Home » Thế giới » Trung Quốc: Ưu tiên của tân Ngoại trưởng Nhật
Xử lý mối quan hệ với Trung Quốc sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu với tân Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto, khi mối bang giao mới vừa ấm lên được đôi tháng giữa hai quốc gia có vẻ như chuẩn bị chấm dứt.

Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto. Ảnh: CNN
Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto. Ảnh: CNN

Câu hỏi về các vấn đề liên quan tới Trung Quốc chiếm phần lớn nội dung cuộc họp báo mới đây, nơi Chánh văn phòng Nội các Nhật Yukio Edano tuyên bố ông Matsumoto trở thành người kế nhiệm ông Seiji Maehara, người tuyên bố từ chức hôm chủ nhật bởi những tin tức nhận tiền đóng góp tranh cử từ một người nước ngoài. Pháp luật Nhật nghiêm cấm điều này.

Tokyo coi cách hành xử của Bắc Kinh ở khu vực giàu tài nguyên tại biển Hoa Đông – nơi cả hai bên đưa ra các tuyên bố chủ quyền – là ngày càng gây hấn hơn.

Chỉ vài giờ trước cuộc họp báo ra mắt Ngoại trưởng mới, Tokyo đã phải cảnh báo Bắc Kinh tránh xa quần đảo tranh chấp mà Nhật gọi là Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Hoa Đông sau khi một tàu tuần tra ngư trường của Trung Quốc bị phát hiện đang tiến vào vùng biển gần đó, ông Edano cho biết.

Một vụ va chạm ở nơi tương tự hồi tháng 9 năm ngoái giữa một tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản đã khiến quan hệ song phương căng thẳng chưa từng thấy trong nhiều năm.

Theo ông Edano, nhiều cơ quan Nhật sẽ tăng cường phối hợp để đảm bảo giám sát, theo dõi hiệu quả tại khu vực này.

Nhiều tháng sau vụ va chạm tháng 9 dẫn tới việc Nhật bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc rồi thả tự do, tàu thuyền Trung Quốc vẫn xuất hiện trong khu vực, nhưng kể từ tháng 1 lại không như vậy.

Trong một khu vực ngày càng gia tăng quan ngại về việc Trung Quốc chi tiêu quốc phòng mạnh mẽ, phát triển nhanh chóng khả năng quân sự, các nước láng giềng khác cũng thận trọng theo dõi mọi hành động của tàu thuyền nước này.

Tuần trước, Philippines đã phải điều động cả máy bay chiến đấu tới vùng tranh chấp khác sau khi một tàu thăm dò dầu khí đánh tín hiệu báo bị các tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu. Cả Việt Nam và Hàn Quốc đều thể hiện sự phản đối với Trung Quốc về các vụ việc riêng lẻ liên quan tới tàu thuyền ở những khu vực nhạy cảm.

Dĩ nhiên, mối bang giao Trung – Nhật không phải hoàn toàn sóng gió. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ hai tuyên bố, Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ thăm Nhật vào tháng 5 và tham dự cuộc họp ba bên, trong đó có các lãnh đạo của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cảm nhận về cách hành xử gây hấn của Trung Quốc lại xuất hiện trong thời điểm không thuận lợi với Thủ tướng Nhật Naoto Kan, người đang vật lộn để giữ vững chính quyền trong bối cảnh phải đối mặt với một quốc hội chia rẽ. Khó khăn của ông thêm chồng chất vào hôm chủ nhật khi ông Maehara, một nghị sĩ rất được tín nhiệm, thậm chí được coi là ứng viên sáng giá kế nhiệm ghế thủ tướng, đã buộc phải rời nhiệm sở.

Ông Maehara, chuyên gia đối ngoại hàng đầu của đảng cầm quyền, được biết tới với quan điểm ủng hộ Mỹ và sự cứng rắn với nước láng giềng Trung Quốc về các vấn đề lãnh thổ. Ông Matsumoto là đồng minh thân cận với ông Maehara, nhưng chính sách hay quan điểm của ông chưa bộc lộ rõ.

Trở lại với những tin tức cho hay Trung Quốc đã bắt đầu đi vào sản xuất tại mỏ khí đốt đang tranh chấp giữa hai nước tại biển Hoa Đông, ông Edano nói trong cuộc họp báo rằng, Nhật Bản chưa thẩm tra thông tin. Trung Quốc gọi mỏ khí tranh chấp là mỏ Xuân Hiển còn Nhật gọi là Shirakaba. Tin tức này xuất hiện sau khi Tokyo phản đối Bắc Kinh về việc một trực thăng Trung Quốc đã lượn sát tàu khu trục của họ hôm thứ hai ở gần vùng tranh chấp.

theo vietnamnet

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc