Lundestad được trích lời nói:

” Tôi chưa từng biết một quốc gia nào lại tích cực và trực diện đến vậy trong nỗ lực ngăn các đại sứ không đến dự lễ trao giải Nobel.”

Hồi đầu tháng, Trung Quốc cảnh cáo rằng các nước ủng hộ ông Lưu Hiểu Ba “sẽ phải chịu hậu quả”.

Tin từ Na Uy nói giấy mời được gửi cho 59 đại sứ quán nước ngoài ở Oslo.

Chính phủ Trung Quốc vẫn gọi ông Lưu là “tên tội phạm”.

Nhà bất đồng chính kiến 54 tuổi bị trao án 11 năm tù hồi năm 2009 với tội danh “kích động lật đổ” vì đã cùng soạn bản Hiến chương 08 đòi chế độ dân chủ đa đảng và tôn trọng nhân quyền tại Trung Quốc.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Nga tại Oslo, ông Vladimjir Isupov, nói đại sứ Nga sẽ không có mặt ở Na Uy trong thời gian diễn ra buổi lễ.

Ông nói với hãng AP: “Đây không phải là chuyện mang lý do chính trị và chúng tôi không thấy mình bị áp lực gì từ Trung Quốc cả”.

BBC Tiếng Nga cho hay quan điểm của phía Nga, theo lời giới chức ngoại giao nước này, cần được hiểu là “họ không đến nhưng không phải vì sức ép”.

Vẫn theo AP, lễ trao giải có thể không diễn ra vì cả ông Lưu và thân nhân hay các cộng sự đều không được phép rời khỏi Trung Quốc.

Hôm 9/11, tin từ Trung Quốc cho hay luật sư đại diện cho ông Lưu Hiểu Ba nói ông bị ngăn, không cho ra khỏi đất nước.

Ông Mạc Thiểu Bình nói ông bị cảnh sát chặn lại ở sân bay Bắc Kinh, và được thông báo là việc ông đi sẽ “đe dọa an ninh quốc gia”.

Ông Mạc nói ông đi dự hội thảo của giới luật sư tại London, nhưng nhà chức trách ngờ rằng ông sẽ đi nhận giải thưởng Nobel Hòa bình thay mặt cho ông Lưu Hiểu Ba.

Bên theo, bên chống

Các nhân vật quốc tế như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon, Tổng thống Mỹ Barack Obama đều đã lên tiếng đề nghị Trung Quốc thả ông Lưu Hiểu Ba.

Gần đây, trong cuộc họp mặt tại Hiroshima, Nhật Bản, nhóm các nhân vật được Nobel Hòa bình, từ Mikhail Gorbachev, Lech Walesa, Mohamed ElBaradei, đến Đạt Lai Lạt Ma lên tiếng nói Trung Quốc cần thả ông Lưu.

Các nhân vật được giải Nobel kêu gọi thả ông Lưu Hiểu Ba

Giải Nobel đã được tặng cho bất cứ ai thì đều có nguyên giá trị cho dù người được trao giải có mặt để lĩnh hay không, hay người đó vì lý do nào mà không muốn nhận.

Trong khi đó, tin mới nhất nói diễn viên Hollywood Anne Hathaway sẽ cùng chủ trì hòa nhạc cho giải Nobel Hòa bình năm nay cùng diễn viên Denzel Washington, người từng nhận Oscar.

Barry Manilow, Elvis Costello và Jamiroquai sẽ trình diễn tại hòa nhạc vào ngày 11/12, một ngày sau lễ trao giải.

AR Rahman, Florence, Machine và Herbie Hancock cũng sẽ có mặt.

Buổi hòa nhạc năm nay nhằm vinh danh ông Lưu Hiểu Ba.

Theo bbc

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc