Home » Thế giới » Rào cản ngăn quân đội Trung Quốc cạnh tranh với Nga, Mỹ
Những thành công lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng chỉ là sự lắp ghép, pha trộn các hệ thống và thành phần sẵn có với hy vọng chế tạo ra các vũ khí uy lực hơn. Trên thực tế, mức độ lạc hậu của công nghiệp quốc phòng TQ lên tới nửa thế hệ.
Với những công nghệ quân sự hiện nay chủ yếu là hàng nhái của Nga và phương Tây, Trung Quốc khó có thể chiếm ưu thế về vũ khí với đối thủ trong các cuộc xung đột.
rao-can-ngan-quan-doi-trung-quoc-canh-tranh-voi-nga-my

Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc. Ảnh: Sinodefense

Trong hơn ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư nhiều tiền của để xây dựng một lực lượng quân sự ngày càng hiện đại, có thể cạnh tranh với các cường quốc như Nga, Mỹ. Tuy nhiên, những rào cản lớn về công nghệ vũ khí, kỹ thuật quốc phòng đã khiến cỗ máy quân sự nước này bị tụt hậu và khó có khả năng đương đầu với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong trường hợp nổ ra xung đột, theo Reuters.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng thừa nhận “có một khoảng cách nhất định” giữa công nghệ quân sự Trung Quốc với một số quốc gia phát triển, và nước này sẽ tiếp tục đầu tư ngân sách để thu hẹp khoảng cách đó.

Robert Farley, chuyên gia nghiên cứu về học thuyết quân sự, an ninh quốc gia tại Trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson, cho rằng Trung Quốc phải phụ thuộc rất lớn vào công nghệ quân sự nước ngoài, dù họ đã có tiến bộ lớn trong hai thập kỷ qua.

Theo Farley, đa phần công nghệ quân sự hiện đại của Trung Quốc hiện nay là mua lại hoặc sao chép không hoàn chỉnh từ các nhà sản xuất nước ngoài. Tàu sân bay Liêu Ninh là một chiến hạm cũ của Liên Xô được cải hoán, còn tàu sân bay tự đóng đầu tiên của nước này không sở hữu nhiều công nghệ đột phá so với tàu Liêu Ninh.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 là sự “xào xáo” giữa tên lửa S-300P của Nga và MIM-104 Patriot của Mỹ; các tàu ngầm Trung Quốc dựa trên một loạt công nghệ khác nhau của Liên Xô. Tương tự, các tàu chiến mặt nước của nước này cũng sử dụng một loạt các công nghệ sao chép hoặc phát triển dựa trên các mẫu thiết kế của Nga và phương Tây.

Trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, tiêm kích J-10 khá giống với máy bay Lavi của Israel, trong khi J-11, J-15, J-16 và JF-17 rõ ràng là bản sao hoặc biến thể từ các máy bay cũ của Liên Xô.

rao-can-ngan-quan-doi-trung-quoc-canh-tranh-voi-nga-my-1

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 được cho là sự pha trộn giữa S-300P của Nga và MIM-104 Patriot của Mỹ. Ảnh: Military.com

Tóm lại, Farley cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc phụ thuộc lớn vào công nghệ của Nga và phương Tây, thậm chí là lạc hậu khoảng nửa thế hệ. Những thành công lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng chỉ sự lắp ghép, pha trộn các hệ thống và thành phần sẵn có với hy vọng chế tạo ra các vũ khí uy lực hơn. Các lửa đạn đạo và tên lửa hành trình đáng gờm của Trung Quốc mới được trình làng gần đây là minh chứng cho cách tiếp cận này, theo Farley.

Công nghệ động cơ tụt hậu

Điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc nằm ở công nghệ động cơ. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc của phương Tây khiến Trung Quốc không thể mua được các động cơ tân tiến sử dụng cho mục đích quân sự, buộc nước này phải dựa vào các mẫu thiết kế trong nước hoặc mua động cơ đời cũ mà Nga đồng ý bán.

“Các công ty sản xuất động cơ của Trung Quốc đang gặp phải một loạt vấn đề”, Michael Raska, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng tại Trường nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, Singapore, nhận định.

Farley cũng đồng tình với ý kiến này, khi cho rằng công nghệ động cơ của Trung Quốc tụt hậu so với các công ty công nghệ của Mỹ như Pratt & Whitney, General Electric và Rolls-Royce, Douglas Barrie.

Tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Trung Quốc như J-20 và J-31 không thể bay hành trình ở tốc độ siêu thanh như các đối thủ F-22 và F-35 của Mỹ nếu không sử dụng buồng đốt phụ, theo hai nguồn tin công nghiệp chuyên theo dõi các chương trình quân sự của Bắc Kinh.

Nếu sử dụng buồng đốt phụ để đạt vận tốc siêu thanh, các chiến đấu cơ này sẽ đánh mất tính năng tàng hình, khiến nó dễ bị radar phát hiện. Ngay cả động cơ máy bay chiến đấu được cho là tốt nhất của Trung Quốc cũng phát sinh các vấn đề về độ tin cậy, theo các nguồn tin giấu tên củaReuters.

Theo Dave Majumdar, chuyên gia phân tích quốc phòng của National Interest, sự yếu kém trong công nghệ động cơ cũng là nguyên nhân khiến Bắc Kinh chưa thể phát triển một loại oanh tạc cơ mới, dù nước này đã cho ra đời các tiêm kích tàng hình, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mới. Đến nay không quân Trung Quốc vẫn phải dựa vào oanh tạc cơ nâng cấp Xian H-6K, một biến thể từ oanh tạc cơ Tu-16 đời cũ của Liên Xô, để mang theo các tên lửa hành trình tấn công tầm xa.

rao-can-ngan-quan-doi-trung-quoc-canh-tranh-voi-nga-my-2

Oanh tạc cơ Xian H-6K của không quân Trung Quốc. Ảnh: Sinodefense

Sau nhiều năm nghiên cứu, Trung Quốc vẫn không thể phát triển nổi một động cơ phản lực đáng tin cậy để sẵn sàng sản xuất hàng loạt. Đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng công nghệ động cơ của nước này vẫn chưa phải là tốt nhất.

Động cơ máy bay chiến đấu tốt nhất của nước này là WS-10A Taihang, do Viện nghiên cứu động cơ hàng không Shenyang, một công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), sản xuất. Động cơ này đã được tích hợp cho các tiêm kích thế hệ 4 J-10 và J-11, nhưng không tạo ra lực đẩy mạnh cần thiết và phải sửa chữa thường xuyên.

Điều này sẽ khiến các chiến đấu cơ của Trung Quốc gặp bất lợi khi đối đầu với các tiêm kích của Mỹ và Nhật Bản trong trường hợp nổ ra xung đột ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, theo các nguồn tin công nghiệp và các chuyên gia an ninh. Lúc đó, Trung Quốc sẽ phải dựa vào số lượng chiến đấu cơ và tên lửa phóng từ tàu chiến hoặc mặt đất để bù cho chất lượng vũ khí.

Để khắc phục, Trung Quốc đã coi việc phát triển động cơ máy bay chiến đấu là một ưu tiên trong những năm gần đây. Nhóm Gelleon chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn cho ngành hàng không vũ trụ ở Thượng Hải, ước tính Bắc Kinh sẽ dành 300 tỷ USD trong vòng 20 năm tới cho các chương trình động cơ máy bay dân sự và quân sự, với hy vọng sản xuất được loại động cơ đáng tin cậy cho chiến đấu cơ và oanh tạc cơ.

Theo Vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc