Home » Thế giới » Vì sao khó ngăn chặn cướp biển Somali
Nhiều nước đang triển khai tàu chiến hiện đại tới trấn áp hải tặc Somali và bảo vệ tàu thuyền nước mình. Tuy nhiên những tên cướp biển vùng Đông Phi vẫn hoành hành như không có chuyện gì xảy ra.

Hàng loạt chiến hạm thuộc đội đặc nhiệm chống cướp biển của Liên minh châu Âu và một số nước khác với súng ống và thiết bị theo dõi tối tân dường như vẫn chưa đủ để có thể xoá bỏ mối đe doạ đối với tàu thuyền dân sự xung quanh bờ biển Somali. Đặc biệt là Vịnh Aden, tuyến hành lang nằm giữa Yemen và Somali dẫn vào kênh đào Suez, nơi diễn ra khoảng 20% hoạt động hàng hải của thế giới.

Cướp biển Somali trang bị súng phóng lựu và súng trường để đi cướp. Nhưng khi bị tàu hải quân truy đuổi, chúng tỏ ra “ngây thơ vô tội” bằng cách vứt hết vũ khí xuống biển và ngoan ngoãn đầu hàng. Ảnh: AP

Khi bị truy đuổi tại Vịnh Eden, những nhóm cướp biển Somali trang bị bằng súng phóng lựu và súng trường Kalashnikov đã dạt xuống phía nam Ấn Độ Dương. Tại đây chúng tiếp tục hoành hành ở khu vực biển thường được gọi là Lưu vực Somali.

Do đó thách thức đầu tiên và cũng là lớn nhất mà lực lượng chống hải tặc đa quốc gia gặp phải là vấn đề địa lý. Các tàu hải quân quốc tế này phải tuần tra trên một khu vực biển có diện tích tương đương với cả Tây Âu. Thông thường họ hoạt động cách các tàu bị hải tặc Somali tấn công vài ngày đi đường, nên mọi sự can thiệp đều quá muộn.

Vì lý do này nên có rất ít cơ hội để có thể “bắt quả tang” cướp biển đang đổ bộ lên một chiếc tàu chở hàng. Ngay cả khi có cơ hội đó thì họ cũng không thể làm được gì nhiều, vì họ không thể tuỳ ý sử dụng hoả lực có trên tàu để tấn công hải tặc.

Chỉ huy biệt đội chống hải tặc của EU Pieter Bindt giải thích với BBC: “Chúng tôi đang phải thực hiện công việc pháp lý bằng phương tiện quân sự. Những tên cướp biển thì rất linh hoạt, đối phó với những gì chúng tôi làm và có một khu vực rất rộng để khởi đầu cho hoạt động cướp bóc, đó là bờ biển Somali dài hàng nghìn km”.

Hơn nữa, những tên cướp biển Somali cũng tỏ ra rất “quái”. Chúng thường đi trên hai chiếc xuồng hoặc tàu cao tốc nhỏ chỉ dài vài mét và một con tàu mẹ lớn hơn một chút, trên đó chở thực phẩm, nhiên liệu và đạn dược. Nếu nhìn thấy tàu hải quân quốc tế áp sát, chúng sẽ nhanh chóng vứt bỏ toàn bộ vũ khí hay bộ đàm vệ tinh và theo luật thì lính hải quân không có cớ gì để bắt giữ chúng.

Khi đổ bộ lên tàu cướp biển, thường lực lượng hải quân không thu được chứng cứ. Ảnh: Boston Globe

Cees Vooijs, chỉ huy khu trục hạm hạng nhẹ Evertsen của Hà Lan tham gia chống cướp biển, kể về một trường hợp điển hình khi chiếc xuồng cao tốc chở cướp biển bị phát hiện đang áp sát một tàu buôn để chuẩn bị đổ bộ tấn công. Khi thấy có tàu hải quân quốc tế can thiệp, những tên hải tặc lập tức bỏ chạy khỏi hiện trường nhưng bất thành.

“Khi chúng tôi đổ bộ lên con xuồng đó thì không phát hiện bất cứ thứ gì liên quan đến hải tặc. Chúng khai là các ngư dân nhưng chẳng có gì chứng minh được chúng làm nghề đó, không cá, không có cả mùi cá hay ngư cụ. Với chúng tôi thì đó rõ ràng là chúng đã thực hiện vụ tấn công, nhưng vẫn không đủ để công tố viên ở Hà Lan cho mở một phiên toà và đó là khoảnh khắc rất tệ”, Vooijs nói thêm.

Sau khi được thả vì không có chứng cứ, những tên cướp biển chỉ cần quay về bờ và tái trang bị những thứ đã vứt xuống biển trong chuyến đi “đen đủi”. Chỉ vài ngày sau chúng lại có thể ra khơi tìm những con tàu có giá trị để cướp. Số tiền chuộc thường lên tới hàng triệu USD hoàn toàn giúp chúng có thể trang bị lại những gì bị mất. Với số tiền lớn này, những tên cướp biển không có ý định bỏ nghề và vùng biển ngoài khơi Somali tiếp tục là miền đất dữ đối với các tàu dân sự.

Thậm chí lực lượng chống hải tặc quốc tế có thể nhìn thấy các tàu bị cướp biển Somali bắt giữ đang neo đậu ngoài khơi bờ biển quốc gia Đông Phi này. Với số súng ống và thiết bị quân sự vượt trội, lực lượng đa quốc gia hoàn toàn có thể tiêu diệt những tên cướp biển. Nhưng hành động này đem đến rủi ro cho các con tin đang nằm trong tay chúng.

Sự kiện đặc nhiệm Hàn Quốc hôm qua đột kích tàu Samho Jewelry từ một khu trục hạm, tiêu diệt toàn bộ 8 tên cướp biển và giải thoát tất cả các con tin là trường hợp hiếm hoi sử dụng vũ lực thành công. Vụ giải cứu con tàu chở hoá chất này diễn ra ở địa điểm cách bờ biển Somalia khoảng 1.300 km về phía đông bắc.

Do vậy các tàu chiến đa quốc gia hiện diện trong vùng biển Somali chủ yếu mang tính răn đe hải tặc. Trong khi những tên cướp biển không hề có dấu hiệu từ bỏ hoạt động đang mang lại nhiều tiền cho chúng. Kết quả là không ít tàu buôn bắt đầu phải chọn giải pháp tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng những người có vũ trang đi theo.

Trong khi đó, Somali lâm vào cuộc nội chiến và không có chính quyền trung ương đủ mạnh từ năm 1991. Đây là điều kiện để các nhóm hải tặc thoả sức hoành hành mà không chịu sức ép nào từ chính quyền sở tại. Các tàu hải quân quốc tế lại không thể can thiệp trên đất liền, nên chừng nào Somali còn bất ổn thì hải tặc tại đây còn là mối đe doạ đối với các tàu bè qua lại khu vực ngoài khơi Đông Phi.

Khu vực Vịnh Aden và vùng biển Ấn Độ Dương ngoài khơi Somali, miền đất dữ đối với các tàu bè qua lại. Ảnh. Ảnh: Geography

Đình Nguyễn

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc