Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Tự do truyền thông – kỳ 2: Thái Lan

Truyền thông Thái Lan đã phản ánh những gì trong suốt giai đoạn đối đầu giữa hai phe Áo đỏ và Áo vàng vốn gây ra bất ổn chính trị sâu sắc ở đất nước này?

Tin kỳ trước: Tự do truyền thông – kỳ 1: Indonesia

[title]

Một cuộc đối đầu giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tại Thái Lan. (Ảnh tư liệu. Reuters)

Tóm lược

  • Cơ quan Truyền thông Quốc gia Úc (ABC) và Cơ quan Truyền thông Anh quốc (BBC) cùng phối hợp để thực hiện loạt bài về vấn đề tự do truyền thông tại bốn quốc gia: Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Singapore.

Người ta rất muốn tìm hiểu xem những gì phe Áo đỏ và Áo vàng được phép hoặc không được phép phát biểu trên hệ thống truyền thanh trong suốt thời kỳ Thái Lan rơi vào tình trạng khẩn cấp.

Câu trả lời có thể bắt nguồn sự khác biệt giữa hai màu ‘đỏ’ và ‘vàng’ ở Thái Lan – quốc gia được ví von là ‘mỗi ngày đều có một màu’.

Hôm nay thì ‘đỏ’, hôm sau lại ‘vàng’

Ở Thái Lan, màu vàng là biểu tượng cho hoàng gia và cũng là biểu tượng của ngày sinh nhật của Quốc vương Bhumibol Adulayadej. Màu đỏ tượng trưng cho tầng lớp dân chúng lao động bình thường.

Thực tế trên chính trường cũng như trên đường phố ở Thái Lan cho thấy hai sắc màu đối nghịch vẫn thay đổi luôn. Hôm nay màu vàng, hôm khác màu đỏ.

Hai phe Áo vàng và Áo đỏ có những quan điểm trái ngược nhau về nhiều vấn đề của đất nước. Hành động của cả hai phe đều khiến chính quyền phải ban hành tình trạng khẩn cấp nhiều lần.

Theo ông Kavi Chongkittavorn, Chủ bút tờ Thời báo Quốc gia, Thái Lan đã trải qua nhiều giai đoạn đầy biến động khiến mọi người lo lắng. Đó cũng là những lúc đất nước bị giằng xé bởi nhiều quan điểm đa chiều, đối chiều hoặc tương phản lẫn nhau. Những quan điểm này có phần phát xuất từ các nguồn thông tin khác nhau hay từ quan điểm và nhận định của giới truyền thông, trong đó kể cả những người viết blog.

Theo luật pháp Thái Lan, trong thời gian biến động, mọi cuôc tụ tập liên quan đến chính trị của trên 5 người trong những khu vực được ban bố tình trạng khẩn cấp đều là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, luật này không được áp dụng bên ngoài khu vực có tình trạng khẩn cấp.

Ông Chongkittavorn cho biết rằng các phóng viên nói riêng và giới truyền thông nói chung phải hết sức cố gắng giữ tính trung lập. Họ phải tránh để đừng bị lôi kéo vào ‘vùng’ của một phe nào đó, dù đó là phe Áo vàng hay Áo đỏ.

Tuy nhiên, ông cũng cho hay tại Thái Lan, dù cho ngay cả một khi phóng viên hoặc tờ báo ngả hẳn theo một khuynh hướng chính trị nào đó thì việc này cũng không quá nguy hiểm như ở Philippines. Tại Thái Lan ‘văn hóa ám sát’ không bén rễ sâu đậm như ở Philippines.

Thật ra, theo ông Chongkittavorn, nếu có một nhà báo nào bị ám sát thì người ta cũng chưa chắc đã biết được nguyên do thực sự của cái chết. Ông cho rằng người chết đó có thể thiệt mạng vì lý do chính trị nhưng cũng có thể vì chuyện tranh chấp trong làm ăn, buôn bán…

Tại Thái Lan, đa số các vụ xung đột liên quan tới phóng viên và giới truyền thông đều được giải quyết tại tòa án chứ không qua các hình thức thanh toán nhau ngoài xã hội.

Chính trường Thái Lan khá bất ổn trong vòng gần 10 năm qua và cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra là một trong những người thấm thía điều này nhất.

Ông Thaksin bị quân đội lật đổ năm 2006 và hiện sống lưu vong ở nước ngoài. Ông vẫn tìm cách vận động để được trở về nước tái tham gia chính trị. Ông được sự ủng hộ mạnh mẽ của phe Áo đỏ vốn đa số là những người thuộc giới lao động nghèo hoặc sinh sống tại nông thôn.

Tuy nhiên, ông Thaksin lại bị phe Áo vàng chống đối mạnh mẽ. Đây là phe trung thành với Hoàng gia và hiện đang nắm chính quyền tại Thái Lan.

Vận mệnh đất nước này còn có một nhân vật không kém phần quan trọng là Quốc vương Bhumibol Adulayadej, năm nay đã 83 tuổi và sức khỏe không được tốt.

Nếu một mai Quốc vương qua đời thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra cho Thái Lan.

Luật cấm phỉ báng hoàng gia

Ở Thái Lan có luật cấm phỉ báng hoặc có thái độ bất kính đối với nhà vua. Người vi phạm luật này sẽ bị truy tố.

Ông Sulak Sivaraksa, 78 tuổi, là giáo sư đại học, và vừa bị truy tố về tội phỉ báng hoàng gia cho biết rằng nhìn bên ngoài Thái Lan là một quốc gia Phật giáo, an lạc nhưng bên trong tiềm ẩn mầm mống xung đột giai cấp rất lớn. ‘Giai cấp Hoàng gia’ phải được mọi người tôn kính triệt để nếu không họ sẽ gặp rắc rối với cảnh sát và pháp luật. Trong một số trường hợp người vi phạm có thể bị kết án tới 50 năm tù. Cũng theo Giáo sư Sulak Thái Lan cũng là nước có nạn kỳ thị chủng tộc.

Nhiều cá nhân và tổ chức thuộc phe Áo đỏ công khai tranh đấu cho người dân được hưởng các quyền công dân trọn vẹn hơn như quyền được tự do phát biểu chống đối Hoàng gia mà không bị truy tố.

Theo một số người tranh đấu thuộc phe Áo đỏ, Thái Lan có một hệ thống chính trị linh hoạt nhưng thiếu một cơ chế đối thoại chính trị văn minh.

Trong khi đó, bà Chiranuch Premchaiporn, chủ tạp chí Pratachai, một tờ báo mạng nổi tiếng can đảm không ngại đề cập tới những ‘tin tức nhạy cảm’ liên quan đến Hoàng gia, đã bị chính quyền ‘làm việc’ rất nhiều lần. Bà cho biết tờ Pratachai không chỉ đăng tải tin tức và các phóng sự mà còn cho tạo điều kiện để độc giả bày tỏ quan điểm về nhiều vấn đề trong đó có chuyện phê bình Hoàng gia. Hồi năm 2010, sau khi tạp chí Pratachai đăng bài nói xấu Hoàng gia, bà Premchaiporn bị bắt lần đầu tiên và sau đó bị truy tố.

Sau đó bà Premchaiporn lại gặp rắc rối hơn nữa khi phỏng vấn người chống đối việc chào cờ và quốc ca và đưa lên mạng Internet những quan điểm này. Người chủ tạp chí Pratachai chủ trương Thái Lan phải là quốc gia có một nền báo chí và Internet tự do, đồng thời nước này phải bãi bỏ điều luật truy tố người mạ lỵ, phỉ báng hoàng gia. Ngoài ra, bà Premchaiporn còn cho rằng mỗi người phải được quyền giữ quan điểm và ý kiến riêng của mình chứ không phải chỉ có một quan điểm duy nhất từ phía nhà cầm quyền.

Tuy nhiên, theo nhà báo kỳ cựu Chongkittavorn, người dân và giới truyền thông Thái Lan vẫn được hưởng khá đầy đủ các các quyền tự do, trong đó có tự do báo chí. Ông cho hay qua các bài điều tra về tình trạng yếu kém của chính quyền báo chí đang góp phần cải thiện xã hội.

Vẫn theo lời ông Chongkittavorn, chính quyền biết khá rõ những yếu điểm của mình. Tuy nhiên vì Thái Lan hiện còn nhiều vấn đề khác cũng cần quan tâm như phát triển kinh tế, tình trạng cách biệt giữa người giàu và kẻ nghèo… nên chính quyền gặp khó khăn trong việc giải quyết nhiều vấn đề của giới truyền thông.

8.000 đài phát thanh

Tại Thái Lan, các đài phát thanh cộng đồng là nơi người dân thực sự có tiếng nói. Những đài này thường xuyên phát đi các buổi tường thuật về những cuộc biểu tình và quan điểm của người dân.

Theo ông Ubonrat Siriyuvasak, chuyên viên phân tích tình hình báo chí thuộc tổ chức Cải tổ Truyền thông Thái Lan, người dân nước này đói khát thông tin và muốn tiếng nói của mình phải được lắng nghe. Chính điều này khiến giới thượng lưu và thành phần trung lưu, có học thức cảm thấy lo lắng.

Tại Thái Lan có khoảng 8.000 đài phát thanh (số này bao gồm cả khoảng 6.500 đài địa phương) đang hoạt động và hầu hết đều là những đài bất hợp pháp. Tuy nhiên trong số này chỉ có khoảng 200 đài, chủ yếu do các nhân viên thiện nguyện điều hành, là thực sự có ảnh hưởng tới công luận. Số còn lại chủ yếu là những đài phát thanh quảng cáo của các cơ sở kinh doanh trá hình làm đài phát thanh cộng đồng để quảng bá thương mại và tránh thuế. Ngoài ra, Thái Lan còn có khoảng 1.000 đài phát thanh của các tôn giáo và 400 đài của quân đội.

Điều hơi bất hợp lý là mặc dù Thái Lan có nhiều đài phát thanh nhưng luật lệ nước này không cho phép tư nhân nhập khẩu các máy phát sóng. Bên cạnh đó, không ai được phép làm chủ máy phát sóng ngoại trừ các nhân viên chính quyền làm việc trong lãnh vực truyền thông. Những luật lệ trên dẫn đến những tin đồn về việc một số nhân viên chính quyền đã bỏ việc làm cho nhà nước để chuyển sang làm ở lĩnh vực phát thanh tư nhân.

Ngoài ra, có những người làm việc cho nhà nước cũng lén lút đem các máy phát sóng bán để kiếm tiền.

Theo luật hiện hành, chính quyền Thái có quyền đóng cửa tất cả các đài phát thanh bất hợp pháp này bất kỳ lúc nào.

Đài phát thanh ‘bỏ túi’

Tại một khách sạn ngoại ô Bangkok vốn là nơi nằm trong khu vực mà phe Áo đỏ hay tụ tập, phóng viên Gary Bryson đã đến tham quan một đài phát thanh ‘bỏ túi’ với 9 máy phát sóng đang hoạt động.

Các đài ‘bỏ túi’ loại này thường xuyên bị chính quyền bắt dẹp bỏ. Chủ nhân của đài này sau nhiều lần được chính quyền ‘nhắc nhở’ cuối cùng cũng bị phạt 500 bah, tương đương với 15 đô-la vì tội điều hành đài một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, mọi chuyện đâu cũng lại vào đó, đài ‘bỏ túi’ này vẫn hoạt động trở lại như bình thường.

Phe Áo vàng cũng có các đài phát thanh ‘bỏ túi’ tương tự của họ.

Nhìn chung, cả hai phe Áo đỏ và Áo vàng đều sử dụng các đài phát thanh ‘bỏ túi’ để tuyên truyền, quảng bá quan điểm chính trị của phe mình. Họ cũng dùng các đài của mình để xuyên tạc, nói xấu hoặc mạ lỵ nhau. Phe nào cũng rằng cho mình nắm phần chân lý, ‘chẳng mèo nào chịu mỉu nào’ và không ai chịu nhường nhịn để cùng ngồi xuống đối thoại.

Nguyên nhân bất ổn

Theo một chủ bút tờ báo địa phương ở Thái Lan, sở dĩ có tình trạng xung đột gay gắt tại nước này là vì Thái Lan không có truyền thống hòa nhập với cộng đồng thế giới. Đây là một quốc gia có niềm tự hào trong quá khứ rằng họ đã từng tự ‘cô lập’ mình để thoát khỏi ảnh hưởng của các chính quyền thực dân Anh và Pháp.

Có lẽ cũng vì lý do sâu xa này mà Thái Lan chưa có nhiều kinh nghiệm hội nhập và đối thoại, đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa như hiện nay.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc