Home » Khám Phá, Khoa học » Diệt vi khuẩn kháng thuốc bằng hạt nano

Tập đoàn IBM đang nghiên cứu công nghệ nano có thể dẫn đến bước đột phá trong liệu pháp diệt vi khuẩn kháng thuốc, nguyên nhân gây ra hàng trăm ngàn ca tử vong mỗi năm ở hầu hết các bệnh viện trên khắp thế giới.

Thuốc kháng sinh truyền thống có tác dụng ngăn chặn quá trình tái tạo vi khuẩn bằng cách can thiệp vào ADN của chúng. Nghiên cứu mới của IBM đã tạo ra các hạt cực nhỏ có thể tấn công và phá hủy thành tế bào của những vi khuẩn kháng thuốc “bướng bỉnh”. Tiến sĩ Jim Hedrick – nhà khoa học đứng đầu nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Almaden của IBM, cho biết: “Những hạt siêu nhỏ này có kích thước khoảng 200 nanometre, nhỏ hơn đường kính sợi tóc người khoảng 50 nghìn lần”.

Ảnh minh họa

Các hạt siêu nhỏ này được thiết kế thành những ion mang điện tích dương, trong khi đó thành tế bào vi khuẩn vốn mang điện tích âm. Hai nguồn điện tích trái dấu này tương tác với nhau một cách có lựa chọn. Khi các hạt siêu nhỏ tấn công thành tế bào vi khuẩn, thành tế bào bắt đầu kém ổn định và các hạt nhỏ này tiếp tục tạo ra những lỗ nhỏ trên thành tế bào. Khi đó các chất chứa trong tế bào tràn ra ngoài.

Phương pháp này có tác dụng diệt vi khuẩn khá hiệu quả, nhưng không ảnh hưởng tới các tế bào bình thường xung quanh. Các tế bào này không bị làm tiêu máu hay nhiễm độc. Chẳng hạn, tế bào hồng cầu cũng tích điện, nhưng những hạt polymer siêu nhỏ không tấn công chúng. Các hạt nano chỉ lựa chọn tấn công vi khuẩn. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp mới trên một nhóm động vật và kết quả cho thấy bộ phận chính yếu trong cơ thể không bị nhiễm độc từ các hạt siêu nhỏ mới được điều chế.

Hiện tại, tiến sĩ Jim Hedrick chưa thể khẳng định chắc chắn các hạt nano không tiếp tục tồn tại và tấn công các tế bào khác bởi thí nghiệm chưa được thực hiện với mô hình lớn hoặc thử nghiệm lâm sàng.

Tuy vậy, kết quả nghiên cứu này cho thấy đây có thể là một liệu pháp thay thế phù hợp để điều trị vi khuẩn kháng thuốc. Nhóm nghiên cứu hy vọng vào cuối năm 2011 có thể công bố một số liệu pháp tiếp theo được cho là hiệu quả hơn. Việc thử nghiệm công nghệ này ở người còn phải chờ đợi ít nhất 5 năm nữa.

Theo IBM/danviet
Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc