Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » 10 ảnh thảm họa thiên nhiên năm 2010
Năm 2010 mở màn với trận động đất kinh hoàng ở Haiti, tiếp theo là các cơn địa chấn dữ dội ở Chile, Trung Quốc, trong khi đó hàng triệu hành khách vạ vật ở các sân bay châu Âu vì núi lửa Iceland.

Hơn 250.000 người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7 độ Richter ngày 12/1 ở Haiti. Tâm chấn chỉ cách thủ đô Port-au-Prince khoảng 16 km về phía tây nam. Nhiều quốc gia khắp thế giới hứa viện trợ cho đất nước ở Trung Mỹ song nhân viên cứu hộ không thể đáp ứng nhu cầu quá lớn của dân chúng ở đây. (video dinh tổng thống Haiti sập trong động đất). Đến cuối năm, tình trạng Haiti vẫn không cải thiện được là bao. Chỉ một phần nhỏ trong số 5,3 tỷ USD mà các nước hứa viện trợ được chuyển tới Haiti. Trong ảnh, lực lượng cứu hộ giải cứu một phụ nữ trong sau cơn địa chấn ở Haiti. Nhiều người được cứu sống từ đống đổ nát sau đó lại chết trong các khu trú chân tạm thời vì bệnh dịch. Ảnh: Navy.mil.

Ngày 27/2, trận động đất mạnh tới 8,8 độ Richter, thuộc loại cực mạnh trên hành tinh, xảy ra ở vùng duyên hải của Chile, rung chuyển 6 bang lớn ở Chile và một phần Argentina (xem video). Động đất kéo theo sóng thần, quét qua các thị trấn ven biển. Cơn địa chấn khiến 500 người thiệt mạng, hơn 200.000 người mất nhà cửa, gây thiệt hại 30 tỷ USD. Ảnh: AP.

Trung Quốc hứng chịu một thảm kịch kinh hoàng tại tỉnh Thanh Hải hôm 13/4 khi động đất xảy ra khiến hơn 2.000 người chết. Tâm chấn nằm ở huyện Ngọc Thụ, nằm ở trên vùng núi thưa thớt dân cư. 90% các ngôi nhà - phần lớn làm bằng gỗ, bùn, gạch - bị phá hủy. Động đất cũng phá hoại một phần ba trường học nghề lớn tại đây. Quân đội và lực lượng cứu hộ Trung Quốc được huy động nhanh chóng đưa lên vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ở độ cao hơn 4.000 mét so với mặt biển. Các nhân viên cứu hộ cùng các nhà sư phải dùng tay không đào bới các đống bê tông để cứu người. Ảnh: China Daily.

Núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland bỗng nhiên thức giấc sau 200 năm hôm 21/3, Đến hôm 15/4, hàng trăm người phải sơ tán khỏi nhà riêng sau khi núi lửa phun bụi dữ dội. Đám mây bụi bốc lên độ cao 15 km trong lúc dung nham có nhiệt độ lên tới 1.000 độ C trào ra từ miệng núi lửa (xem video). Lo ngại bụi núi lửa ảnh hưởng tới hoạt động của máy bay, Liên minh châu Âu yêu cầu ngừng tất cả các chuyến bay từ và đến 23 quốc gia châu Âu. Hơn 100.000 chuyến bay bị hủy và 8 triệu hành khách bị mắc kẹt ở các sân bay trong suốt 6 ngày. Ảnh: Ragnar Th. Sigurdsson.

Cực quang xuất hiện trong khi núi lửa Eyjafjallajokull phun trào. Hàng không thế giới mất khoảng 250 triệu USD mỗi ngày trong thảm họa này. Ảnh: Ragnar Th. Sigurdsson.

Sau cơn bão Agartha hôm 30/5, một hố tử thần xuất hiện giữa giao lộ ở thành phố Guatemala, thủ đô Guatemala. Hố, rộng 20 m và sâu tới 30 m, bỗng dưng hiện diện sau chỉ một đêm và nuốt trọn cả một nhà máy may cao ba tầng (xem video). Đến giờ, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân hình thành chiếc hố này. Ảnh: National Geographic.

Mùa mưa diễn ra ở Pakistan vào mỗi tháng 7 song đợt mưa năm 2010 được coi là lớn nhất trong 100 năm. Đến lúc mưa ngớt, một phần năm diện tích quốc gia này chìm trong nước. Lũ lụt cướp đi sinh mạng của 2.000 người. Con số này còn tăng cao vì dịch bệnh. Thảm họa - gây thiệt hại lên tới 9,6 tỷ USD - khiến ít nhất 9 triệu người, trong đó phần lớn là trẻ em, lâm vào cảnh đói khát. Liên Hợp quốc đánh giá thảm họa nhân đạo do lũ lụt ở Pakistan còn lớn hơn cả những hậu quả sóng thần châu Á năm 2004. Ảnh: AP

Trong khi một phần năm diện tích Pakistan ngập nước, 7 vùng ở Nga, bao phủ diện tích 300.000 mẫu, gặp hỏa hoạn. Vào tháng 7, đợt nắng nóng chưa từng có ở Nga kéo theo cháy rừng nhiều nơi. Thủ đô Matxcơva bị trùm khói xám trong khi nhiều chuyến bay bị hoãn. Hỏa hoạn và cháy rừng khiến 50 người thiệt mạng và 3.000 người mất nhà cửa. Nguyên nhân của thảm họa cháy rừng này được cho là do mức nhiệt độ lên cao kỷ lục trong hơn 100 năm qua ở Nga. Ảnh: AFP.

Đích thân Thủ tướng Vladimir Putin tham gia nỗ lực dập lửa. Ông lái máy bay đổ 12 tấn nước xuống một cánh rừng (xem video). Trong khi đó, cả thế giới lo ngại khi cháy rừng có nguy cơ lan tới khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cảnh báo về một thảm họa hạt nhân. Rất may, đến tháng 8, nhiệt độ ở Nga giảm xuống. Dân chúng Matxcơva lần đầu tiên bước đi trên đường mà không phải đeo mặt nạ phòng khí độc. Ảnh: AFP.

Người dân đảo Đài Loan hãi hùng khi chứng kiến cảnh một khách sạn 6 tầng từ từ đổ sập (xem video) vì nước lũ sau cơn bão Morakot, lớn nhất tại hòn đảo trong vòng 50 năm qua. Cơn bão với sức gió lên tới 120 km/h ập vào hòn đảo này hồi tháng 8, gây lụt lội nghiêm trọng. Bão Morakot cũng quét qua miền nam Trung Quốc và Philippines gây ra thiệt hại hàng trăm triệu đôla. Ảnh: AFP.

Theo tin datviet

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc