Home » Thế giới » Tại sao Bạc Hy Lai đổ và Tập Cận Bình biến mất?
Nội tình phía sau sự biến mất của Tập Cận Bình trong 14 ngày

Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, người kế vị bất đắc dĩ cho Hồ Cẩm Đào ngày 29/09/2012. Photo: Feng Li/GettyImages/The Epoch Times

Tập Cận Bình dù đã được cơ cấu làm chủ tịch của ĐCSTQ trong nhiệm kỳ tới đã cố rút khỏi chức vụ đó vì ông ta sợ mình chỉ là con bài bất đắc dĩ của một cuộc đấu đá trong Đảng nhưng cuối cùng Tập Cận Bình cũng chấp nhận trước các lý lẽ từ các lão thành của Đảng.

Ngày 15 tháng Tám một nhóm 14 người đi thuyền từ Hong Kong tới nhóm đảo đang tranh chấp với Nhật Bản, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật gọi là Senkaku. Bảy người đổ bộ xuống đảo cắm cờ Trung Quốc và tuyên bố các đảo đó thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Những người đó ngay lập tức bị phía Nhật Bản bắt giữ.

Cuộc đổ bộ đó như một tia lửa xoẹt vào đám củi đã rất khô của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc khiến sự hận thù giữa hai dân tộc Nhật Bản và Trung Quốc bùng lên. Các cuộc biểu tình rầm rộ của Trung Quốc chống Nhật Bản đã nổ ra ở khắp các thành phố lớn. Trong số biểu ngữ biểu tình xuất hiện những câu: “Điếu Ngư là của Trung Quốc, Bạc Hy Lai là của nhân dân.”

Truyền thông Thế giới đều đưa tin về các cuộc biểu tình đó với ngầm ý cho rằng đó là sự thể hiện mới nhất của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn tấn chiếm Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông – ND). Nhưng các nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã cho The Epoch Times biết một câu chuyện khác.

Hồ Cẩm Đào, với tư cách đang là Chủ tịch ĐCSTQ, đã xem việc đổ bộ lên đảo như một lời tuyên chiến từ Chu Vĩnh Khang và phe cánh của Giang Trạch Dân nhằm chống lại bộ ba, bản thân Hồ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Tập Cận Bình – Chủ tịch tương lai của ĐCSTQ- và những người trung thành với họ.

Một cuộc gặp được tổ chức trong tháng Năm trước đó tại khách sạn Tĩnh Tâyn ở Bắc Kinh với mục đích dàn hòa. Gần 200 nhân vật cao cấp nhất của ĐCSTQ ngồi cùng với Hồ Cẩm Đào trong cuộc gặp đó đã đạt được một thỏa thuận cho cả hai phe.

Theo đó, Chu Vĩnh Khang và những thuộc hạ của ông ta sẽ được phép không còn dính líu tới vụ Bạc Hy Lai, nhưng thỏa thuận này không nói gì tới việc hạ bệ Bạc Hy Lai. Chu Vĩnh Khang cũng được đồng ý vẫn tại vị trước công luận cho đến Đại hội 18 nhưng sau đó sẽ phải rời khỏi mọi chức vụ sau Đại hội. Chu cũng đồng ý từ bỏ quyền bổ nhiệm người kế vị mình (trưởng Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) – một cơ quan của ĐCSTQ có quyền kiểm soát hầu hết mọi lực lượng thực thi pháp luật).

Nhóm bảo thủ của Đảng đồng ý ủng hộ một số cải cách chính trị có giới hạn, bao gồm cả dự án “bầu cử tự do ở cấp cao”, với thí điểm tại tỉnh Quảng Đông.

Mặc dù các cựu lãnh đạo Đảng đã tiếp tay để tạo ra buổi gặp dàn hòa đó nhưng cả hai phe đều có những thâm ý riêng.

Trong những tháng tiếp sau sự kiện đào tẩu bất thành của Vương Lập Quân vào Lãnh sự quán Mỹ (ngày 06/02/2012) Chu đã liên tục bị Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo chèn ép mạnh. Ông ta bị đặt dưới sự kiểm soát chặt và không còn có tiếng nói quyết định trong PLAC nữa. Những kẻ thân cận với Chu trong bộ máy đầy uy quyền đó cũng dần dần bị sa thả và đã có một nhất trí cải tổ cắt bớt quyền lực của PLAC.

Chu đã nhận ra rằng nếu không đồng ý với những thỏa thuận đó thì sẽ bị trừng phạt như Bạc Hy Lai.

Nhưng Hồ Cẩm Đào cũng biết các tội ác của Bạc Hy Lai dính tới quá nhiều quan chức của Đảng. Nếu tất cả các tội của Bạc bị đem ra truy tố thì sẽ có nguy cơ Đảng sẽ bị tan rã. Cuối cùng Hồ đã phải đồng ý với thỏa thuận tại Tĩnh Tây để cứu Đảng.

Cùng lúc đó, các tin tức về kinh tế của Trung Quốc lại rất tồi tệ. Trưởng ban tham mưu của Hội đồng Nhà nước trong một cuộc họp đã công bố các đầu tàu kinh tế Thượng Hải và tỉnh Chiết Giang không đạt được 7% tăng trưởng trong năm trước như đã được báo cáo. Nghĩa là thực tế nền kinh tế đã bị sụt giảm.

Nhiều công ty ở thành phố đã từng rất thành công về kinh tế Đôn Hoàng đã bị phá sản. Một số chính quyền địa phương còn không trả được lương. Các kinh tế gia còn đưa ra dự đoán về một cuộc “tiếp đất chấn động” của nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu có thể bất chợt rơi tự do.

Cả hai phe đều nhận ra khó khăn về kinh tế đang là đe dọa sống còn của Đảng nên cuối cùng cả hai đã đồng ý bắt tay nhau.

Thiết quân luật

Nhưng thỏa thuận đó vẫn không làm thay đổi được các khó khăn cho phe Giang. Chu Vĩnh Khang, Bộ trưởng Tuyên truyền Lý Trường Xuân và các thuộc hạ khác của phe Giang rất khó tránh được việc phải mất quyền.

Và nếu như Đảng lại được lãnh đạo bởi Tập thì rất có thể việc trấn áp Pháp Luân Công sẽ chấm dứt vì Tập không mặn mà lắm với chuyện đó. Mà một khi trấn áp dừng lại thì các áp lực đòi hỏi phải truy tố tội ác do phe Giang gây ra sẽ tăng lên rất khủng khiếp.

Trong khi đó hàng triệu người Trung Quốc đã bị tra tấn và bị tẩy não chỉ vì tập Pháp Luân Công. Trung tâm Thông tin Đại Pháp đã xác nhận có trên 3.500 người tập Pháp Luân Công đã bị hành hạ đến chết nhưng thừa nhận rằng con số thực tế có thể là hàng chục ngàn người và nhiều người khác bị thương nặng.

Theo một nghiên cứu thực hiện bởi cựu Bộ trưởng Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas, trong khoảng thời gian 2000-2005 có 42.000 người tập Pháp Luân Công có thể đã bị giết để lấy nội tạng. Luật sư Matas cho biết kể từ 2005 đến nay mỗi năm có khoảng 8000 người bị giết thêm để lấy nội tạng, như vậy con số tổng cộng bị giết hại là khoảng 100.000 người. Thảm họa đó đã tạo ra một thế hệ trẻ mồ côi, gây tan nát rất nhiều gia đình.

Phe Giang biết rằng để tránh không bị truy cứu thì chỉ có một cách là phải cố giữ bằng được quyền lực. Sau cuộc gặp Tĩnh Tây, các thủ lĩnh của phe này liên tục gặp nhau để bàn mưu tính kế.

Và phe Giang đã nhìn thấy một cơ hội tốt trong vấn đề tranh chấp nhóm đảo Điếu Ngư với Nhật Bản.

Trong cả mùa hè đã có rất nhiều tàu thuyền muốn đưa người Trung Quốc tới quần đảo đang tranh chấp với Nhật đã bị chính quyền Trung Quốc chặn lại. Nhưng ngày 15 tháng Tám cuộc đổ bộ lên đảo đã được tiến hành với sự chuẩn thuận của Trưởng đặc khu hành chính Hongkong Lương Chấn Anh. Chính Lương đã cùng với Sở Lao động Mặt trận Thống nhất (UFWD) sắp xếp để các tàu cá của Hong Kong xuất phát.

Lương là một đệ tử của Tăng Khánh Hồng-một kẻ thân cận từ lâu của Giang Trạch Dân. Còn Tăng, là cựu Ủy viên của Ủy ban thường trực Bộ chính trị và hiện đang nắm chức Chủ tịch Quốc hội, đã từ lâu nắm ảnh hưởng tới mọi chính sách đối với Hongkong.

Sở Lao động Mặt trận Thống nhất (UFWD) hiện đang giữ vai trò thiết lập quan hệ giữa các tổ chức còn chưa có liên đới với ĐCSTQ và phối hợp với họ để tấn công các đối thủ của ĐCSTQ. Cơ quan này cũng nắm giữ một hệ thống tình báo rộng lớn.

UFWD là tổ chức của Đảng duy nhất còn nằm dưới sự kiểm soát của phe Giang và do Đỗ Thanh Lâm, nhân vật trung thành với Giang, lãnh đạo.

UFWD đã sử dụng các cơ quan truyền thông Trung Quốc ở hải ngoại để khuấy động thêm tranh chấp về Điếu Ngư nhằm kích động tinh thần dân tộc và xúi giục hành động.

Phe Giang muốn sử dụng các cuộc biểu tình rầm rộ để ép Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình bằng cách đẩy Trung Quốc tới bờ vực chiến tranh với Nhật Bản rồi phe Giang sẽ kêu gọi chuẩn bị chiến tranh, gồm cả tình trạng thiết quân luật. Khi đó Đại hội 18 sẽ phải lùi lại và Chu Vĩnh Khang cùng với những bộ hạ khác sẽ được tiếp tục tại vị thêm một thời gian nữa.

Cuộc chiến thông tin đã gia tăng thêm nhiều sức mạnh cho phe Giang. Cuối tháng Tám, qua các đầu mối của UFWD, phe Giang đã tung ra một tin cho rằng Hồ Cẩm Đào sẽ từ bỏ việc kiểm soát quân đội sau Đại hội 18 để làm gia tăng cảm giác phe Hồ đang mất dần khả năng kiểm soát tình thế.

Bản thân Tăng Khánh Hồng cũng ngầm cho truyền một tin trong nội bộ là Đảng sẽ phải cần đến thiết quân luật để xử lý vụ tranh chấp đảo Điếu Ngư và các khủng hoảng kinh tế.

Các sự kiện xảy ra ở Hong Kong đã gây cho bộ ba Hồ, Ôn và Tập nhiều khó khăn.

Còn Lương Chấn Anh, sau khi nhậm chức vào ngày 30/06, đã tiến hành ngay việc khuyếch trương cho chương trình Giáo dục Quốc gia. Nhưng dân Hong Kong đã coi chương trình giáo dục đó là một kế hoạch nhằm tẩy não trẻ em nên đã liên tục biểu tình rầm rộ suốt mấy tuần để chống lại chương trình đó.

Nhưng sự thực thì việc khuyếch trương Giáo dục Quốc gia tại Hong Kong là nhằm khiêu khích dân Hong Kong để gây ra bất ổn, tăng thêm khó khăn cho Hồ và Ôn trước Đại hội Đảng.

Trong khi Cốc Khai Lai bị tuyên án treo vào ngày 20/08 vì tội sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood thì UFWD bắt tay vào việc dựng ra các thông tin trên toàn cầu nhằm bác bỏ tính chất pháp lý của phiên tòa xử Cốc Khai Lai và khiến cho mọi dự định kỷ luật Bạc Hy Lai trở nên mất tính chính nghĩa.

Thông tin được rỉ ra nói rằng bị cáo xuất hiện trước tòa không phải là Cốc Khai Lai mà là một người thế mạng. Câu chuyện cũng được dựng ra là phiên xử Cốc Khai Lai đã bị “cưỡng ép” bởi những đối thủ của Bạc và chỉ là một âm mưu nhằm hủy diệt Bạc thôi.

Một tin đồn khác cũng lan tỏa cho rằng Chu Vĩnh Khang sẽ giúp Bạc lật ngược tình thế và tổ chức một phiên tòa khác cho Cốc Khai Lai.

Nhiều websites tiếng Trung ở hải ngoại đã dẫn lời một trong những “trợ lý thân tín” của Chu cho biết vào ngày 03 tháng Chín rằng Chu Vĩnh Khang đã nói riêng với ông ta rất nhiều lần là Cốc Khai Lai không phải là người giết Heywood.

Và “trợ lý thân tín” đó cũng nói thêm chính Chu Vĩnh Khang đã vài lần tới thăm Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai trong mấy tháng gần đó. Có nguồn tin còn cho biết Chu Vĩnh Khang nói rằng Bạc vẫn tin tưởng là mọi chuyện sẽ sớm ổn thỏa và Bạc chắc chắn sẽ trở về một cách huy hoàng.

Phản công

Ngày 29 tháng Tám: chuyến bay số hiệu CA981 của hàng không Air China đã đột ngột bị buộc phải quay lại và hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay tại Bắc Kinh sau khi đã bay được 07 giờ đồng hồ trên lộ trình Bắc Kinh-New York.

Một nguồn tin cho The Epoch Times biết rằng một điệp viên nữ tên Ding, người đang làm việc cho UFWD, đã bị bắt ngay khi phi cơ đáp xuống Bắc Kinh và người ra lệnh buộc chuyến bay quay lại chính là Hồ Cẩm Đào.

Ngày 01 tháng Chín: ĐCSTQ công bố ba thay đổi nhân sự quan trọng trong cùng một ngày, một sự kiện rất bất thường.

Đỗ Thanh Lâm bất ngờ bị buộc về hưu rời khỏi vị trí giám đốc UFWD. Người được chỉ định thế Đỗ là Lệnh Kế Hoạch – tham mưu thân tín của Hồ Cẩm Đào và là người đã điều hành việc hạ bệ vây cánh Bạc Hy Lai. Còn Lật Chiến Thư, một đồng sự trung thành từ thời Đoàn Thanh niên Cộng sản của Hồ và được biết là gần gũi với Tập Cận Bình, thay Lệnh ở vị trí trưởng ban tham mưu của ĐCSTQ.

Ngày 05 tháng Chín: Xinhua (Tân Hoa Xã) đưa tin Vương Lập Quân sắp được đưa ra xét xử.

Ngày 09 tháng Chín: Lương thông báo chương trình Giáo dục Quốc gia tại Hong Kong đã bị rút lại.

Cũng vào ngày 05 tháng Chín Hồ Cẩm Đào ra lệnh cấm Lương Chấn Anh đi Nga để dự hội nghị APEC. Sự kiện này cho thấy ĐCSTQ không tin tưởng gì Lương và đã làm bẽ mặt trưởng đặc khu Hong Kong trước dư luận quốc tế. Động thái này đã đánh tín hiệu cho dân Hong Kong thấy rằng Lương đã không tuân theo mệnh lệnh của Hồ và Ôn.

Ngày 09 tháng Chín: Lương công bố kế hoạch Giáo dục Quốc gia bị rút khỏi Hong Kong.

Các hành động của phe Giang trước đó đã đẩy Tập Cận Bình và phe cánh của ông ta vào bước đường cùng.

Tập có thể đã nhận thấy rõ là nếu tình hình vẫn tiếp tục như thế thì có thể ông ta và phe cánh của mình sẽ cùng bị đánh từ cả trong lẫn ngoài Đảng. Không còn đường rút, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình buộc phải đấu lưng với nhau để phản công.

Cái lưng đau của Tập

Vào lúc Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình bắt đầu phản công lại phe cánh của Giang thì Tập đưa ra đề nghị là ông ta sẽ rút lui khỏi việc được đề cử kế vị chức chủ tịch Đảng.

Tại một cuộc họp Bộ chính trị vào cuối tháng Tám, Tập nói rằng ông ta chỉ muốn được là ủy viên trung ương Đảng và muốn được tham gia, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Đảng thôi. Phát biểu này đã gây choáng váng cho tất cả mọi người ở Trung Nam Hải (nơi đặt trụ sở đầu não của ĐCS và chính quyền Trung Quốc-ND) và bất cứ ai nếu biết được.

Ngày 04 tháng Chín: Tập hủy cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và biến mất dạng, khiến cả thế giới bắt đầu đoán già đoán non về điều chuyện gì đã xảy ra.

Nguyên ủy việc Tập được chọn vào chức chủ tịch đảng là do Tập là người có thể chấp nhận được đối với cả hai phe. Và không còn ai có thể thay được Tập và nếu Tập lại rút lui thì cả hai phe đều nghĩ ĐCSTQ sẽ sụp đổ ngay lập tức.

Các lão thành của Đảng phải nhảy vào cuộc và cố dàn hòa. Kiều Thạch, Lý Thụy Hoàn, Chu Dung Cơ và cả gia đình đầy quyền lực Diệp Kiếm Anh cùng can thiệp và đi đến một thống nhất cùng với việc bày tỏ ủng hộ cho Tập.

Trong 14 ngày Tập biến mất khỏi công luận cũng là lúc Đảng đạt được một đồng thuận mới: Đại hội 18 sẽ nhóm họp vào ngày 08 tháng Mười một; sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai coi như xong; Đảng sẽ loại bỏ một cách có hệ thống mọi di hại của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa và dần dần cũng sẽ loại bỏ Tư tưởng Mao và chủ nghĩa Marx-Lenin; và v.v.

Ngày 19 tháng Chín: Đổng Kiến Hoa, cựu trưởng đặc khu Hong Kong trả lời một cuộc phỏng vấn bất ngờ của CNN.

Đổng nói rằng Tập Cận Bình đã bị thương ở lưng khi bơi và vì thế ông ta đã không xuất hiện được trước công luận suốt hai tuần. Bên cạnh thông tin đó, Tung cũng đề cập một cách thường tình là dư luận nói chung vẫn cho rằng Ông Tập chắc chắn sẽ trở thành chủ tịch Đảng trong nhiệm kỳ tới.

Cái bóng của Bạc Hy Lai

Kể từ khi hạ bộ thân tín của Bạc Hy Lai và là phó thị trưởng kiêm giám đốc cảnh sát Vương Lập Quân trốn vào tòa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô ngày 06 tháng Hai, những lựa chọn về người lãnh đạo cho ĐCSTQ ngày càng trở nên khó khăn.

Việc phơi bày những tội ác do phe của Giang gây ra chắc chắn sẽ làm cho uy tín của Đảng bị tổn thương tới mức có thể làm Đảng mất khả năng lãnh đạo.

Nhưng nếu không bạch hóa những tội ác của phe Giang thì lại làm cho phe này vẫn duy trì được uy thế chính trị. Và phe Giang ý thức rất rõ rằng nếu mất hết quyền tất họ sẽ bị truy tố vì những tội ác dã man đã phạm. Phe này chỉ còn mỗi cách phải bám lấy quyền lực để tự bảo vệ mình.

Nhưng nếu phe Giang được để tiếp tục nắm quyền lực thì cũng có nghĩa mọi hy vọng cho cải cách sẽ tắt. Với sự bất mãn của công chúng đang ngùn ngụt dâng cao mỗi ngày thì không cải cách cũng đồng nghĩa với việc kết thúc Đảng.

Trong cuộc gặp tại khách sạn Tĩnh Tây hồi tháng Năm, Hồ Cẩm Đào đã cố mập mờ rằng: phe của Giang sẽ không bị trừng phạt để đổi lại cuộc đấu đá sẽ chấm dứt và bắt đầu cho cải cách chính trị.

Nhưng trong mùa hè vẫn thấy phe Giang cố gắng bám lấy quyền lực và đe dọa cả Hồ và Tập.

Trong hai tuần đầu tháng Chín, sau việc Tập muốn rút lui, Đảng đã quyết định tập trung giải quyết vụ Bạc Hy Lai. Nhưng một lo lắng lớn vẫn nổi lên là làm sao để cứu được Đảng.

Các phản ứng trước thông báo của Xinhua vào ngày 28 tháng Chín rằng Bạc sẽ bị xử chủ yếu vì tội tham nhũng đã cho thấy đồng thuận mới đạt được của Đảng rất mong manh.

Giới chức cấp tỉnh đã không tỏ ra “ủng hộ nhiệt tình cho Ủy ban Trung ương” như khi họ thấy Bạc bị loại khỏi Đảng Ủy tỉnh ở Trùng Khánh vào ngày 15 tháng Ba hay bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị vào ngày 10 tháng Tư.

Các tội trạng mà Bạc bị cáo buộc là rất phổ biến trong giới chức ĐCSTQ. Như vậy nhiều người khác cũng có thể bị truy tố như Bạc đang bị. Hơn nữa, chỉ truy tố về tham nhũng thì sẽ không thể kết thúc được sự nghiệp chính trị của Bạc. Cửa vẫn hoàn toàn để ngỏ cho Bạc quay lại.

Đồng thời việc truy tố Bạc nhưng không loại được phe cánh đã chống lưng cho Bạc thì rất có thể trong tương lai Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và cả Tập Cận Bình cũng sẽ bị cáo buộc vì đã “xử lý sai” vụ Bạc.

Sau Đại hội 18, nếu Tập Cận Bình vẫn thuộc về nhóm thiểu số và không đủ khả năng loại được các đối thủ chính trị của bản thân thì giới chức địa phương sẽ phải tự bảo vệ lấy thân bằng cách ngập ngừng bày tỏ trung thành với Tập Cận Bình.

Trong khi đó những đảng viên theo tư tưởng của Maoist vẫn còn quẩn quanh đâu đó. Trong các cuộc biểu tình chống Nhật rầm rộ vào trung tuần tháng Chín đã cho thấy điều này, khẩu hiệu “Bạc Hy Lai là của Nhân dân” vẫn được trưng ra mạnh mẽ.

Nếu logic tình thế đã buộc phe nhóm của Giang phải cố bám lấy quyền lực vì mục đích sống còn thì Tập Cận Bình có thể đã thấy sự tồn vong của ông ta sẽ phụ thuộc vào việc có đưa được các tội ác của phe Giang ra trước ánh sáng công lý hay không.

Lin Feng, The Epoch Times

Người dịch: Việt Hùng


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc