Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Nỗi buồn mùa tựu trường
Hàng năm cứ vào mùa tự trường là phụ huynh lại vất vả tìm trường cũng như lo chạy học phí đóng con, đối với những gia đình nghèo khó đây là vấn nạn đeo đuổi hết năm này sang năm khác.
Những em học sinh được cha me cho đi chơi nhân dịp hè  RFA

Những em học sinh được cha me cho đi chơi nhân dịp hè
RFA

Nỗi khổ tâm của phụ huynh vào mùa tựu trường

Mùa tựu trường của con, đó cũng là mùa hạnh phúc, là niềm hân hoan của cha mẹ bởi có cha mẹ nào mà không rưng rưng hạnh phúc khi thấy con mình cắp sách tới trường. Nhất là với những phụ huynh có con vào độ tuổi mẫu giáo và cấp một, nhìn con mình tung tăng đến lớp, niềm vui có thể làm cha mẹ rơi nước mắt. Nhưng, niềm vui ấy đã bị phai mờ và xóa nhòa đi rất nhiều bởi vấn đề giáo dục hiện tại, từ chuyện tìm trường cho con đi học đến những tiêu cực trong ngành giáo dục đã biến mọi hạnh phúc của cha mẹ thành nỗi lo và tủi buồn khi con đến lớp.

Vì đâu nên nỗi?

Một phụ huynh tên Cương, sống tại Dĩ An, Bình Dương, buồn bã chia sẻ: Đời sống cũng bị ảnh hưởng vì đầu năm vào thì khốn đốn, chạy đôn chạy đáo vì tiền. Phải chạy đi hỏi người này người kia, mượn người này người kia, mượn anh em để có tiền cho con học.”

Theo ông Cương, sở dĩ niềm vui của một gia đình có con đến lớp bỗng chốc thành nỗi buồn và có chút gì đó mang bóng dáng của thân phận, của kiếp nghèo, của những ngày lao động chật vật và triền miên bởi vì cơ chế giáo dục và quản lý giáo dục hiện tại gây ra quá nhiều phiền toái cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Chỉ riêng việc tìm một trường mầm non cho con mình đi học không thôi đã làm cha mẹ lo sốt vó. Để có trường đạt tiêu chuẩn tốt và cha mẹ yên tâm cho con mình đến lớp thì phải bỏ ra quá nhiều tiền, chí ít cũng một triệu rưỡi đồng mỗi tháng ở những trường công lập. Nhưng với thân phận tạm trú, không có hộ khẩu thường trú, những cha mẹ thuộc giai cấp công nhân không tài nào đưa con đến những trường như mình mong muốn. Cơ hội duy nhất để con đến trường tốt chỉ còn ở các trường tư thục, mà trường tư thục thì mức phí học tập hằng tháng của một em bé có thể ngang với mức lương của người cha hoặc người mẹ làm công nhân.

Và người lao động không thể nhịn ăn, nhịn uống và sống lây lất để con mình học được trường tốt, chính vì vậy mà cơ hội cho người lao động, giới công nhân nghèo bao giờ cũng là những trường mầm non mà ở đó không bao giờ giúp cho họ quên được nỗi ám ảnh, lo sợ con cái mình bị hành hạ hoặc đối xử tệ vì mình quá nghèo. Người nghèo bao giờ cũng bị thiệt thòi từ trứng nước.

Ông Cương nói thêm rằng nếu như môi trường giáo dục tốt, đừng bị thực dụng và con người đối xử với nhau tử tế thì sẽ chẳng bao giờ có chuyện cha mẹ phải lo lắng khi đưa con đến lớp. Bởi dù sao đi nữa, mái trường cũng là mái ấm che chở tâm hồn trẻ thơ và là miền đất lành cho hạt mầm lương thiện và đạo đức của con người nảy nở, phát triển. Nhưng đó chỉ là ước mơ, mái trường hiện tại với đầy đủ sự khô khốc và lãnh cảm đã nhanh chóng làm cho tâm hồn trẻ con trở nên khô cằn, hiếu chiến và bất chấp. Đây là chuyện đáng lo nhất của bậc làm cha làm mẹ như ông Cương.

Trường hợp cho con vào học cấp một cũng chẳng mấy vui, một người cha khác tên Đại đã chia sẻ với chúng tôi rằng ông thật sự buồn khi nghĩ rằng tương lai con mình phải phó thác vào một nền giáo dục mà ở đó, nạn tham ô, hối lộ, thậm chí hối lộ bằng tình dục để thăng tiến và cấp trên bóc lột bên dưới cũng bằng tình dục sau khi đã thừa mứa vật chất, một nền giáo dục mà thừa sự tàn nhẫn và vô cảm nhưng lại thiếu trầm trọng đạo đức, lòng tự trọng, lòng yêu nước đích thực cũng như sự thông minh để giải trừ dốt nát.

Với một nền giáo dục quá thừa phong bì nhưng lại thiếu phong cách, quá thừa nhà quản lý, nhà tiến sĩ nhưng lại thiếu một nhà liêm sỉ. Điều đó quả thực đáng lo ngại đối với bậc làm cha làm mẹ luôn đau đáu về tương lai của con mình. Bởi nền giáo dục thừa phong bì mà thiếu phong cách là một nền giáo dục không thể dạy cho con người biết tự trọng. Một nền giáo dục thừa tất cả các loại học vị mà thiếu sự liêm sỉ thì trước sau gì hố sâu tội lỗi cũng hiện ra trước mắt.

Đối với ông Đại, một mùa tựu trường là một mùa lo âu. Mà hình như không riêng gì với ông Đại, hầu hết những bậc làm cha làm mẹ biết thương con, biết lo lắng cho con mình đều cảm thấy thấp thỏm, bất an và lo âu trước mùa tựu trường.

Chạy đua trường tốt và tiêu cực

Một người mẹ có con chuẩn bị học mẫu giáo, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Bây giờ học thì muốn cuối năm vào lớp một phải học trước lớp lá, lớp mầm. Mỗi tháng còn phải đưa cho cô giáo thêm năm chục ngàn, một trăm ngàn gì đó. Tốn nhiều mặt lắm, nhưng mà phải ráng chứ. Nhưng vì tương lai con mình phải ráng, nghèo thì nghèo cũng phải cho con học. Cũng ráng!”

Theo người mẹ này, hiện tại, việc chạy đua tìm trường tốt cho con đã đến hồi kết thúc. Nghĩa là cao trào chạy đua trường tốt đã diễn ra cách đây hơn một tháng và mọi trường đã nhận đủ hồ sơ. Những trẻ em độ tuổi mẫu giáo nếu không kịp xin vào trường tốt thì phải chấp nhận những trường có điều kiện không tốt, thậm chí cơ sở vật chất tồi tệ hoặc các trường mầm non tư thục.

Và mặc dù đến đầu tháng chín mới khai giảng nhưng việc bố trí lớp học cũng như chạy tìm trường cho con đã diễn ra từ những ngày đầu tháng bảy. Điều này khiến cho môi trường giáo dục trở thành một cái chợ đen lộn xộn với đầy đủ các mánh khóe để xin cho con học trường tốt, từ việc chạy chọt cho được hộ khẩu tạm thường trú thành phố (còn gọi là KT3) cho đến phong bì gởi cho hiệu trưởng các trường mầm non.

Thậm chí có nhiều trường hợp xin cho con học không được phải nhờ vả đến thế lực chính quyền, ví dụ như cha mẹ xin cho con học trường mầm non chất lượng cao của nhà nước không được thì phải tìm cách đút lót cho cán bộ địa phương ở đó, đặc biệt là bằng mọi giá phải đút lót cho chủ tịch phường, chủ tịch quận hoặc một ông nào đó to hơn. Để rồi nhờ ông này gửi gắm con mình vào trường học, để con mình được trường đó nhận vào học.

Mọi chuyện xin và cho chỗ để học cứ nháo nhào, loạn cào cào lên. Vô hình trung, ngay từ những ngày đầu học mầm non, các bé thơ đã phải gánh chịu áp lực xã hội nặng nề, từ tính tham nhũng cho đến sự toan tính, áp phe của người lớn. Với đà này, tương lai trẻ em Việt Nam, học sinh Việt Nam sẽ về đâu? Và nền giáo dục đầy rẫy sự ô nhiễm như vậy sẽ đẩy đất nước này trôi về đâu?

Câu hỏi đầu năm học như thế này không biết tự bao giờ đã thay thế cho câu hỏi của cha mẹ rằng: Con đến trường có vui không? Học được những gì? Một câu hỏi vốn rất quen thuộc ở một nền giáo dục tử tế.

Theo rfa

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc