Home » Thế giới » Lo phóng xạ, người Nhật di tản
Khi khủng hoảng hạt nhân ở Nhật ngày càng căng thẳng, nhất là sau khi giới chức Nhật thông báo một lò phản ứng nữa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I bị nứt, nhiều người sống trong vòng nguy hiểm bắt đầu đóng gói đồ và rời đi.
Một phụ nữ chia tay người họ hàng khi di tản tới nơi con trai sống tại thành phố Hokkaido. Ảnh: AFP.
Một phụ nữ chia tay người họ hàng khi di tản tới nơi con trai sống tại thành phố Hokkaido. Ảnh: AFP.

Khoảng 70.000 người đã được sơ tán ở khu vực 20 km cách nhà máy điện hạt nhân còn 140.000 người khác trong vòng bán kính 30 km đã được yêu cầu ở nhà. Chính phủ đã dựng một vài trung tâm sơ tán khẩn cấp ở một vài nơi vẫn còn an toàn tại tỉnh Fukushima, song người dân vẫn thấy quá nguy hiểm. Hàng trăm người đã chạy tới thành phố Yonezawa, cách Fukushima 100 km về phía tây. Họ tập trung ở một phòng tập thể dục công cộng. Tính tới chiều qua, nơi này đã không nhận người mới đến nữa.

“Người ta đến đây vì nơi này xa vùng thảm họa”, Shigenori Hasegawa, một quan chức tại trung tâm y tế Yonezawa, cho hay. “Các trung tâm ở Fukushima quá đông và người ta vẫn cảm thấy không an toàn”.

Norimasa Kato rõ ràng là thấy thế. Anh sống ở Minami-soma, một thành phố trong vòng bán kính 30 km cách nhà máy điện. Ban đầu, anh cùng gia đình chuyển tới trung tâm sơ tán ở cách nhà máy 50 km. Tuy nhiên, chỉ qua một đêm, cả nhà anh muốn đi càng xa càng tốt.

Kato nói quá trình sơ tán cũng khá rắc rối. Loa đài phát thông báo ở bên ngoài song dân chúng được cảnh báo phải ở bên trong nhà. Mãi tới khi một hàng xóm nói đường phố mà Kato sống đang bị phong tỏa, anh mới bắt đầu đóng đồ. “Chúng tôi nhận được quá nhiều thông tin trái ngược, chúng tôi quyết định ra đi”, anh nói.

Thực tế là, kể từ khi trận động đất 9 độ Richter tàn phá vùng đông bắc Nhật, chính phủ nước này đưa ra nhiều thông tin trái ngược. Dù người mất tích sau 6 ngày nay đã lên tới 8.000, chính phủ vẫn chỉ xác định số thương vong là 3.676. Những thông tin liên quan tới nhà máy điện hạt nhân rất khó theo dõi. Chẳng hạn như, giới chức vừa công bố một lò phản ứng bị nứt và hơi phóng xạ đã bốc ra ngoài nhưng khẳng định tình trạng này không có gì nguy hiểm.

Một trong những ảnh hưởng của việc thiếu sự điều phối nhịp nhàng đó là tình trạng thiếu xăng ở đảo Honshu, mặc cho các đường phố không hề bị phong tỏa. Người Nhật xếp hàng tại các trạm xăng phải chờ tới 8 tiếng để mua, và đến cuối cùng thì chỉ lấy được một lượng nhỏ. Thậm chí những xe tải chở xăng cũng hết xăng.

Hai cụ già hơn 80 tuổi cho biết tại thành phố Minami-soma của họ cũng gặp tình trạng thiếu xăng. “Chúng tôi phải chờ một ngày để mua đủ xăng để rời đi”, cụ ông Kuniyoshi Tanaka, 82 tuổi, cho biết. Chị gái 84 tuổi của ông ngồi bên cạnh, và lắng nghe với chiếc tai bên phải.

Kuniyoshi, giống những người tập trung ở nhà tập thể dục tại Yonezawa, hoàn toàn ngỡ ngàng vì khủng hoảng hạt nhân lần này. Dù họ sống cạnh nhà máy điện Fukushima I trong hàng thập kỷ nay, họ vẫn yên tâm vì những đảm bảo an toàn từ công ty điện Tokyo (Tepco). “Công ty nói rằng nhà máy rất an toàn. Họ hứa là nó an toàn. Lời hứa đó bay đâu mất rồi”, Kato nói. “Chúng tôi không bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra”.

Ngoài việc lo lắng liệu có thể trở về nhà hay không, những người tị nạn cũng hoang mang về mức độ phóng xạ họ đã bị nhiễm. Ở tỉnh Yamagata, có 4 trung tâm kiểm tra phóng xạ, đến hôm qua, trung tâm đã kiểm tra 1.374 người bằng thiết bị mượn từ trường đại học. Không giống như các trung tâm khác, các bác sĩ và y tá ở thành phố Yonezawa quyết định không mặc đồ bảo hộ khi kiểm tra các bệnh nhân. Các bác sĩ cho rằng những người này chỉ nhiễm phóng xạ ở mức thấp.

“Động đất, sóng thần và giờ là khủng hoảng hạt nhân khiến ai cũng hoang mang. Chúng tôi không muốn tình hình căng thẳng hơn nữa”, bác sĩ Keiko Yamada cho hay và thêm rằng kể từ vụ bom nguyên tử Hiroshima, phóng xạ trở thành một chủ đề nhạy cảm ở nhật. “Chúng tôi không muốn làm tổn thương ai cả. Chúng tôi không muốn họ cảm thấy như là nạn nhân”.

Thực tế là, đến giờ vẫn chưa ai là nạn nhân của phóng xạ. Chỉ có 3 bệnh nhân được kiểm tra là có mức độ phóng xạ nguy hiểm (3.000 đơn vị). Việc kiểm tra chỉ để khiến mọi người yên tâm, ông nói.

Một thanh niên tới trung tâm kiểm tra sau cả ngày xếp hàng mua thức ăn. Yamada cầm máy đo lên đầu anh chàng và chờ: “Chưa có ai bị nhiễm nặng đâu, cậu cứ yên tâm”, bác sĩ trấn an. Sau vài giây kết quả hiện ra, mức độ phóng xạ trên đầu anh thanh niên cũng chỉ 100 đơn vị. Ở tay, dưới cổ, trên ngực, ở chân và giày của anh chàng cũng chỉ ở mức 100 đơn vị.

“Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi rất lo”, anh nói. “Người ta không nhìn thấy phóng xạ. Sao mà biết được người ta có bị nhiễm hay không”, anh nói.

Mai Trang (theo Time)

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc