Home » Chia sẻ, Nhịp sống trẻ » Sứt mẻ tình bạn vì bán hàng đa cấp
Chơi thân từ nhỏ, song từ khi biết Kiều tham gia bán hàng đa cấp, Nhung luôn đề phòng và tìm cách né tránh. “Thấy số điện thoại nó gọi là sợ, hôm thì bảo bị ốm hôm bảo đi công tác, tốt nhất là không nên gặp”, chị nói.

Những năm qua loại hình kinh doanh đa cấp nở rộ tại Việt Nam. Vì bị thuyết phục bởi lý lẽ kinh doanh không phải bỏ vốn, không bị ai quản lý lại có thu nhập từ chiết khấu hoa hồng cao, thỏa sức du lịch… nên loại hình này đã thu hút nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên mới ra trường hoặc đang có nhu cầu tìm việc làm thêm.

Đặc điểm của hình thức kinh doanh này đòi hỏi nhân viên phải tìm cách lôi kéo được thật nhiều người tham gia vào hệ thống của mình theo kiểu “tuyển được người mới có thu nhập”. Vì thế khi đã lỡ tham gia, hầu hết nhân viên luôn tìm cách tiếp cận người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Và khi gặp phải sự phản đối, không cộng tác thì hậu quả là tình thân bị rạn nứt.

Nội dung như thế này khiến nhiều bạn trẻ ngộ nhận xin vào
Một tờ đơn tuyển dụng kinh doanh đa cấp rất hấp dẫn với những điều kiện khá dễ dàng khiến nhiều bạn trẻ ngộ nhận. Ảnh: TA.

Nhung (sinh viên năm 2 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) kể, ngày nào cũng vậy từ sáng tới tối, Kiều luôn gọi điện rủ rê với những ngôn từ rất mượt mà, bóng bẩy như “đến đây tớ sẽ cho cậu gặp một doanh nhân rất thành đạt. Cậu sẽ được tham dự một buổi hội thảo mà ở đó sẽ giúp cậu thay đổi tư duy và thay đổi khả năng tài chính của mình”.

Mặc dù hồi còn ở quê, cha mẹ đã dặn phải đề phòng những “doanh nhân mạng” như thế, song Nhung vẫn không ngờ bạn mình lại dính vào mạng lưới này. “Ban đầu nghe Kiều kể, mình một phần vì ham học hỏi nên đã đến trụ sở một công ty trên đường Điện Biên Phủ, TP HCM, gặp các ‘doanh nhân thành đạt’ kia, sau đó lại đồng ý tham gia hội thảo giới thiệu sản phẩm. Nhưng từ khi biết đó là một công ty đa cấp, mình bắt đầu sợ nên lúc nào cũng tìm cách lẩn tránh”, Nhung nói.

Sinh viên này còn cho biết, mặc dù mới vào làm chưa có thu nhập nhưng Kiều đã phải bỏ ra 6 triệu đồng để qua Trung Quốc tham dự khóa huấn luyện nghiệp vụ. Trong khi bản thân Kiều không có tiền mà phải năn nỉ bạn bè cho mượn.

Còn Hùng, 23 tuổi (quê Đồng Nai), hai năm trước cũng tham gia bán hàng đa cấp theo lời giới thiệu của một người bạn chung lớp. Anh kể: “Nghe họ giảng giải nào là không tốn tiền kho bãi, không phải bỏ vốn lớn, không bị ai quản lý mà chỉ sau một năm sẽ có thu nhập vài chục triệu nên mình cũng ham”.

Công ty này tên là Hưng Thời Đại (trụ sở tại Đồng Nai). Để được nhận là nhân viên ở đây, anh phải bỏ ra 2 triệu đồng mua sản phẩm. Thế là Hùng cũng nhắm mắt gọi điện về xin bố mẹ và nói dối là để đóng học Anh văn. Cho đến khi bị phát hiện, Hùng đã bị gia đình lên tiếng phản đối kịch liệt, song anh vẫn khăng khăng làm.

“Mới đầu mình cúp học liên tục đi học nghiệp vụ mời người. Tháng đó cũng mời được vài bạn chịu tham gia hệ thống nhưng sau đó cả mình và bọn nó làm không được lại còn bị mọi người bảo là lừa đảo nữa. Thế là từ đó tụi bạn xa lánh mình luôn. Giờ nghĩ lại thấy dại quá”, Hùng bần thần kể.

Nhiều người đã bỏ công việc hiện tại, bỏ học để chạy theo những hứa hẹn. Ảnh: PN.

Hiện nay trên các trang mạng Internet cũng như tại một số tuyến đường ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương xuất hiện nhiều tờ rơi tuyển dụng dán kín trên các cột điện, tường rào hoặc trạm xe buýt. Nội dung trong đó ghi rõ cần tuyển nhân viên văn phòng hoặc quản lý với mức lương từ 2,4 đến 5 triệu một tháng mà điều kiện rất dễ đáp ứng khiến nhiều người “tưởng bở” xin vào. Hóa ra đó cũng chỉ là một hình thức tuyển của đa cấp.

Trung, 29 tuổi, nhân viên Công ty Mỹ phẩm Oriflame cũng thừa nhận, sau khi tận dụng hết các mối quan hệ thân thiết của mình, anh đã cùng với một số đồng nghiệp khác đi in những tờ thông báo tuyển dụng và dán trên đường để “câu” người. Trung bình mỗi ngày có từ 1 đến 4 người tìm đến gặp Trung để xin việc làm. Nhất là mấy tháng hè có hôm cả chục sinh viên gọi điện đến xin phỏng vấn.

Theo quan sát của VnExpress.net, một văn phòng làm việc của công ty trên đặt tại đường Thăng Long, Quận Tân Bình (TP HCM) được thiết kế khá đơn giản, chỉ gồm những chiếc bàn tư vấn, hình mẫu sản phẩm và tấm bảng sơ đồ trả thưởng loằng ngoằng. Trung cho biết, trụ sở này là do các nhân viên trong hệ thống tự bỏ tiền ra thuê mặt bằng và dùng làm nơi tuyển dụng.

Khi hướng dẫn người mới, các nhân viên ở đây không hề đề cập đến hai từ “đa cấp” mà thường dùng những từ có nghĩa tương đương như “bán hàng trực tiếp” hay “kinh doanh theo mạng”. Sau khi đồng ý với những điều kiện được giải thích qua loa theo kiểu “cứ làm rồi sẽ hiểu rõ hơn”, người được tuyển sẽ phải đóng phí 80.000 đến 100.000 đồng với lý do để lấy tài liệu học tập và catolog về nghiên cứu, song thực chất đây chính là số tiền cầm chân.

Trao đổi về loại hình kinh doanh này, một nhà phân phối cao cấp của công ty kinh doanh theo mạng có trụ sở tại TP HCM cho biết, bán hàng đa cấp chủ yếu dựa vào thủ thuật truyền miệng và thuyết phục. Đây là một hình thức kinh doanh khá mới mẻ ở Việt Nam và còn nhiều tranh cãi về phương thức trả thưởng cũng như những vấn đề về đạo đức kinh doanh, chất lượng sản phẩm…

Ông này cũng thừa nhận, trên thực tế, việc trả lương, thưởng cho nhà phân phối chủ yếu là do chính công ty tự đưa ra chứchưa có hành lang pháp lý nào quy định cụ thể. Và ngay cả những vấn đề về đạo đức kinh doanh hay việc cấm thổi phồng giá trị đích thực của sản phẩm cũng chưa có quy định nghiêm ngặt nên để bán được hàng, nhân viên nào cũng cho rằng sản phẩm của công ty mình là hay nhất, hiệu quả nhất, thậm chí còn được biết đến như “thần dược” chữa bách bệnh.

Từng gặp nhiều trường hợp bạn bè, người thân quay lưng lại với nhau sau khi bị “dụ” làm đa cấp không thành công, ông Đỗ Việt Cử, chuyên viên của Trung tâm tư vấn – hướng nghiệp – tâm lý – giáo dục trẻ (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho rằng, sở dĩ kinh doanh đa cấp hấp dẫn người ta là bởi những hứa hẹn “ảo” tưởng chừng rất dễ đạt được, song trên thực tế là rất khó.

Vì thế theo ông, mỗi người đều có quyền chọn cho mình công việc riêng, còn nếu rơi vào hoàn cảnh “tan đàn xẻ nghé” vì làm đa cấp thì việc trốn tránh cũng chỉ là một phản ứng thụ động. “Tốt nhất nên ngồi lại nói chuyện thẳng thắn và thống nhất ai có việc của người ấy và không đề cập đến vấn đề này khi gặp nhau, để khỏi mất lòng”, ông khuyên.

Ngô Thụy Ân

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc