Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các ngân hàng lớn cũng như ngành quốc phòng và năng lượng của Nga, vài tiếng sau khi EU có động thái tương tự.
Các biện pháp mới là một phần của nỗ lực gia tăng áp lực lên Nga vì điều mà phương Tây gọi là hành động can thiệp quân sự của nước này tại Ukraine.
Động thái trên diễn ra bất chấp lệnh ngừng bắn tiếp tục được duy trì ở miền đông Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga đã lên án các lệnh trừng phạt mới, gọi đây là “một hành động thù địch khác, thể hiện lập trường đối đầu” của Hoa Kỳ.
“Tất nhiên, chúng tôi sẽ sớm có các biện pháp đáp trả,” thông cáo từ cơ quan này cho biết.
Các lệnh trừng phạt được công bố hôm 12/9 đồng nghĩa với việc Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, chỉ được huy động vốn với thời gian đáo hạn trong 30 ngày.
Rostec, một hãng chuyên về công nghệ, quốc phòng cũng như công nghệ cho ngành dầu khí của Nga, cũng bị ảnh hưởng.
“Hành động can thiệp quân sự trực tiếp cũng như nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm gây bất ổn tại Ukraine của Nga đã khiến chúng tôi cùng với các đồng minh ở EU gia tăng trừng phạt đối với nước này,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nói.
“Các biện pháp này cho thấy quyết tâm của cộng đồng quốc tế nhằm chống lại hành động xâm lấn của Nga”.
Cả EU và Hoa Kỳ đều cho biết các lệnh trừng phạt có thể được nới lỏng nếu tiến trình hòa bình đạt tiến triển.
‘Giải pháp bền vững’
Nato nói Nga vẫn còn khoảng 1.000 quân ở miền đông Ukraine và 20.000 quân ở gần khu vực biên giới.
Nga đã phủ nhận chi viện quân cho phe nổi dậy và khẳng định các binh sỹ Nga đang chiến đấu tại Ukraine là “tình nguyện quân”.
Ông Lew nói: “Nga cần phải hợp tác với Ukraine và các đối tác quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp bền vững cho xung đột hiện nay. Nếu điều đó xảy ra, các lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ”.
Hơn 100 quan chức cao cấp của Nga và thủ lĩnh ly khai ở Ukraine đã bị đưa vào danh sách đóng băng tài sản và cấm đi lại của Hoa Kỳ và EU.
Các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ cũng ngăn các tập đoàn năng lượng lớn của Nga – Gazprom, Lukoil, Rosneft, Surgutneftegaz và Transneft, được hỗ trợ về công nghệ thăm dò ngoài khơi và ở Bắc cực.
Rosneft trước đó đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU.
Sân bay ở Luhansk hiện đang bị quân ly khai thân Nga kiểm soát
Nga hiện đang có một kế hoạch thăm dò đầy tham vọng ở Bắc Cực. Các đối tác ở phương Tây bao gồm ExxonMobil và BP đã có các dự án nhiều tỷ đô ở Siberia.
Các lệnh trừng phạt mới từ EU cũng chặn dịch vụ xuất khẩu dầu mỏ và các công nghệ thăm dò dưới đáy biển.
Transneft cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Nga, bên cạnh Gazprom Neft, một đơn vị trực thuộc tập đoàn khổng lồ Gazprom.
Các hãng này cũng bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính. Đây được cho là một vấn đề lớn cho Rosneft, vốn trước đó đã đề nghị chính phủ cho vay 42 tỷ đôla.
Điện Kremlin cảnh báo
Tại EU và Hoa Kỳ, các ngân hàng nhà nước của Nga đã bị cấm huy động vốn với thời gian đáo hạn nhiều hơn 30 ngày.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các lệnh trừng phạt mới có thể sẽ ảnh hưởng đến lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
“Tôi thực sự không hiểu các lệnh trừng phạt mới nhất này là do đâu,” ông nói.
“Có lẽ ai đó đang không hài lòng vì một tiến trình hòa bình đang có tiến triển”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Moscow sẽ “đáp trả một cách bình tĩnh và thích đáng.”
Trước đó, một cố vấn của tổng thống Nga, ông Andrei Belousov, nói Moscow có thể hạn chế xe nhập khẩu từ EU, nhất là xe cũ, để trả đũa.
Theo BBC
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!