Các lãnh đạo địa phương nên là những người đầu tiên tiết lộ chi tiết về tài sản cá nhân – một thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Quảng Châu, Ngô Tường đã quát lên như vậy trong cuộc họp vào ngày 2/1, Nhật báo Quảng Châu đưa tin.
“Nếu chúng ta phải thúc đẩy một hệ thống công khai tài sản cá nhân của các quan chức nhà nước, các ông nên làm điều đó trước tiên”, ông Ngô hét lên, trong phiên “cầm mic tự do” mà các thành viên của CPPCC địa phương có thể phát biểu tự do.
Ông Ngô đã kêu gọi bí thư đảng uỷ thành phố, thị trưởng và thư ký ban thanh tra kỷ luật địa phương hãy thành thật về của cải cá nhân của mình.
CPPCC là một tổ chức tư vấn mà các thành viên có thể tự do phát biểu về các vấn đề đang tồn tại và bày tỏ ý kiến đến tổ chức chính trị cao nhất của Trung Quốc, Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc.
“Sự phản kháng từ nhiều cấp cán bộ khác nhau đã trì hoãn và làm cho cơ chế như vậy không có tiến triển. Nếu như các lãnh đạo cấp cao đi tiên phong dẫn đầu, điều đó sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ”, ông Ngô nói.
Không minh bạch
Đối lập với nước Mỹ, nơi mà luật pháp yêu cầu các quan chức nhà nước bắt buộc công khai tài sản cá nhân, Trung Quốc không có luật như vậy. Kể từ khi Hàn Đức Vân, luật sư và là đại diện của tỉnh Tứ Xuyên, lần đầu tiên đề đạt vấn đề này ở CPPCC toàn Trung Quốc vào năm 2006, thảo luận về công khai tài sản mới lại được nối lại.
Ngày 3/1, trong một bài ý kiến đăng bởi Peng Pai, một tờ báo trực tuyến mới do nhà nước thành lập, đã đưa ra hai giải thích cho sự thất bại trong việc thiết lập một cơ chế công khai tài sản của quan chức trong suốt những năm nay.
Một mặt, chiến lược phát triển quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị hỗn loạn nếu người dân bị kích động do thống kê về các vụ tham nhũng tăng lên do thực hiện công khai tài sản của quan chức, bài viết cho biết. Điều này sẽ ảnh hưởng đến “ổn định xã hội”, theo Peng Pai.
Mặt khác, không thực hiện công khai tài sản sẽ cho phép tham nhũng. Nếu không công khai, mọi người đều có thể dễ dàng di chuyển tài sản của mình. Trung Quốc không hề có một hệ thống tài chính đòi hỏi tên thật, hệ thống tín dụng cá nhân hay khả năng theo dõi hiệu quả việc dùng tiền mặt và rửa tiền, thuế quà tặng và thuế thừa kế, bài báo cho biết.
Đây chính là điều mà bất cứ nền văn minh nào cũng cần.
— Một cư dân mạng Trung Quốc cho hay
Các quan chức phản đối
Quảng Châu, nơi ông Ngô quát các quan chức địa phương, là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc. Là một tỉnh tương đối giàu có, Quảng Đông là nơi mà nhiều thử nghiệm cải cách diễn ra trong vài năm gần đây.
Những tranh cãi xung quanh việc công khai đã bắt đầu kể từ bài phát biểu vào tháng 11/2012 của Uông Dương, lúc đó là Bí thư đảng uỷ Quảng Đông (và bây giờ là Phó thủ tướng). Ông này ủng hộ quan điểm rằng các quan chức chính quyền cần phải công khai tài sản, nói rằng có nhiều cách khác nhau cần được nghiên cứu để đặt ra một hệ thống khai báo, tờ Caixin đưa tin.
Trong vòng chưa đầy một tháng, một chương trình thử nghiệm đã được đặt ra, tuy nhiên chỉ cho các quan chức trong hai hạt và hai khu vực. Kế hoạch có dự định sẽ được dần dần mở rộng trong phạm vi toàn tỉnh.
Tuy nhiên, chương trình này đã ngay lập tức gặp nhiều chỉ trích từ các quan chức trong Đảng, và dẫn đến sự phản kháng mà ông Ngô nhắc đến.
Tờ Nhật báo Nam Phương vào tháng 1/2013 đã dẫn lời của Diệp Bằng Trí, đại biểu Quảng Châu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân: “Các quan chức nên có quyền riêng tư, tương tự như quyền riêng tư giữa bác sĩ và bệnh nhân”.
“Liệu có luật nào quy định rằng người phục vụ quần chúng phải công khai tài sản của mình? Liệu các đại biểu tham gia Đại hội Đại biểu Nhân dân có kê khai tài sản? Quan chức là người, họ cần có sự riêng tư. Quan chức là người phục vụ quần chúng chứ không phải là nô lệ của nhân dân”, ông Diệp nói.
Tsai Ying, bí danh của một quan chức cấp trung ở tỉnh Quảng Đông, nói rằng có một số lỗ hổng trong mẫu kê khai tài sản.
“Chúng tôi biết rằng rất khó để điều tra tài sản thuộc về người thân. Các cấp trên của chúng tôi cũng không muốn tốn nhân lực vào việc điều tra tài sản của người thân của chúng tôi”, trang mạng tiếng Trung Sina dẫn lời cô Tsai vào tháng 4/2014.
“Cùng lắm thì sẽ có một vài kiểm tra ngẫu nhiên. Vì vậy thì tại sao không chuyển tài sản sang tên cho người thân?”, cô Tsai nói và cho hay rằng cô biết một vài quan chức đồng nhiệm đã làm như vậy.
Khi bình luận về bài viết của Peng Pai, các cư dân mạng đã bày tỏ sự đồng tình với việc các quan chức phải công khai tài sản, tuy nhiên với nhiều thận trọng và ngờ vực.
“Nó giống như là nghe thấy một ai đó đi xuống cầu thang nhưng không nhìn thấy người đó. Nếu không có gì chắc chắn, nó sẽ giống như là bắn súng hậu trường, kêu to, có khói nhưng không có đạn”, một người dùng internet có nickname “A dude from Nanjing“ (Anh chàng đến từ Nam Kinh) viết.
“Đây chính là điều mà bất cứ nền văn minh nào cũng cần. Các nước khác đều có và Trung Quốc cũng phải như vậy”, một người dùng internet với biệt danh “A Young Dutiful Citizen” (Công dân trẻ gương mẫu) bình luận.
Biên dịch: Vi Phong; Biên tập: Phan A
Theo daikynguyenvn
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!