Home » Khám Phá, Khoa học, Tiêu Điểm » Một số hố đen có thể “cao tuổi” hơn cả vũ trụ

Một giả thuyết mới gợi trí tò mò trong giới khoa học cho rằng một số hố đen có lẽ đã hình thành trước cả vũ trụ của chúng ta.

[title]

Nếu có tồn tại thì những hố đen nguyên thủy có thể chính là tàn tích của một vũ trụ trước kia sót lại trong vũ trụ hiện nay. (NASA)

Công trình nghiên cứu do Giáo sư Bernard Carr từ Đại học Queen Mary, London, và Giáo sư Alan Coley từ Đại học Dalhousie, Canada, phối hợp thực hiện, đã kiểm chứng một thuyết vũ trụ học trong đó vũ trụ trải qua các chu kỳ hình thành và biến mất.

Theo báo cáo nghiên cứu đăng trên trang web điện tử arXiv.org trước khi phát hành trên báo chí, một số hố đen có thể là tàn tích của một vũ trụ trước đây đã bị hủy diệt trong vụ va chạm lớn rồi sau đó được tái tạo nhờ vụ nổ Big Bang cách đây 13,7 tỉ năm.

Những hố đen nguyên thủy này có thể được hình thành trong điều kiện đặc quánh cực kỳ lớn ngay sau vụ nổ Big Bang. Điều này khiến chúng khác hẳn những hố đen khác hình thành từ vụ nổ của những ngôi sao khổng lồ hoặc ở trung tâm các dải thiên hà.

Hai Giáo sư Carr và Coley cho rằng nếu vũ trụ nở rộng và thu nhỏ lại theo chu kỳ các vụ nổ Big Bang và các vụ va chạm, thì có thể một số hố đen nguyên thủy tồn tại thật.

Hai nhà khoa học đi đến kết luận này sau khi suy nghĩ về những hiện tượng có thể xảy ra ở thời điểm trước một vụ va chạm lớn.

Giáo sư Coley và Giáo sư Carr suy luận rằng, thay vì kết hợp lại thành một thể thống nhất, độ đặc cực lớn sẽ đạt được khi vũ trụ chuyển từ vụ va chạm lớn sang vụ nổ Big Bang, nghĩa là các hố đen nguyên thủy từ vài trăm triệu kilogram tới thể khối tương đương mặt trời có thể tồn tại như những thực thể riêng biệt.

Cho đến nay, các hố đen nguyên thủy chỉ tồn tại trên lý thuyết. Tuy nhiên, thậm chí khi các nhà khoa học có thể phát hiện được một hố đen dạng này, thì hai Giáo sư Carr và Coley thừa nhận rằng vẫn không có cách nào xác định xem nó được hình thành trong vũ trụ ngày nay hay xuất hiện từ một thời kỳ trước đó.

Mở rộng ranh giới giả thuyết

Tiến sĩ Tamara Davis, nhà vật lý thiên văn và vũ trụ học lý thuyết tại Đại học Queensland, cho rằng công trình nghiên cứu này rất thú vị nhưng mang nặng tính suy luận.

Theo bà Tamara Davis, nghiên cứu này đã đẩy ranh giới của các giả thuyết hiện tại vượt xa những gì chúng có thể mô tả.

“Chúng ta biết rằng các giả thuyết của mình tan vỡ khi chúng ta tìm ra độ đặc và áp suất tồn tại gần vụ nổ Big Bang,” bà Davis nói. “Chúng ta không hiểu được hiện tượng vật lý xảy ra trong vụ va chạm này hoặc thậm chí liệu nó có xảy ra hay không. Đây chỉ là một trong những giả thuyết khả dĩ về sự hình thành vũ trụ và giả thuyết này rất mang tính suy luận”.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Davis, các giả thuyết dự đoán về những vụ va chạm vũ trụ cũng là cơ sở cho sự khác biệt trong các hằng số cơ bản của tự nhiên.

“Trọng lực, tốc độ ánh sáng hoặc cường độ điện tích có thể không giống nhau trong các vũ trụ khác nhau. Do vậy, nói rằng các hố đen từ một vũ trụ có thể tồn tại trong một vũ trụ khác càng mang tính suy luận hơn,” bà Davis nhận xét. “Mặc dù vậy, dạng nghiên cứu này rất quan trọng bởi nó mở rộng ranh giới của những giả thuyết hiện tại, giúp chúng ta tìm ra các điểm yếu trong nghiên cứu và có được bước tiến trong việc tìm cách giải quyết những điểm yếu ấy”.

Theo bayvut

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc