Home » Thế giới » Vì sao Nga – Bắc Triều Tiên xích lại gần nhau ?
Trung Quốc chưa hẳn là đồng minh duy nhất của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng muốn thoát dần vòng kềm tỏa của Bắc Kinh. Hồ sơ Ukraina làm cho quan hệ giữa Matxcơva với Hoa Kỳ và Phương Tây xuống cấp. Từ một năm nay, quan hệ Nga – Triều Tiên hâm nóng một cách nhanh chóng. Trên đây là những nhận định của Le Monde (số ra ngày 05/12/2014) trong bài viết đề tựa « Matxcơva và Bình Nhưỡng vội vã xích lại gần nhau ».
Tổng thống Putin tiếp Ngoại trưởng BTT Choe Ryong Hae tại Nga 18/11/2014 - REUTERS /KCNA

Tổng thống Putin tiếp Ngoại trưởng BTT Choe Ryong Hae tại Nga 18/11/2014 – REUTERS /KCNA

Theo đánh giá của Le Monde, Nga và Bắc Triều Tiên xích lại gần nhau không hẳn là không có những hệ quả quốc tế. Từ bấy lâu nay, hồ sơ Bắc Triều Tiên là một trong những hồ sơ hiếm hoi mà Hoa Kỳ và các đồng minh của mình có cùng chung quan điểm với điện Kremli. Nhưng dù có phản đối các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng cũng chưa chắc là Nga sẽ ủng hộ chính sách « cô lập » quốc gia khép kín nhất hành tinh này do Hoa Kỳ chủ xướng.

Tờ báo lưu ý vào thời điểm Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết theo đề xuất của Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản đưa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ra Tòa án Quốc tế về tội ác chống nhân loại, Ngoại trưởng Bắc Hàn – ông Choe Ryong-hae đang công du tại Nga và đã hội kiến Tổng thống Nga. Ngay sau buổi hội kiến, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã đánh giá Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc là « phản tác dụng ». Ông còn cho rằng các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc không nên trở thành một « công cụ pháp lý ».

Quan hệ song phương thắt chặt

Theo quan sát của tờ báo, Bắc Triều Tiên đang tìm cách thoát khỏi sự kềm tỏa của Trung Quốc và sự cô lập. Do 80% trao đổi mậu dịch của Bắc Hàn đều lệ thuộc vào anh láng giềng khổng lồ.

Dù luôn khẳng định tình hữu nghị không phai nhạt, nhưng giữa hai quốc gia vẫn có sự nghi kỵ lẫn nhau. Bắc Kinh tỏ ra khá bực bội về những tham vọng hạt nhân, các vụ thử tên lửa đạn đạo… của Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên cũng không tin tưởng vào người hàng xóm khổng lồ. Tập Cận Bình, kể từ khi lên nắm quyền, cho đến giờ cũng chưa một lần chính thức đến thăm Bình Nhưỡng mà đã thực hiện chuyến công du đến Seoul – người anh em thù địch của Bắc Triều Tiên vào tháng Bảy năm 2004.

Trong quá khứ, Bắc Triều Tiên được hưởng sự bảo trợ của hai người anh lớn Trung Quốc và Nga, để tiến hành một chính sách đối trọng mềm dẻo. Nhưng cục diện hiện nay đã thay đổi. Kể từ giờ Bình Nhưỡng tìm thấy ở Matxcova như là những đối tác biết lắng nghe hơn.

Về phần Nga, hồ sơ Ukraina đã làm cho quan hệ giữa Matxcova với Washington và Liên Hiệp Châu Âu ngày càng tồi tệ. Điện Kremly bắt đầu nhận thấy « tầm quan trọng chiến lược của Bắc Triều Tiên », theo như nhận định của giáo sư Park Byung-in, trường đại học Kyungnam tại Seoul.

Do bị chống đối ở phía Tây, nên Nga chuyển sang Đông và có thể sẽ sử dụng Bắc Triều Tiên như là một con át chủ bài làm đối trọng với Washington. Chính vì vậy, trong những tháng gần đây, Nga và Bắc Triều Tiên đã dồn dập ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, trong lúc Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đưa ra những lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.

Thật ra quan hệ Nga-Triều đã được hâm nóng vào đầu năm 2000, sau một thời gia lạnh nhạt kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã. Một hiệp ước hữu nghị, láng giềng tốt và hợp tác đã được ký kết vào tháng 02/2000 trong chuyến công du Bình Nhưỡng của ông Putin.

Tháng 08/2011, tại Oulan-Oude (Nga) Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) và cựu Tổng thống Nga Dimitri Medvedev đã đưa ra hai dự án lớn : đường ống dẫn khí đốt nối liền Nga với Hàn Quốc thông qua Bắc Triều Tiên và nối lại tuyến đường sắt giữa biên giới Nga với đặc khu kinh tế Rason.

Trong dự án thứ hai, cả hai bên mong muốn một ngày nào đó sẽ đấu nối tuyến hệ thống đường sắt Bắc-Nam vào tuyến xuyên Siberia (cho phép Nga rút ngắn nửa thời gian vận chuyển hàng hóa từ bán đảo Triều Tiên đến Châu Âu qua ngả kênh đào Suez). 

Thế nhưng, trước thái độ ngập ngừng của Seoul, dự án đường ống dẫn khí bị đình lại. Nhưng việc hồi phục 54 km tuyến đường sắt đã được hoàn tất vào tháng 09/2013. Điều này cho phép Nga sử dụng Rason như là một cảng conteneur nhằm hỗ trợ cho cảng Vladivostok đang trong tình trạng quá tải.

Quan hệ song phương giữa hai nước đã tăng mạnh trong năm 2014. Vào tháng Tư năm nay, Nga tuyên bố xóa 90% nợ cho Bắc Triều Tiên (tương đương với 10,9 tỷ đô-la được vay từ thời Xô viết). Cả hai bên cũng quyết định sử dụng đồng rúp trong trao đổi mậu dịch nhằm giúp Bắc Triều Tiên giảm lệ thuộc vào đồng đô-la. Tuy nhiên, mức trao đổi mậu dịch giữa hai bên cũng khá khiêm tốn (100 triệu đô-la trong năm 2013). Ước tính mức trao đổi có thể đạt 1 tỷ đô-la vào năm 2020.

Nga chưa đủ khả năng bảo hộ Bắc Triều Tiên

Trong năm 2013, xuất khẩu dầu Nga sang Bắc Triều Tiên tăng 58,5% so với năm 2012. Hiện Matxcơva dự tính hiện đại hóa 7.000km tuyến đường sắt Bắc Triều Tiên để đổi lấy quyền khai thác khoáng sản. Dù vậy, Nga cũng nhận thức được những khó khăn trong mối hợp tác này. Nhưng có thể Matxcova hy vọng sẽ đi trước một bước trước khi Bình Nhưỡng mở cửa cho các đối tác khác như (Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu), theo như nhận định của một chuyên gia Nga, trường Đại học Matxcova, trên trang mạng vĩ tuyến 38 Bắc.

Để kết luận, Le Monde trích dẫn lưu ý của ông Andrei Lankov, đại học Kookmin tại Seoul cho rằng, “Nga không có thiện chí cũng như là phương tiện để thay thế Trung Quốc làm người bảo hộ Bắc Triều Tiên. Nhưng sự xích lại gần đó không giải thích rõ một sự thay đổi mới khó hiểu trong ván cờ ngoại giao bị « chiến lược kiên nhẫn » của Hoa Kỳ chặn đứng nhắm vào Bắc Triều Tiên”.

Minh Anh

Theo rfi

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc