Home » Kinh doanh » Giá dầu giảm đến mức thấp nhất trong 7 năm qua
Giá dầu giảm đến mức có lúc còn 37,5 USD một thùng, đây cũng là mức thấp kỷ lục trong 7 năm qua do nguồn cung thế giới quá cao so với cầu.
khai-thac-dau

Một hệ thống khai thác dầu ở Texas, Mỹ – Ảnh: Getty Images

Chốt phiên hôm qua, giá dầu WTI xuống 37,65 USD một thùng. Giá dầu này có lúc mất 6%, xuống 37,5 USD một thùng – thấp nhất từ tháng 2/2009.

Trong khi đó, trên sàn ICE London, giá dầu Brent cũng mất 2,27% xuống 40,73 USD một thùng. Trong phiên, có lúc giá xuống đáy gần 7 năm tại 40,6 USD.

Giá dầu giảm mạnh chủ yếu do khối OPEC quyết định không giảm sản lượng khai thác. Giới phân tích nhận định các nước OPEC, đặc biệt là Saudi Arabia, chấp nhận mức giá thấp vì quyết tâm “tiêu diệt” mối đe dọa cạnh tranh từ ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược của OPEC đang có hiệu quả. Hàng loạt nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đang rơi vào cảnh nợ nần do giá dầu quá thấp. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo từ đầu năm 2016, sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ sẽ sụt giảm rất mạnh.

Ước tính hiện nguồn cung dầu khí toàn cầu cao hơn 2 triệu thùng/ngày so với nhu cầu tiêu thụ. Mới đây ông Patrick Pouyanne, người đứng đầu tập đoàn dầu khí Pháp Total, dự báo giá dầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong cả năm 2016.

Các chuyên gia ngân hàng Goldman Sachs cũng có nhận định tương tự. Thậm chí một số nhà phân tích cho rằng có thể giá dầu sẽ tụt xuống ngưỡng gần 20 USD/thùng.

Giá dầu giảm kéo giá cổ phiếu của hàng loạt công ty năng lượng ở cả châu Á, châu Âu và Mỹ sụt giảm nặng nề. Cộng với thông tin xuất nhập khẩu của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tiếp tục suy yếu, thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua một ngày giao dịch đầy ảm đạm.

Nhóm công ty năng lượng cũng là yếu tố chính kéo Dow Jones giảm điểm hôm qua, CNN cho biết.

Giá dầu đi xuống sau phiên họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thứ 6 tuần trước. Theo đó, họ quyết định không giảm sản lượng đang ở mức kỷ lục để giữ nguyên thị phần, bất chấp dư cung.

OPEC đang bị chia rẽ bởi 2 luồng ý kiến. Một nhóm các quốc gia xuất khẩu hàng đầu gồm Ảrập Xêút và các nước đồng minh giàu có tại Vùng Vịnh cho rằng có thể chịu đựng giá dầu rẻ. Nhóm khác, gồm Nigeria, Venezuela và các nước còn lại cần giá cao để thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, khi Ảrập Xêút còn có tiếng nói lớn trong việc ra quyết định, khả năng hồi phục của dầu trong ngắn hạn là rất khó.

Ở Nhật, chỉ số chứng khoán Nikkei hạ 1% xuống 19.492,60 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số chứng khoán Hong Kong Hang Sen hạ 1,8% xuống còn 21.813,83 điểm, chỉ số chứng khoán Thượng Hải lao dốc 1,9% xuống còn 3.470,07 điểm. Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ngoài Nhật) giảm 1,5%.

Dư cung đã quét sạch hai phần ba giá dầu so với thời đỉnh cao (108 USD) hồi tháng 6 năm ngoái. Giá lao dốc do sự bùng nổ dầu đá phiến khiến nguồn cung ngập thị trường và Mỹ cũng dần lấy được thị phần từ OPEC.

Sản xuất dầu tại Mỹ vẫn gần mức kỷ lục, dù đã giảm nhẹ vài tháng qua. Goldman Sachs gần đây dự báo sản lượng của Mỹ sẽ chỉ giảm 65.000 thùng mỗi ngày năm tới, do số giàn khoan ít đi.

Các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi kết quả từ cuộc họp tăng lãi suất của FED, cũng như các số liệu về kinh tế Trung Quốc để định hướng thị trường. Lãi suất tăng sẽ đẩy đồng đôla Mỹ tăng giá hơn khiến những tài sản được định giá bằng đồng tiền này trong đó có dầu mỏ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư.

Tổng hợp từ tuoitre, vnexpress, phapluattp

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc