Home » Khám Phá, Khoa học » Vẻ mặt có thể ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta?
Bạn hay thù? (Mikhail Konini, CC BY)

Bạn hay thù? (Mikhail Konini, CC BY)

Đôi khi chúng ta phải đối mặt với nhiều quyết định quan trọng mang tính xã hội, như: Chúng ta nên bầu chọn ứng cử viên chính trị nào? Ta có thể tin tưởng trao tiền bạc cho ai đó hay không? Liệu một người nào đó có thực sự phạm tội? Những lúc ấy, chúng ta luôn mong muốn thực hiện theo lý trí trong khi chỉ dựa trên một số hữu hạn thông tin có liên quan. Hơn thế nữa, nhất là khi mỗi quyết định là một ván bài, thì chúng ta không thể không suy xét thận trọng.

Tuy nhiên, một nghiên cứu hiện vẫn đang tiến triển lại cho rằng: ngay cả những quyết định vô cùng quan trọng vẫn có thể chịu ảnh hưởng của một trong số những yếu tố nông cạn và dường như không chính đáng nhất: biểu hiện của nét mặt.

Khuôn mặt con người chắc chắn có khả năng truyền tải thông tin liên quan đến người ấy, như là: giới tính, độ tuổi, dân tộc, sức hấp dẫn, và trạng thái xúc cảm. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đánh giá của chúng ta về đặc điểm khuôn mặt của người khác vẫn chưa dừng lại tại đó. Chúng ta còn hình thành nhận định về nhiều nét bên trong, như là tài năng, trình độ, quan điểm chính trị, hoặc mức độ đáng tin cậy của người ấy.

Tiếp đó, những suy đoán này lại tác động đến quyết định của chúng ta đối với những người khác, chứ không còn chỉ là những lựa chọn nhỏ nhặt hàng ngày (ví dụ: liệu ta có nên ngồi cạnh anh chàng trông có vẻ lập dị trên xe bus này không, hay là tìm một chỗ ngồi khác?) Nhiều dẫn chứng đã chỉ ra rằng: nhiều nhận định xuất phát từ đặc điểm khuôn mặt đã ảnh hưởng tới các quyết định có ý nghĩa xã hội quan trọng.

Ảnh hưởng của khuôn mặt

Ví dụ, trong lĩnh vực chính trị, một nghiên cứu vượt ra khỏi phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng: những chính trị gia có khuôn mặt giúp họ trông-có-vẻ-tài-giỏi có khả năng thắng cử cao hơn những đối thủ có vẻ ngoài không-được-tài-giỏi-đến-thế (mặc dù họ đều ngang sức ngang tài ở tất cả các phương diện khác). Chúng tôi cũng phát hiện rằng, ít nhất ở Hoa Kỳ, thì những cử tri theo cánh hữu (có xu hướng lựa chọn Đảng Cộng hòa) có nhiều khả năng bầu cử cho ứng viên có-vẻ-mặt-cộng-hòa (theo quan niệm đã được hình thành), cho dù ứng cử viên đó thuộc Đảng Dân chủ. Điều này gây nhiều ngạc nhiên, bởi đảng phái chính trị của ứng viên luôn được thể hiện rõ ràng trên phiếu bầu cử.

 

Christopher Y. (Olivola et al/Trends in Cognitive Sciences) Cấp độ vẻ mặt thể hiện năng lực tăng dần

Christopher Y. (Olivola et al/Trends in Cognitive Sciences) Cấp độ vẻ mặt thể hiện năng lực tăng dần

 

Một điều thú vị nữa, đó là chúng ta không thể áp dụng kết quả nghiên cứu trên đối với các cử tri cánh tả: ứng cử viên có vẻ mặt dân chủ không làm họ có xu hướng bấu chọn cho người đó. Mặc dù vậy, cử tri theo cánh tả dễ lựa chọn ứng viên dựa trên việc thể hiện năng lực qua khuôn mặt.

Đối với những quyết định về tài chính, người ta lại dễ dàng tin tưởng những người có vẻ mặt đáng tin cậy. Đã có nhiều dẫn chứng về điều này trong thế giới thực tế của chúng ta. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây đã khám phá ra rằng: những cá nhân kêu gọi tài trợ trên trang web cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending site) dễ được chấp thuận hơn nếu như họ có vẻ ngoài đáng tin.

 

Christopher Y. (Olivola et al/Trends in Cognitive Sciences) Cấp độ vẻ mặt thể hiện mức đáng tin tăng dần

Christopher Y. (Olivola et al/Trends in Cognitive Sciences) Cấp độ vẻ mặt thể hiện mức đáng tin tăng dần

 

Nghiêm trọng hơn nữa, đã có nhiều bằng chứng cho thấy vẻ ngoài đáng tin cậy còn thực sự ảnh hưởng đến các lựa chọn đầu tư (chứ không còn chỉ là có quan hệ với nó). Chúng tôi đã tiến hành một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm bằng cách chỉnh sửa khuôn mặt để khiến họ trông đáng hoặc không đáng tin cậy. Những nghiên cứu này đã cho thấy rằng: vẻ mặt đáng tin cậy hơn sẽ làm tăng khả năng được người khác đầu tư, trong khi vẻ mặt ít tin cậy sẽ làm giảm lượng đầu tư. Thậm chí khi nhà đầu tư đã có thông tin về tiểu sử của người nhận (mức độ hành động đáng tin cậy trong quá khứu) thì khuynh hướng này vẫn không thay đổi.

Nhầm lẫn vẫn thường xảy ra

Những phát hiện nói trên đã cho thấy rằng, nhiều quyết định xã hội quan trọng bị ảnh hưởng bởi vẻ mặt bên ngoài. Sẽ không đem đến nhiều lo ngại nếu khuôn mặt của con người là cố định và là chỉ số đáng tin cậy cho thấy đặc điểm tính cách của người đó. Tuy nhiên, kết quả khảo sát từ bằng chứng lại chỉ ra rằng điều đó không đúng. Khi chúng ta suy đoán về các đặc điểm cụ thể (ví dụ như: một người nào đó có tiểu sử phạm tội hay không) dựa trên cấu trúc khuôn mặt, chúng ta đứng giữa sự may rủi và có thể hơn một chút.

Mức độ chính xác cũng giảm đáng kể khi chúng ta không thể dựa vào giới tính, dân tộc, hoặc độ tuổi để hỗ trợ việc đưa ra nhận định – nếu có thể, hãy tưởng tượng một cuộc bầu cử mà toàn bộ ứng cử viên là nam giới, da trắng, và ở độ tuổi trung niên. Điều tệ hơn là, tin tưởng vào vẻ bề ngoài sẽ khiến ta bỏ qua các nguồn thông tin khác, có giá trị hơn. Hơn nữa, nó còn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nhận định của chúng ta. Mặc dù vậy, điều gây tranh cãi nhất – đặc biệt đối với những người yêu thích thuật xem tướng – đó là một bài báo gần đây đã chỉ ra rằng: những bức ảnh khác nhau của cùng một người có thể đem lại các nhận định xã hội khác nhau. Điều này rõ ràng không nhất quán với quan điểm cho rằng con người có thể rút ra những nhận định đáng tin cậy từ hình thái khuôn mặt.

Tất cả những điều này đưa đến hai kết luận sau đây: Một là, phần lớn những quyết định xã hội quan trọng nhất của chúng ta lại bị ảnh hưởng từ vẻ mặt; Hai là, mặc dù nhiều người trong số chúng ta muốn tin, nhưng sự thật là chúng ta không đủ kỹ năng đưa ra nhận định về tính cách và đặc điểm của một người thông qua khuôn mặt người đó. Do đó, chúng ta cần tiến hành các bước, cả cá nhân và xã hội, để giảm thiểu tác dụng tiêu cực của “chủ nghĩa khuôn mặt”. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc cân nhắc kỹ lưỡng, sau khi đã đưa ra một nhận định về ai đó mà chỉ dựa hoàn toàn vào khuôn mặt của họ.

Christopher Olivola được tài trợ từ Viện Hàn lâm Anh quốc (The British Academy), Hiệp hội Hoàng gia Anh (Royal Society), và quỹ John Templeton Foundation. Bài báo này được công bố lần đầu trên The Conversation.

Nguồn:vietdaikynguyen.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc