Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu từ giới buôn lậu dầu mỏ, giúp IS có nguồn thu 10 triệu đô la mỗi tuần.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất từ USA Today thì giới chức Mỹ đã đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ và bác bỏ cáo buộc này.
Nga đưa ra bằng chứng cáo buôc Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu của IS
Thứ trưởng Quốc phòng Nga là Anatoly Antonov cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là bên mua lớn nhất từ dầu mỏ “bị trộm” ở Iraq và Syria.
“Theo thông tin hiện có, tầng lớp lãnh đạo chính trị cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm Tổng thống Erdogan và gia đình ông ta, có liên quan đến việc kinh doanh phi pháp này”, ông Antonov nói với các phóng viên tại Mátxcơva.
Theo Sputnik, Ngay từ khi hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Antalya, Tổng thống Vladimir Putin đã công bố với các nhà lãnh đạo thế giới những bức ảnh chụp đoàn xe ô tô chuyên chở dầu từ khu vực Syria mà IS kiểm soát đến Thổ Nhĩ Kỳ.
“Đoàn xe ấy trông giống như một đường ống dẫn dầu sống động. Và chúng ta có thể nhìn thấy từ trên không, đoàn xe ấy di chuyển như thế nào. Dòng xe ấy đi đến Thổ Nhĩ Kỳ suốt ngày suốt đêm”– ông Putin cho biết.
Nga nói rằng, hiện giờ họ mới chỉ trình bày “một phần bằng chứng” mà thôi.
Trước đó, hôm 30.11, Tổng thống Erdogan đã hứa sẽ từ chức nếu các cáo buộc về việc mua bán dầu mỏ với IS được chứng minh.
Quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ
Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn căng thẳng sau sự việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay Su-24 của Nga hôm 24.11.
Tổng thống Nga V.Putin cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc máy bay ở khu vực biên giới nước này với Syria để bảo vệ nguồn cung cấp dầu mỏ.
Theo một cuộc điều tra do The Guardian tiến hành năm 2012, trên đường đến Syria để chống chế độ Bashar al-Assad, các chiến binh thánh chiến đã sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ làm điểm quá cảnh. Điều đó khiến các nhà ngoại giao châu Âu rút ra kết luận rằng, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ có cảm tình với Hồi giáo cực đoan.
Theo tờ báo này, các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết những hợp đồng béo bở với giới buôn lậu dầu mỏ từ IS, bổ sung ít nhất 10 triệu USD hàng tuần vào “ngân sách” cho những kẻ khủng bố.
Vài ngày sau khi lực lượng không quân Nga bắt đầu ném bom các cơ sở dầu mỏ và các đoàn xe IS chở dầu lậu từ lãnh thổ Syria sang các nước khác, kể cả sang Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay ném bom Su-24 của Nga đã bị bắn hạ.
“Tất nhiên, khó có thể xảy ra một trùng hợp ngẫu nhiên, và sau đó Thổ Nhĩ Kỳ – nước láng giềng của chúng tôi bắt đầu hành xử khá lo lắng, nếu nói một cách nhẹ nhàng nhất”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết.
Ông Idris Baluken, Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đối lập tuyên bố rằng cuộc tấn công máy bay quân sự của Nga từ phía không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã được trù tính từ trước và thúc đẩy bởi nguyện vọng của ông Erdogan muốn can thiệp vào chiến dịch không quân Nga chống khủng bố ở Syria.
Thành viên đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Ali Ediboglu cũng nói rằng “IS thu được từ xuất khẩu dầu 800 triệu USD/năm và dùng khoản tiền đó để mua vũ khí”.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ Tổng biên tập báo Cumhuriyet (Cộng hòa) là Jan Dundar và nhà báo Erdem Gul vì tội tiết lộ bí mật các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí cho những kẻ khủng bố thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo”.
Sau đó, các nhà chức trách khởi tố ba quan chức quân đội cao cấp: Tướng Ibrahim Aydin, đại tá về hưu Burhanettin Dzhihangiroglu và tướng Hamza Dzhelepoglu, những người đã bắt giữ xe tải chở vũ khí hồi tháng 1/2014.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố rằng việc máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Su-24 của Nga đã chứng minh với thế giới rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ những kẻ khủng bố, và khuyến cáo Washington xác minh thông tin con trai của Tổng thống Erdogan là Bilial tham gia buôn lậu dầu với IS.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cũng tuyên bố rằng Moscow có thông tin về việc con trai của ông Erdogan dính líu với hoạt động kinh doanh dầu.
Trên mạng Internet xuất hiện đoạn video, trong đó thủ lĩnh nhóm khủng bố “Sói Xám” là Alpaslan Celik, con trai cựu thị trưởng một thành phố Thổ Nhĩ Kỳ đã khoe khoang rằng hắn tham gia vụ bắn chết phi công Su-24 của Nga.
Ayhan Bilge, phát ngôn viên của đảng Dân tộc dân chủ cho biết, nhóm “Sói Xám” hoạt động với tư cách là “lực lượng bạo lực” thuộc đảng Phong trào Dân tộc ủng hộ chế độ Tổng thống Erdogan.
Phản ứng từ phía Mỹ
Mỹ trước đó cũng cho biết có thông tin về “những kẻ trung gian” buôn bán dầu với IS ở Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên bác bỏ cáo buộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông đồng làm ăn với khủng bố.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner hôm thứ Tư (2/12) nói rằng “không có sự thông đồng từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và hoạt động mua bán dầu bất hợp pháp từ IS”. Ông nói thêm: “Chúng tôi hoàn toàn không tin đó là sự thật.”
Đại tá Steve Warren, người phát ngôn của liên quân chống khủng bố tại Baghdad (Iraq) cũng nói: “Người Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác tuyệt vời trong cuộc chiến chống phiến quân IS”.
Trước đó, Mỹ cũng đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ khi phát biểu rằng các thông tin của họ chỉ ra chiếc chiến cơ Su-24 của Nga quả thực đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và tảng lờ cảnh báo.
Hôm 24/11, không lực Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga, châm ngòi cho một chuỗi căng thẳng giữa hai nước.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói nếu Nga thực sự lo ngại về việc tài trợ bất chính cho IS thì họ nên nêu vấn đề đó với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hôm thứ Ba (1/12), Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt tranh cãi và xuống thang căng thẳng giữa hai bên.
Tuần trước, Washington cáo buộc chính phủ Syria mua dầu của IS và đã áp trừng phạt lên một doanh nhân mang 2 quốc tịch Syria-Nga, người họ cho rằng là trung gian mua bán giữa IS và chính phủ ông al-Assad.
Nga tuyên bố tham chiến ở Syria theo lời mời của Tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh thân cận của Nga. Mỹ và phương Tây nhiều lần cáo buộc hỏa lực của Nga rơi xuống đầu không chỉ IS mà cả các quân dân nổi dậy chống chỉnh phủ.
Trong một sự kiện riêng rẽ, theo CNN, Tổng thống Mỹ Obama hôm thứ Ba (1/12) đã cảnh báo người đồng cấp Putin về sự can thiệp của Nga vào nội chiến Syria. Ông nói rằng, “Với ký ức về cuộc chiến Afghanistan còn nguyên vẹn, ông Putin sẽ hiểu rằng việc sa lầy vào một cuộc xung đột nội chiến đang tê liệt và không biết bao giờ kết thúc không phải là một kết quả mà ông ta mong muốn”. Mỹ và Nga vẫn bất đồng về việc giải quyết xung đột ở Syria, trong đó Mỹ quả quyết rằng Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi thì tiến trình hòa bình mới có thể khởi động.
Tổng hợp từ daikynguyenvn.com, VOV, laodong
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!