Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Khủng hoảng Triều Tiên và các nhà ngoại giao ‘tự do’
Vào những thời điểm đặc biệt căng thẳng hoặc nhạy cảm trên bán đảo Triều Tiên, những nhà ngoại giao không chuyên của Mỹ xuất hiện và mang đến những đột phá bất ngờ.
Thống đốc Mỹ Bill Richardson trong vòng vây báo chí sau chuyến đi tới Triều Tiên. Ảnh: AFP
Thống đốc Mỹ Bill Richardson trong vòng vây báo chí sau chuyến đi tới Triều Tiên. Ảnh: AFP

Thống đốc bang New Mexico Bill Richardson, một cựu ứng viên tổng thống Mỹ, trở thành tâm điểm của giới truyền thông quốc tế cuối tuần qua nhờ chuyến đi tới Bình Nhưỡng của ông đúng lúc dầu sôi lửa bỏng với tư cách một nhà ngoại giao không chính thức. Sự kiện này một lần nữa khẳng định vai trò của các “cascadeur” trong ngành ngoại giao Mỹ đối với vấn đề gai góc tại Triều Tiên.

Chuyến đi của Richardson càng được chú ý hơn khi ông tuyên bố đã tiếp xúc rộng rãi và hiệu quả với các viên chức chính quyền Bình Nhưỡng. Một trong những thành quả của nhà ngoại giao này được cho việc Triều Tiên tuyên bố không trả đũa miền nam vì cuộc tập trận bắn đạn thật hôm thứ hai, nhờ những vận động không mệt mỏi của ông. Trước đó Bình Nhưỡng từng dọa sẽ có chiến tranh hạt nhân nếu Seoul vẫn quyết tập trận.

Trong khi Richardson thoả sức thi thố tài ngoại giao với chính quyền Triều Tiên và xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông, thì người ta không thấy bóng dáng nhà ngoại giao chính thức là đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Triều Tiên Stephen Bosworth. Ngay cả đại sứ Mỹ tại Seoul Kathleen Stephens cũng gần như bặt tăm trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên đang sôi sục.

Nói cách khác, trong diễn biến căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, các nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Mỹ dường như đã lùi về hậu trường để nhường chỗ cho các nhà ngoại giao “tự do” trở thành trung tâm chú ý của dư luận.

Trong khi đó, thống đốc Bill Richardson, người từng được báo chí Mỹ gọi là đại sứ của Washington tại các quốc gia “cứng đầu”, đã phần nào đóng vai trò trong việc ngăn một cuộc xung đột nghiêm trọng có thể xảy ra và nhấn mạnh thêm tính hiệu quả của phương thức ngoại giao đã xuất hiện từ hàng thập kỷ qua trong vấn đề Triều Tiên.

Theo BBC, Bill Richardson có mặt tại Bình Nhưỡng theo lời mời của quan chức phụ trách đàm phán về hạt nhân của Triều Tiên Kim Kye-gwan. Điều này cho thấy chuyến đi của ông là một sáng kiến từ Bình Nhưỡng. Còn Bộ Ngoại giao Mỹ thì gọi đây là “chuyến đi mang tính cá nhân” và thống đốc bang New Mexico cũng không mang theo bất cứ thông điệp chính thức nào từ Washington tới Bình Nhưỡng.

Đây cũng không phải lần đầu tiên ông Bill Richardson xuất đầu lộ diện với vai trò nhà ngoại giao không chính thức tới Bình Nhưỡng. Năm 1994 và năm 1996 ông cũng từng tới Triều Tiên nhằm đảm bảo việc phóng thích cho những công dân Mỹ bị tạm giữ tại đây. Chuyến đi cuối tuần qua của ông càng cho thấy rõ sự tốn tại kênh liên lạc đặc biệt giữa Mỹ với Triều Tiên, quốc gia mà Washington hoàn hoàn không có quan hệ ngoại giao.

Thống đốc Bill Richardson cũng không phải là nhà đàm phán “nghiệp dư” duy nhất về vấn đề công dân Mỹ bị bắt tại Triều Tiên. Hồi năm ngoái, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng có mặt tại Bình Nhưỡng để đưa về hai phóng viên truyền hình bị bắt tại đây. Phần việc của ông là đến thủ đô Triều Tiên đón những người này sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đã giải quyết các vấn đề liên quan.

Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter gặp lãnh đạo Triều Tiên trong chuyến đi Bình Nhưỡng, tháng 8/2010. Ảnh: Politico
Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter gặp lãnh đạo Triều Tiên trong chuyến đi Bình Nhưỡng, tháng 8/2010. Ảnh: Politico

Một vị cựu tổng thống Mỹ khác là Jimmy Carter cũng từng thực hiện sứ mệnh tương tự khi có mặt tại Bình Nhưỡng hồi tháng 8 vừa qua, để đưa về giáo viên tiếng Anh bị bắt giam Aijalon Gomes. Khác với phần việc có phần nhẹ nhàng của ông Clinton, cựu tổng thống Carter đã nỗ lực vận động cho việc thả Gomes và vượt qua Thượng nghị sĩ John Kerry để có vinh dự được tới Triều Tiên “làm việc nghĩa”.

Trên thực tế, Triều Tiên đã muốn chọn Carter đến giải quyết vụ giáo viên Aijalon Gomes vì vị cựu tổng thống Mỹ này từng thành công trong các sứ mệnh tương tự trong gần hai thập kỷ qua. Đáng kể nhất là sự kiện xảy ra vào năm 1994, thời điểm thế giới gần như sắp chứng kiến một cuộc chiến tranh liên quan đến Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã vận động cộng đồng quốc tế đồng thuận trừng phạt Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân. Đáp lại, Triều Tiên tuyên bố trừng phạt đồng nghĩa với chiến tranh. Thái độ này đã đẩy tình hình bán đảo đến bên bờ vực một cuộc xung đột và Mỹ cũng bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản quân sự này.

Đúng thời điểm căng thẳng nhất, cựu tổng thống Jimmy Carter nói với “hậu bối” Bill Clinton rằng ông sẽ đi Bình Nhưỡng gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il để dàn xếp. Trước đó ông từng tới Bình Nhưỡng liên tiếp vào các năm 1991, 1992 và 1993, nhưng phải tới thời điểm căng thẳng năm 1994, vai trò của nhà ngoại giao “tự do” này mới được khẳng định thực sự.

Trong cuộc gặp với Kim Jong-il tháng 6/1994, Jimmy Carter đã đưa ra một đề xuất để tháo ngòi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Sau đó để đảm bảo nỗ lực cá nhân của mình không bị dang dở, ông thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp nổi tiếng trên truyền hình ngay tại Bình Nhưỡng và hành động này gây chú ý mạnh từ cộng đồng quốc tế.

Trên thực tế, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il khi đó cũng không sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Hàn Quốc và đồng minh Mỹ hùng mạnh. Nhưng vai trò của Jimmy Carter trong việc tháo ngòi căng thẳng vào thời điểm năm 1994 vẫn là đáng kể và ông tự gọi những gì mình đã làm được tại Bình Nhưỡng là “điều thần kỳ”.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay được cho là còn căng thẳng hơn thời điểm năm 1994, khi Triều Tiên công bố theo đuổi chương trình hạt nhân. Chuyến đi vừa qua của ông Bill Richardson đã gợi lại sự kiện tương tự của cựu tổng thống Jimmy Carter gần 20 năm trước và kết quả sau chuyến đi này là những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng bắt đầu nhượng bộ.

Đình Nguyễn

Theo VN Express


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc