Home » Khám Phá, Khoa học, Tiêu biểu sideshow » Hương thơm thần bí từ xác ướp cổ

Một bí ẩn kỳ lạ nhất của xác ướp VN là đã được bảo quản rất tốt, dù không phải giải phẫu lấy nội tạng như nghệ thuật ướp xác ở Ai Cập cổ đại hay xây lăng tẩm nguy nga.

Ngay thi hài vua Lê Dụ Tông ở Bái Trạch, Thanh Hóa cũng chỉ yên giấc ngàn thu trong cỗ quan tài và quách mộ mà bề ngoài chẳng có gì đặc biệt so với táng thức đương thời.

Mùi hương thần bí

“Nhiều người nghĩ xác ướp sẽ nặng mùi, nhưng kỳ lạ là lại bốc mùi thân mộc thơm thoang thoảng. Đặc biệt có một vài xác ướp hơi bị nặng mùi do bom đạn hay đào bới xâm phạm làm vỡ quách, hư áo quan để không khí và nước lọt vào trong lâu ngày” – nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật tâm sự về cảm giác đầu tiên khi đánh thức giấc ngủ ngàn thu của xác ướp.

Thậm chí, ông Truật từng nhắm mắt, nếm chất nước đọng dưới đáy quan tài để thử phân tích bằng chính giác quan mình. Và ông khẳng định nó không hôi tanh khó chịu mà lại thơm như nhựa thông.

d

Thi hài vua Lê Dụ Tông khi mới mở quan tài - Ảnh: Tư liệu


Nhiều xác ướp còn nằm yên nghỉ ngập trong dầu thông. Một số xác ướp dầu ít hơn nhưng vẫn giữ lại mùi hàng trăm năm sau. Nhiều ý kiến cho rằng loại dầu này chính là tinh chất gỗ ngọc am mà người Trung Quốc gọi là san mộc.

Theo cố giáo sư – bác sĩ Đỗ Xuân Hợp, người xưa biết kết hợp nhiều yếu tố để giữ xác ướp không bị thối rữa thành cát bụi như thường tình.

Nghiên cứu thi hài vua Lê Dụ Tông, giáo sư Hợp ghi chép: “Dầu thông đã được đổ nhiều vào trong quan tài nên khi mở ra thấy chăn bông, vải liệm, áo mặc, giấy bản đẫm dầu và mỡ. Chất thơm ngấm vào da, và qua da vào các tạng nên sực mùi thơm…”.

Ngay thi hài vua cũng nhớp nháp dầu thông. Chính loại dầu thân mộc này là một yếu tố quan trọng góp phần bảo quản được xác tiền nhân. Thậm chí những miếng trầu, cau chôn theo hàng trăm năm còn xanh tươi như vẫn có thể dùng được.

Đặc biệt, thi hài vua sau đó được đặt ở tầng hầm Bảo tàng Lịch sử VN suốt 46 năm vẫn không hư hỏng. Khí hậu miền Bắc khắc nghiệt chỉ làm thi hài nhà vua co lại, chứ không thối rữa theo thời gian…

Giáo sư Hợp từng nghiên cứu nhiều xác ướp còn rất tốt khác cũng đậm dấu vết dầu thông. Đó là mộ bà phi dòng họ Trịnh (bia mộ đề thời gian chôn cất thuộc niên hiệu Vĩnh Trị 1676 – 1680) ở Thanh Hóa đã bị lộ thiên cả tháng trước khi các nhà khảo cổ và bác sĩ về nghiên cứu năm 1957.

Trước đó, người ta tình cờ đào lên thấy xác của bà vẫn còn nguyên vẹn trong chiếc quan tài bằng gỗ ngọc am. Hành trang về suối vàng của bà không biết có bị lấy trộm gì không, nhưng các nhà khảo cổ về vẫn thấy sáu chiếc áo gấm thêu kim tuyến, xiêm y còn rất tốt dù đã bị người đào phá rách.

Ấn tượng nhất là xác ướp của bà tuy đã bị đưa ra khỏi quan tài, vùi lấp tạm bợ trên cánh đồng ba ngày, rồi chôn lại trong quan tài ngập nước gần một tháng mà vẫn còn nguyên và bốc mùi thơm nhựa thông. Thậm chí sau đó bà được tắm lại bằng năm lần nước sạch vẫn không hết mùi thơm. Và dấu vết bảo quản xác của dầu thông còn lan ra ngoài, khi vùng đất quanh mộ cũng nhiễm mùi thơm.

GS Đỗ Văn Ninh cho rằng việc xử lý thi hài rất quan trọng để giữ xác. Người xưa thường quàn xác rất lâu (thậm chí tới hàng năm) trước khi chôn nên chú trọng việc chống thối rữa.

Ngoài dầu thông thường được đổ vào quan tài, người sắp qua đời thường được uống thuốc “hồi dương” có quế nóng giúp tăng tuần hoàn máu để nấn ná sự sống, chờ đợi con cháu. Sau đó lại dùng rượu quế (có thể rượu trắng) tắm rửa cho người mất cũng làm sạch được phần nào trong và ngoài thi hài để giảm sự phân hủy do vi khuẩn.

c

Ông Đỗ Đình Truật với cục tinh dầu đặc lại cùng các chất khác trong quan tài xác ướp

Đặc biệt, khi nhập liệm người xưa thường chèn nhiều chăn, gối, quần áo, giấy bản, bông vào quan tài có rải gạo rang, chè khô bên dưới. Ngoài ý nghĩa tùy táng mang về thế giới bên kia, các thứ này còn hút ẩm và đẩy không khí ra ngoài để hạn chế môi trường vi khuẩn hại xác.

Thậm chí trước khi nhập liệm, người ta còn đốt nến trong quan tài như là một lễ thức, nhưng cũng góp phần tạo môi trường chân không và sát khuẩn.

Bảo vệ giấc ngủ ngàn thu

Tìm hiểu kỹ thuật bảo quản xác tiền nhân, nhà khảo cổ cũng phát hiện xác ướp vua Lê Dụ Tông, Phạm Thị Nguyên Chân, Bùi Thị Khang, Trịnh Phi, Trịnh Dung quận chúa, Trịnh Quý Thị, Đinh Văn Tả… đều yên nghỉ trong quan tài gỗ quý hiếm ngọc am.

Hàng trăm năm trong lòng đất, quan tài gỗ này vẫn không hư và thoang thoảng mùi thơm thân mộc khi khai quật. Những thi hài dù không được ướp dầu thông thơm cũng không thể ám mùi hôi vào gỗ quan.

Các nhà nghiên cứu khảo sát thi hài Trịnh Dung quận chúa ở Hoằng Đức, Thanh Hóa, thấy quan tài gỗ ngọc am vẫn thơm, trong khi tấm thất tinh đục bảy lỗ hình chòm sao đại hùng tinh lại nặng mùi thối vì không phải gỗ ngọc am. Thậm chí tấm thất tinh này sau được ngâm trong vũng nước mưa nhiều ngày vẫn nặng mùi. Còn quan tài ngọc am phơi mưa nắng lại giữ được mùi thơm.

Theo GS Ninh, ngọc am cũng có tên hoàng đàn rủ, loại cây gỗ trong bộ thông, thuộc họ hoàng đàn, sống trên vùng núi đá vôi ở Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… Người Trung Quốc gọi nó là san mộc (shamou) và hay sang VN mua về làm quan tài. Gỗ quý này bền thơm và có tính sát khuẩn cao nên góp phần bảo quản thi hài.

Đặc biệt, người xưa còn biết làm quan tài rất kín chắc với các mộng ghép chặt chẽ và trét kín bằng sơn sống có trộn mạt cưa hoặc nhựa thông nhào hồ nếp. Thậm chí có quan tài được đóng hai lớp gỗ dày cả 10cm mà nhiều người khiêng không nổi. Chính những yếu tố này đã ngăn chặn không khí và nước thấm vào để góp phần quan trọng bảo quản thi hài.

Kể chuyện bí quyết ướp xác người xưa, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật xòe bàn tay chai sần trong quá trình đục phá quách mộ. Ngoài kỹ thuật xử lý xác và gỗ quan tài thì phần quách bảo vệ rất quan trọng để giữ xác. Hầu như tất cả xác ướp phát hiện đều được bảo vệ bằng loại quách hợp chất kiên cố làm từ vôi, cát, mật, thậm chí còn gia cường độ bền của hợp chất này bằng keo vỏ cây dó, giấy bản và vỏ sò nung nóng rồi giã nhuyễn.

Quách bao kín các mặt quan tài, kể cả đáy với độ dày có khi lên đến nửa mét để bảo vệ quan tài và xác ướp bên trong khỏi bị tác hại của nước và không khí lọt vào.

“Ở bãi biển Thụy Xuân, Thái Bình có mộ hợp chất mà lâu ngày sóng biển làm nhẵn thín như đá. Dân không biết cứ lên đó ngồi chơi cho đến khi phát hiện, khai quật được xác ướp một cô gái vẫn còn nguyên hình hài…” – nhà khảo cổ già lộ rõ sự thán phục bí quyết ướp xác tiền nhân.

(Theo Tuổi trẻ,bee)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc