Home » Thế giới » Một người bị kết tội làm gián điệp chống Pháp Luân Công ở Đức

Bị kết án: gián điệp John Zhou và luật sư bào chữa Otto Schily rời tòa án sau khi Zhou bị kết án là có tội, ở Celle, Đức hôm 8 tháng 6. (Renate Lilge-Stodieck /The Epoch Times)

Lần đầu tiên một gián điệp Trung Quốc bị kết tội làm gián điệp chống những người tập Pháp Luân Công, một môn tập thiền và rèn luyện tinh thần mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thề sẽ đập tan hồi năm 1999. Bên có tội, John Zhou, bị kết án 2 năm tù treo hôm 8 tháng 6 cùng với một khoản phạt tiền lớn.

Zhou, 55 tuổi, một bác sĩ Trung Quốc, là một trong những người tập Pháp Luân Công đầu tiên ở Đức vào cuối những năm 1990. Zhou bắt đầu làm việc với các gián điệp Trung Quốc hơn 5 năm trước. Sau nhiều năm điều tra, các công tố viên đã đưa Zhou ra xét xử hôm 26 tháng 5 ở Tòa án Tối cao Bang Niedersachsen ở thành phố Celle.

Tòa án đã kết án 2 năm tù cho hưởng án treo và một khoản phạt tiền là 15 ngàn Euro trả cho nhóm nhân quyền Ân xá Quốc tế.

Việc Zhou muốn thăm người bố bị ốm năm 2005 ở Trung Quốc đã dẫn đến việc Zhou thiết lập mối liên hệ với Tang Wenjuan, trưởng bộ phận lãnh sự Sứ quán Trung Quốc ở Berlin và sau đó Zhou đã trở thành một gián điệp, theo các tài liệu của tòa án. Tang thực ra là một nhân viên của Bộ An ninh Quốc gia, một cơ quan gián điệp nội bộ, theo một bài báo tháng 5 năm 2010 trên tờ Der Spiegel. Trong cuộc gặp mặt này Zhou đã bày tỏ việc sẵn sàng giúp ĐCSTQ “giải quyết vấn đề Pháp Luân Công,” tài liệu của tòa cho thấy.

Nhiều tháng sau đó, vào tháng 3 năm 2006, Zhou được giới thiệu với ba gián điệp của “Phòng 610″ tại một khách sạn ở trung tâm Berlin. Phòng 610 là một lực lượng đặc nhiệm bí mật có quyền lực rộng khắp do ĐCSTQ thành lập để điều phối và thực hiện cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Phòng này cũng thực hiện việc làm gián điệp và quấy rối chống những người tập Pháp Luân Công ở nước ngoài, nhằm cố gắng giảm nhẹ ảnh hưởng của lời chỉ trích của họ đối với các vi phạm nhân quyền đối với những người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Pháp Luân Công là một môn tập thiền Trung Quốc có năm bài tập và những bài giảng đạo đức về lòng chân thành, lương thiện và khoan dung; môn tập đã trở thành mục tiêu của một cuộc đàn áp khổng lồ của ĐCSTQ ở Trung Quốc từ năm 1999, và sau đó cũng sớm trở thành một mục tiêu quan trọng của các nỗ lực gián điệp tại hải ngoại của chính quyền Trung Quốc.

Chen Yonglin, trước là một nhân viên của lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, Úc, có nhiệm vụ xử lý vấn đề Pháp Luân Công. Sau khi rời bỏ hàng ngũ vào tháng 6 năm 2005, Chen đã điều trần trước một ủy ban của Hạ viện Mỹ, “Cuộc chiến chống Pháp Luân Công là một trong những nhiệm vụ chính của cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại hải ngoại.” Chen đã liệt kê nhiều ví dụ trong đó lãnh sự quán tại Sydney cố gắng gây rối với và hạn chế những người tập Pháp Luân Công, bao gồm cả việc “theo dõi” nghiêm ngặt các hoạt động của Pháp Luân Công.

Trong lần gặp mặt đầu tiên với các gián điệp, có quyết định rằng Zhou sẽ báo cáo trực tiếp với một viên chức cao cấp của Phòng 610 có tên là Chen Bin. Kể từ đó, hai người này đã nói chuyện qua Skype nhiều lần mỗi tuần; trong phiên tòa Zhou nói rằng đó là vì họ có một mối quan hệ bạn bè thân thiết.

Tình bạn của Zhou với Chen cũng mở rộng ra thành việc Zhou thường xuyên chuyển cho Chen những lá thư điện tử của các học viên Pháp Luân Công, và vào năm 2009 Zhou đã tiến thêm một bước xa hơn nữa. Zhou đã lập một tài khoản thư điện tử để Chen truy cập, và dùng danh tiếng của mình là một người tập Pháp Luân Công được tin cậy để thêm hộp thư đó vào danh sách nhận thư của các học viên. Điều này có nghĩa là hàng ngàn thư điện tử của các học viên Pháp Luân Công ở Đức đã được tự động gửi đến hộp thư điện tử này, và Chen đọc được từ Thượng Hải, theo công tố viên.

Trong suốt quá trình truy tố, xét xử và kết án, Zhou luôn khẳng định rằng mình đã chuyển các thư điện tử để “gây ảnh hưởng” đối với cái nhìn về Pháp Luân Công của các quan chức Trung Quốc, nhằm giảm nhẹ cuộc đàn áp ở Trung Quốc.

Công tố viên đã phản đối điều này, nói rằng lý luận đó là “không thực tế” và thực sự lố bịch và rằng màu sắc của mối liên hệ của Zhou với Chen không phải là vì những nạn nhân của cuộc đàn áp. Ít nhất, công tố viên nói, đổi lại Zhou đã có được thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc trong khi các học viên Pháp Luân Công bình thường khác sẽ bị từ chối.

Ngoài việc chuyển các thư điện tử, Zhou còn thu thập những thông tin nội bộ về các vấn đề khác mà ĐCSTQ quan tâm, theo công tố viên. Zhou đã thông tin cho các gián điệp ở Trung Quốc về vụ kiện của Đài truyền hình NTDTV bất đồng quan điểm với ĐCSTQ đối với Eutelsat, một công ty vệ tinh của châu Âu từ chối dịch vụ đối với NTDTV, bị nghi là dưới sức ép của Trung Quốc; Zhou đã ghi lại về các cuộc họp của Nghị viện Châu Âu về vấn đề này; và cũng đã cung cấp thông tin về Zhang Danhong, một biên tập viên của Đài tiếng nói Đức, đang bị đình chỉ việc làm vì những bình luận ủng hộ chính quyền Trung Quốc.

Theo Manyan Ng, chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Công ở Đức, Zhou cũng đã rất nỗ lực để tìm ra mật khẩu để vào máy chủ thoại trực tuyến mà các học viên sử dụng để nói chuyện về những vấn đề nhạy cảm đối với chính quyền Trung Quốc. Zhou cũng cố gắng viết một bản báo cáo dài hơn 100 trang về “bộ máy tổ chức” của các học viên Pháp Luân Công ở Đức.

Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức BfV và văn phòng công tố liên bang đã theo dõi Zhou sau cuộc họp năm 2006. Họ đã phát hiện ra rằng một trong những người mà Zhou đã gặp hồi đó đã bay từ Thượng Hải để huấn luyện cho Zhou. Người này là trưởng Phòng 610 ở Thượng Hải và mang cấp hàm thứ trưởng.

BfV đã cảnh cáo Zhou không được làm việc cho tình báo Trung Quốc sau cuộc họp đầu tiên đó, và lại tiếp tục cảnh cáo vào tháng 10 năm 2009 và tháng 1 năm 2010. Vào tháng 4 năm 2010 Zhou đã bay đến Thượng Hải để gặp thượng cấp.

Đối với Ng, người phát ngôn của Pháp Luân Công, vụ việc này đã cho thấy mức độ của chiến dịch chống Pháp Luân Công của chế độ cộng sản Trung Quốc. “Để đàn áp Pháp Luân Công, họ đã sử dụng mọi biện pháp. Từ vụ việc này, bạn có thể thấy rằng họ đã sử dụng 1000 cách để đàn áp Pháp Luân Công và để bắt các học viên Pháp Luân Công.”

Những người tập Pháp Luân Công ở Đức đã bị sốc vì vụ này. “Ông ta có vẻ như là rất đáng tin cậy,” Elke Doelz từ Hildesheim nói trong một cuộc phỏng vấn. “Khi tôi nghe về các hoạt động gián điệp này, tôi đã rùng mình.” “Việc này đã cho thấy rõ mức độ của các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ ở nước ngoài.”

Một bản án tương đối nhẹ – Zhou sẽ không phải vào ngồi tù – khiến Ng hơi không vừa lòng. “Tôi không biết bản án nhẹ này có tốt cho nước Đức hay không. Ông ta không thể là gián điệp Trung Quốc duy nhất ở đây, cũng không thể là gián điệp duy nhất theo dõi Pháp Luân Công. Nếu bản án này nhẹ, liệu nó có răn đe được các gián điệp khác không?”

The Epoch Times

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc