Home » Khám Phá, Khoa học, Tiêu biểu sideshow » Nghiên cứu mới: Những người nhiều lòng tốt và vị tha có não bộ khác biệt
Sự vị tha, lòng trắc ẩn, và khả năng đánh giá các tình huống đạo đức phức tạp có ảnh hưởng không chỉ trên phương diện tư tưởng, mà còn trên cả phương diện sinh lý đối với bộ não.

nguoi giaPhải: (Ảnh: Szefei/iStock) Phông nền: (Ảnh: ChrisGorgio/iStock; chỉnh sửa bởi Đại Kỷ Nguyên)

Lượng chất xám gia tăng

Theo một nghiên cứu được xuất bản ngày 3/6 trên tạp chí PLOS ONE, những người có khả năng lý luận đạo đức cao hơn thường cho thấy lượng chất xám nhiều hơn ở các bộ phận não bộ liên hệ với hành vi xã hội, khả năng ra quyết định và xử lý mâu thuẫn,

Được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu tại trường Y Perelman và trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nghiên cứu này sử dụng các giai đoạn nhận thức đạo đức khác nhau được đưa ra bởi nhà tâm lý học người Mỹ Lawrence Kohlberg (1927-1987). Các đối tượng thí nghiệm, tổng cộng 67 người, sẽ được yêu cầu nhận định các vấn đề khó xử liên quan đến đạo đức như trợ tử (người bệnh tự tử với sự trợ giúp của bác sĩ để chấm dứt sự đau đớn từ một căn bệnh nan y), và chọn lựa mức độ liên quan giữa 12 luận điểm cho sẵn. Điều này giúp xác định xem mỗi đối tượng sẽ phù hợp với các giai đoạn nhận thức đạo đức nào của Kohlberg:

1. Tuân lệnh, tránh bị phạt
2. Động lực lợi ích cá nhân
3. Quy phạm xã hội (chàng trai tốt, cô gái ngoan…)
4. Tuân theo luật pháp
5. Giao kèo trong xã hội (khi luật pháp không đủ bao quát)
6. Nguyên lý đạo đức phổ quát

Một người đàn ông mua hoa và tặng cho các phụ nữ trên tàu (Ảnh: Internet)

Một người đàn ông mua hoa và tặng cho các phụ nữ trên tàu (Ảnh: Internet)

Sau đó họ được chụp cộng hưởng từ MRI để so sánh và đối chiếu thể tích chất xám trong não bộ.

“Cần phải có thêm các nghiên cứu khác để xác định xem những thay đổi này là nguyên nhân hay kết quả của các mức độ nhận thức đạo đức cao hơn”, Tiến sĩ Hengyi Rao nói trong một thông cáo báo chí. Ông là tác giả có thâm niên, phó giáo sư nghiên cứu bộ môn hình ảnh học thần kinh nhận thức tại trường Y Perelman.

Rèn luyện lòng vị tha giúp thay đổi các phản ứng thần kinh

Những người đã rèn luyện để trở nên vị tha hơn cho thấy những bộ phận não bộ liên hệ với sự đồng cảm và thấu hiểu người khác hoạt động mạnh hơn, cũng như các bộ phận có liên hệ đến việc điều hòa cảm xúc và các cảm xúc tích cực.

Nghiên cứu này đã được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Não bộ khỏe mạnh (Center for Investigating Healthy Minds) thuộc trường Đại học Wisconsin-Madison và được xuất bản ngày 21/5/2013 trên tạp chí Psychological Science.

nao
(Ảnh: Frikota/iStock)

Điểm chính yếu trong nghiên cứu này là xem xem những người lớn tuổi có thể rèn luyện để trở nên vị tha và bao dung hơn hay không. Các đối tượng tham gia được yêu cầu hồi tưởng lại một ký ức khi ai đó phải chịu đựng đau đớn, rồi tiến hành cầu nguyện cho họ được bình phục. Họ bắt đầu hình dung những người có mối quan hệ tốt, và sau đó đến những người có mâu thuẫn với bản thân họ. Điều này khiến họ trở nên vị tha và bao dung hơn với những người khác, dù là bạn hay thù.

Sau quá trình rèn luyện, các đối tượng sẽ được tiến hành chụp cộng hưởng từ khi họ quan sát các bức ảnh những người đang chịu đau đớn.

Các phản ứng thần kinh của họ trước cảnh tượng đau đớn đã thay đổi, phản ánh sự đồng cảm lớn hơn.

“Giống như tập tạ”, thông cáo báo chí trích lời Helen Weng, một sinh viên cao học ngành tâm lý học lâm sàng và tác giả chính của báo cáo. “Sử dụng phương pháp hệ thống này, chúng tôi đã phát hiện rằng con người có thể thực sự xây dựng được ‘dây thần kinh’ vị tha và phản ứng trước những đau khổ của người khác bằng sự quan tâm và mong muốn hỗ trợ”.

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Tác giả: Tara MacIsaac

Quý Khải biên dịch.

Theo daikynguyenvn.com

https://daikynguyenvn.com/khoa-hoc/nhung-nguoi-nhieu-long-tot-va-vi-tha-co-nao-bo-khac-biet.html


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc