Home » Thế giới » Tokyo: Ngủ nhờ, tích trữ đồ ăn và… chơi đàn
“Động đất, Nhật Bản vẫn thấp thỏm lo động đất nữa. Hàng hóa khan hiếm. Nhưng trẻ con mẫu giáo đi học được phát mũ thiếc chống phóng xạ, tối về vẫn chơi piano….” – Bee.net.vn tiếp tục đăng bài viết của CTV Minh Tuấn gửi về từ Tokyo.

Ngủ nhờ
Buổi tối ngày ngày xảy ra động đất lớn, thứ sáu, 11 tháng 3, vợ tôi về nhà, dẫn theo 3 đồng nghiệp, xin ngủ nhờ, vì tàu điện không chạy, không về nhà được. Mấy người đi bộ từ cơ quan về nhà tôi, mất hơn 1 tiếng. Nhà tôi ở trung tâm Tokyo, nên gần các công sở, công ty. Nhà mấy đồng nghiệp khác ở ngoại ô, và ở tỉnh khác, như Chiba, Saitama… nếu đi bộ về nhà, phải mất một ngày!

Tối đó, nhà vẫn bị rung lắc gần chục lần, mọi người sợ hết hồn. Nhà có hệ thống điện sưởi ấm sàn nhà, nhưng tôi không dám bật. Nếu lại có động đất, điện chập mạch, cháy nổ thì nguy. Tôi chỉ bật máy điều hòa ấm.

Mỗi lần nhà rung lắc, mọi người lại nhìn nhau, im lặng không nói gì. Ai cũng hiểu rõ sự nguy hiểm của động đất, nên mọi lời động viên nhau đều là thừa. Tất cả đều phải tự xác định một tinh thần vững vàng, và bình tĩnh.

Sáng hôm sau, tivi thông báo tất cả các tuyến tàu điện ngầm ở Tokyo đều đã hoạt động trở lại bình thường. Các tàu cao tốc Shinkansen cũng bắt dầu hoạt động trở lại.

Mấy hôm nay, những trận động đất nhỏ vẫn tiếp tục xảy ra, và đang có dự đoán sẽ có động đất nhỏ hơn, nhưng cũng mạnh như động đất Kobe năm 1995 sẽ có thể xảy ra trong vài ngày nữa.

Trẻ mẫu giáo được phát mũ chống phóng xạ

Chiều thứ bảy, khi tôi đang cho hai thằng con chơi ở công viên, và cũng là để phòng động đất lại xảy ra, trên loa phát thanh của quận nơi tôi cư trú, có thông báo chậm rãi của nữ phát thanh viên: “Lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân tỉnh Fukushima bị nổ”. Quả là “họa vô đơn chí. Họa này kéo theo họa khác. Sau đó tivi thông báo lịch cắt điện luân phiên ở các vùng ngoại ô Tokyo, và các tỉnh lân cận.

Mọi người kháo nhau phải đi mua đèn pin, sạc pin, máy sạc pin chạy bằng quay tay, mua gạo, đồ ăn dự trữ. Chúng tôi lập tức cũng lao đi các cửa hàng gần nhà để mua đồ ăn dự trữ, nhưng hơi chậm chân.

Tất cả các cửa hàng đều trống trơn hàng hóa, người ta đã mua từ ngày chiều tối thứ sáu, ngay sau khi động đất xảy ra. Gạo, thịt, cá, đậu phụ, rau, trứng, sữa, bột mì, xúc-xích, tất cả đều bán sạch. Vợ lo quá. Tôi động viên vợ “Anh sống ở Việt Nam mấy chục năm, chẳng có tí sữa nào, mà vẫn to khỏe, người ngợm mọi thứ đều ngon lành như em thấy, nên thiếu sữa vài ngày, hay vài tuần, vài tháng, cũng đừng lo”.

Trẻ con đội mũ thiếc chống phóng xạ
Trẻ con đội mũ thiếc chống phóng xạ

Nhưng đèn pin thì phải đi lùng mua. Tôi vào một cửa hàng bán đồ leo núi, thấy khá đông người. Người ta mua bếp gas dã ngoại, đèn rọi đeo ở trán để chui vào hang núi, ba lô to leo núi…

Tôi mua 4 bộ đèn pin rọi đeo ở trán, 2 bộ người lớn, 2 bộ trẻ con, chẳng phải để leo núi, chui hang, mà là để leo cầu thang khi mất điện. 3 thỏi pin nhỏ có thể rọi sáng liên tục 196 giờ, với 3 chức năng rọi khác nhau.

Ở nhà trẻ của hai thằng cu, cô giáo phát cho mỗi anh một cái mũ tráng thiếc, để chống nóng, và chống phóng xạ. Các trẻ em đã được huấn luyện khi có động đất, thì đội mũ bảo hiểm, và chạy xuống gầm bàn tránh như thế nào.

Tủ lạnh, bụng dạ đều đầy ắp đồ ăn

Mấy ngày hôm nay, các cửa hàng tiếp tục đưa ra thêm hàng hóa để bán, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu mua tích trữ của mọi người. Gia đình tôi cũng đã mua đủ các đồ ăn dự trữ cho đủ khoảng 2 tuần. Tủ lạnh đầy ắp đồ ăn, các loại hoa quả, cam, bưởi, chuối… chất đầy bàn. Chẳng khác gì cửa hàng. Nếu ăn không nhanh, mấy thứ này hư thối thì cũng gay.

Mấy hôm nay, vừa tranh thủ mua đồ ăn tích trữ, vừa phải tranh thủ ăn thật nhiều vì sợ để lâu bị hư thối. Thành ra, bụng lúc nào cũng óc ách khó chịu. Hai thằng cu cũng bị tôi ép bắt ăn thật lực, nhìn thấy đồ ăn là sợ. Chao ôi, động đất gì mà quái dị.

Người dân xếp hàng ở các cửa hàng thực phẩm.
Người dân xếp hàng mua đèn pin

Bây giờ , hàng ngày người ta không còn mấy quan tâm đến động đất nữa, mà quan tâm đến cái nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Liệu có nổ nữa không? Phóng xạ có rò rỉ không?

Thế giới đã chìa bàn tay nhân đạo ra giúp Nhật Bản. Lâu nay, Nhật Bản thường cử các đội bác sĩ, cứu hộ đi giúp các nước, thì nay, Nhật Bản tiếp nhận sự giúp đỡ của thế giới. Trung Quốc, Nga, Mỹ, Việt Nam, Hàn Quốc… trên 50 nước đã triển khai các biện pháp giúp đỡ nhân đạo người dân Nhật Bản. Nhiều nước cử các đội cứu trợ đến Nhật, như Hàn Quốc, Mỹ, Hồng Kông, New Zealand, Úc…

Tối tối, thằng con trai 7 tuổi của chúng tôi vẫn lấy đàn Violin ra tập. Nó học đàn được hơn một năm rồi, mỗi tuần 30 phút vào ngày thứ bảy. Nghe tiếng đan violin réo rắt, bản nhạc Romance của nhạc sĩ thế kỷ 19 Rieding, thấy thật ấm lòng, tạm quên đi được những nguy hiểm của động đất, phóng xạ.

Người Việt Nam không thế

Ở tầng 7 trong tòa nhà chung cư của chúng tôi có cặp vợ chồng vợ Nhật, chồng là người ở một nước bắc Âu, có mái tóc trắng như cước, rất đẹp. Ông ấy rất hiền, và gặp chúng tôi, đều chào rất lịch sự. Nhưng mấy hôm nay, không thấy ông ấy nữa.

Chiều hôm qua, tôi gặp vợ ông ấy, hỏi thăm ông ấy. Chị vợ buồn buồn nói ông ấy đã về nước rồi, vì sợ nguy hiểm. Chị ấy nói chị ấy không thể đi theo chồng, vì chị còn gia đình bên nhà chị, bố mẹ, anh em… bỏ họ đi cho an toàn một mình sao được.

Tôi hi vọng rồi một ngày nào đó, ông ấy sẽ quay lại với người vợ trẻ, hiền, có đôi mắt đẹp kia. Chị ấy hỏi sao tôi không tạm về Việt Nam lánh nạn. Tôi nói bỏ chạy không phải là văn hóa của người Việt Nam.

Theo Bee
Chuyên đề: , ,

01 ý kiến dành cho “Tokyo: Ngủ nhờ, tích trữ đồ ăn và… chơi đàn”

  1. Bent 17/03/2011

    “Tôi nói bỏ chạy không phải là văn hóa của người Việt Nam.” <= thời buổi này, câu này cần phải xem xét lại 😉

    Reply

Ý kiến bạn đọc