Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Ai Cập và bài học từ cuộc đảo chính tại Indonesia
Đối với các nước phương tây, sự sụp đổ của chính quyền Mubarak tại Ai Cập gợi nhớ đến cuộc lật đổ cựu Tổng thống Indonesia Suharto vào năm 1998 cùng với chế độ ‘trật tự mới’ của ông.

[title]

Công nhân tại Ai Cập vẫn tiếp tục đình công và biểu tình đòi cải thiện lương bổng và chế độ làm việc. (Reuters: Suhaib Salem)

Cuộc biểu tình lớn nhất tại Ai Cập vừa qua được ví như một cơn địa chấn, làm dấy lên làn sóng bạo động chống chính quyền khắp khu vực Trung Đông, đáng chú ý là tại ba nước: Yemen, Iran và Bahrain.

Phóng viên Sen Lam của Đài Úc đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Greg Barton – chủ tịch chương trình nghiên cứu Herb Feith về Indonesia tại Đại học Monash xung quanh những bài học mà Ai Cập có thể rút ra được từ cuộc cách mạng dân chủ ở Indonesia.

PV: Thưa Giáo sư Greg, liệu Ai Cập có thể học hỏi kinh nghiệm từ Indonesia về cuộc chuyển giao dân chủ không?

G.S. Barton: “Tôi tin rằng Ai Cập hoàn toàn có thể tham khảo mô hình và rút ra những bài học kinh nghiệm từ cuộc đảo chính tại Indonesia. Cuộc đảo chính ở hai nước này có một số điểm chung nhất định mà một trong số đó là chính quyền cả hai nước đều chủ yếu dựa vào lực lượng quân đội để đàn áp người dân. Tuy nhiên, trong trường hợp của Indonesia, chính quyền vẫn chưa thực sự đạt được khát vọng nắm quyền chuyên chế. Còn chính quyền Mubarak cũng độc tài không kém nhờ sử dụng lực lượng cảnh sát ngầm. Một điểm tương đồng khác là sự tăng trưởng kinh tế không đều đặn của cả hai nước. Có thể nói người dân ở Indonesia và Ai Cập đều không được hưởng lợi từ một đất nước bị lũng đoạn bởi một số thành phần đầu sỏ cực giàu và tham nhũng cực độ”.

“Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải xét đến một số yếu tố khác biệt nếu lấy Indonesia làm mô hình để thực hiện chuyển giao dân chủ ở Ai Cập, chẳng hạn như chính quyền Suharto đã tồn tại trong suốt ba thập kỷ dưới sự ủng hộ của quân đội nhưng lại bị lật đổ chỉ trong vòng một đêm và ở khắp nơi trên đất nước Indonesia, sự bất bình của dân chúng ngày càng lan rộng nhằm chống lại tình trạng vi phạm nhân quyền cũng như tham nhũng”.

PV: Điều đó liệu có đồng nghĩa với việc quân đội của cả hai nước đều rất giàu có?

G.S. Barton: “Đúng vậy! Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là quân đội Ai Cập nhận rất nhiều viện cấp của Mỹ với tổng số tiền lên đến 1,5 triệu đô-la mỗi năm do đây là một trụ cột chính trị tại Trung Đông. Vì vậy, quân đội nước này khá hùng mạnh và được trang bị vũ khí tối tân. Trái lại, quân đội Indonesia chưa bao giờ thực sự nắm giữ một vai trò mang tính chiến lược nào (trừ một giai đoạn ngắn ngủi trong những năm 1960) nên luôn thiếu nguồn ngân sách cho binh lực. Thực tế là lực lượng quân đội Indonesia rất hiếm khi nhận được viện trợ từ nước ngoài và ngay cả từ chính quyền Suharto. Mặc dù là quân đội cả hai nước đều tham gia trong các lĩnh vực kinh doanh nên có cơ hội để tham nhũng nhưng nhìn chung, tình trạng tham nhũng của quân đội Indonesia lại phổ biến và nghiêm trọng hơn Ai Cập”.

PV: Theo nhận định của giáo sư, một trong những điểm khác biệt nữa là yếu tố địa hình và Indonesia là một quần đảo với địa hình đa dạng hơn nhiều so với Ai Cập. Vậy theo ông, ịa hình của Ai Cập tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho nước này trong việc thực hiện chuyển giao dân chủ?

G.S. Barton: “Xét về địa hình và phân bố dân cư, tại Ai Cập người dân sinh sống tập trung dọc hai bên bờ sông Nile hoặc những vùng duyên hải trong khi tại Indonesia, dân cư lại sinh sống rất rải ở khắp các hòn đảo lớn, nhỏ. Tuy cả hai nước đều đông dân cư nhưng dân số Ai Cập cũng chỉ bằng 1/3 dân số Indonesia. Bên cạnh đó, trên thực tế, Ai Cập là một nước tự chủ từ bao đời nay mặc dù xét trên một khía cạnh nào đó thì Ai Cập cũng mới chỉ giành được độc lập từ giữa thế kỉ 20 như Indonesia . Điều này có nghĩa là những ‘di sản’ quan điểm chính trị tại Ai Cập sẽ giúp nước này thực hiện chuyển giao dân chủ dễ dàng hơn”.

PV: Một yếu tố có lẽ cần phải nói đến là Indonesia không phải là một nước Hồi giáo cực đoan như Ai Cập. Theo giáo sư thì điều này có ảnh hưởng gì đến Ai Cập hay không?

G.S. Barton: “Tôi cho là tất nhiên sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Một điển hình là cuộc cách mạng tại Iran do số đông người dân phát động. Tuy nhiên cuộc chính biến này sau đó lại do một nhóm hồi giáo cực đoan lãnh đạo, dẫn đến việc chính quyền rơi vào tay của nhóm người này. Điều này không chắc sẽ xảy ra ở Ai Cập nhưng vẫn có khả năng. Đáng lo ngại nhất hiện nay vẫn là các ý kiến cực đoan trong việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng Chín tới tại Ai Cập. Đồng thời có nhiều số liệu cho thấy tình trạng vi phạm nhân quyền, đặc biệt là với cộng đồng Thiên Chúa giáo tại nước này đang ở mức đáng báo động. Rõ ràng đây là một thách thức lớn đối với Ai Cập trong thời gian tới. Cũng có khả năng là nhóm Anh Em Hồi giáo sẽ lên cầm quyền do có sự tổ chức tốt, rất chuyên nghiệp và họ có thể sẽ trở nên trung lập khi tham gia vào chính trường”.

Theo bayvut

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc