Home » Thế giới » Khoảnh khắc trụ sở tình báo Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công

Hình ảnh mới xuất hiện cho thấy cuộc tấn công của trực thăng nhằm vào trụ sở tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Ankara, trong đảo chính bất thành cuối tuần trước.

Những khoảnh khắc nghẹt thở trong đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Nửa đêm 15/7, hơn hai giờ trôi qua kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính, 9 bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tập hợp trong một phòng họp. Với họ, dường như mọi chuyện đã kết thúc.

nhung-khoanh-khac-nghet-tho-trong-dao-chinh-o-tho-nhi-ky

Người biểu tình đỗ ôtô để chặn một chiếc xe tăng trên đường phố Ankara tối 15/7. Ảnh: AFP

Nửa đêm 15/7, hơn hai giờ trôi qua kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính, 9 bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tập hợp trong một phòng họp. Với họ, dường như mọi chuyện đã kết thúc.

“Đối phương có thể thành công và chúng ta đêm nay sẽ bỏ mạng”, một bộ trưởng nói, theo Guardian. “Hãy sẵn sàng để chết. Chúng ta sẽ hy sinh vì nghĩa lớn”.

Vị bộ trưởng này yêu cầu cận vệ lấy cho ông súng. Gần như tất cả nhân viên bảo vệ được lệnh rời khỏi tòa nhà bởi các bộ trưởng không biết nên tin tưởng ai giữa lúc cuộc đảo chính đang bước vào cao trào.

Trong lúc các bộ trưởng họp, quân đảo chính đã chiếm kênh truyền hình quốc gia TRT và ép người dẫn chương trình đọc một thông báo tuyên bố quân đội chính thức nắm quyền kiểm soát đất nước.

Nghe tin, các bộ trưởng cùng im lặng trong khoảng hai phút. Một người nói đùa: “Đừng nghe TRT, tôi còn không thường xuyên xem họ, chỉ là kênh truyền hình quốc gia thôi mà”.

Cuộc đảo chính dù thất bại nhưng cũng đủ khiến dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ cũng như thế giới phải choáng váng bởi quy mô của nó. Hàng trăm phương tiện cơ giới được huy động. Những vụ xung đột, đấu súng, liên tục nổ ra. Nhiều đường phố ở Istanbul và Ankara giờ đây vẫn tan hoang. Theo lời kể của những người trong cuộc, đặc biệt là các quan chức chính phủ, âm mưu lật đổ chính quyền có thời điểm gần chạm ngưỡng thành công.

Giây phút nghẹt thở

Ngày 15/7 ở Ankara, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cùng các quan chức hàng đầu khác được mời tới một phiên họp an ninh cấp cao tại trụ sở quân đội. Cuộc họp này thực chất là một phần trong âm mưu đảo chính. Những kẻ nổi dậy muốn bắt giữ ông.

Song, vì quá bận rộn, Bộ trưởng Nội vụ không thể tham dự. Khi cuộc đảo chính bùng phát, ông bị kẹt giữa sân bay Esenboga ở thủ đô Ankara nhưng vẫn cố gắng thành lập một đơn vị đối phó với khủng hoảng tại đây. Ông được bảo vệ bởi đám đông quần chúng nhân dân phản đối đảo chính.

Thời điểm ấy, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang có mặt tại một khu nghỉ dưỡng ở thị trấn Marmaris thuộc vùng Riviera, phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã kịp thời rời khỏi nơi này khoảng 20 phút trước khi những kẻ âm mưu đảo chính tấn công.

25 lính đặc nhiệm của phe đảo chính sử dụng dây thừng tụt xuống nóc nhà, đấu súng dữ dội với lực lượng cảnh sát bảo vệ với ý đồ rõ ràng là nhằm bắt cóc hoặc thủ tiêu Tổng thống. Trận giao tranh chỉ kết thúc khi phe đảo chính nhận ra Tổng thống không còn ở đó.

Một khoảnh khắc nghẹt thở khác là khi Tổng thống Erdogan ngồi trên chiếc chuyên cơ đưa ông về Istanbul và bị hai chiến đấu cơ F-16 do phi công đảo chính điều khiển ngắm bắn, theo Reuters. Phi công đã bật radar khóa mục tiêu vào chiếc máy bay, sẵn sàng khai hỏa.

Tổng thống Erdogan thoát hiểm trong gang tấc nhờ sự nhanh trí của cơ trưởng. Ông này đã liên lạc với phi công tiêm kích F-16 qua sóng vô tuyến, báo rằng đây chỉ là một chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Turkish Airlines, một quan chức chống khủng bố cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Hai chiếc F-16 hủy lệnh bắn. Chiếc chuyên cơ an toàn tiến tới sân bay Ataturk.

Trước đó, khoảng 21h, tướng Mehmet Disli, đối tượng bị cáo buộc là kẻ phát động đảo chính, điều một nhóm đặc nhiệm đi bắt giữ các quan chức quân đội cấp cao. Xe tăng bắt đầu lăn bánh trên đường phố Ankara. 60 phút sau, phe đảo chính chiếm đóng sân bay Bosphorus ở Istanbul và cầu Fatih Sultan Mehmet.

Cemalettin Hasimi, cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, chứng kiến mọi việc diễn ra với tâm lý bi quan. 22h24, lúc quân nổi dậy bao vây Ankara, ông tìm đến văn phòng thư ký thủ tướng.

“Chuyện này là thật ư?”, Hasimi hỏi.

“Vâng”, người thư ký đáp. “Nhưng chúng ta vẫn chưa chắc đây là một kế hoạch bài bản, có tổ chức hay nó chỉ xuất phát từ một nhóm thế lực trong quân đội”.

22h37, họ trao đổi với ông Yildirim, lúc này đang ở Istanbul, và quyết định liên lạc với đài truyền hình quốc gia TRT để thông báo đây là một âm mưu đảo chính. Song, kênh này đã bị chiếm. Ông Hasimi liền gọi tới kênh truyền hình tư nhân NTV. Chỉ vài phút sau, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lên sóng.

Tại Ankara và Istanbul, khung cảnh dần trở nên hỗn loạn. Trang web của quân đội tuyên bố phe đảo chính đã nắm quyền kiểm soát, khiến các quan chức chính quyền thêm phần lo lắng. Ông Hasimi cho hay những thẩm phán liên kết với phe đảo chính bắt đầu kêu gọi các cộng sự tuân theo yêu cầu của quân đội.

Trụ sở cơ quan tình báo quốc gia và cảnh sát cũng bị tấn công từ trên không.

“Đó là một cơn ác mộng”, Murat Karakullukcu, một sĩ quan có mặt tại trụ sở cảnh sát lúc cuộc đột kích diễn ra, nói. “Suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong chúng tôi là làm thế nào để sống sót. Rồi chúng tôi bắn trả những chiếc trực thăng bằng hỏa lực yếu ớt của mình”.

Cục diện thay đổi

Văn phòng thủ tướng bao trùm trong bầu không khí ảm đạm. Nỗi tuyệt vọng hiện hữu ngày càng rõ nét. Các bộ trưởng đã lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất. Đúng lúc này, Tổng thống Erdogan xuất hiện trên kênhCNN Turk. Qua FaceTime, một ứng dụng trò chuyện trực tuyến có hình ảnh, ông kêu gọi người dân vùng lên, chiếm đường phố.

“Hãy cùng tập hợp lại như một quốc gia tại các quảng trường. Tôi tin chúng ta sẽ nhanh chóng đập tan âm mưu chiếm đóng này. Tôi kêu gọi mọi người tiến ra vũ đài. Chúng ta sẽ cho họ câu trả lời”, ông nhấn mạnh.

“Đó là thời khắc mà tâm trạng chúng tôi như được đảo ngược. Chúng tôi lúc bấy giờ lại có niềm tin rằng mình sẽ chiến thắng”, ông Hasimi kể.

nhung-khoanh-khac-nghet-tho-trong-dao-chinh-o-tho-nhi-ky-1

Người dân ở Istanbul đổ ra đường, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan. Ảnh: AFP

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đổ xuống đường ngày một đông, đáp lại lời kêu gọi từ Tổng thống Erdogan. Tuy nhiên, một số bộ trưởng tỏ ra lo lắng. Họ sợ dân chúng sẽ bị thảm sát dưới tay quân đội.

Trên đường trở về tòa nhà quốc hội, các bộ trưởng nhận được tin nơi đây đã bị đánh bom. Theo Hasimi, hành động này là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới thất bại của phe nổi dậy. Tấn công vào tòa nhà quốc hội thực sự là một động thái khiêu khích, gây phẫn nộ, ông đánh giá.

“Đó là kế hoạch được tổ chức tốt một cách đáng kinh ngạc”, Hasimi nhận xét. “Song những động thái bất ngờ của Tổng thống cùng sự góp sức của quần chúng nhân dân đã thay đổi toàn bộ cục diện cuộc chiến”.

“Nó có thể đã thành công”, ông bình luận. “Nhưng họ đã thua từ giây phút Tổng thống và Thủ tướng lên sóng truyền hình, khi các chỉ huy quân sự hàng đầu ra mặt, tuyên bố ủng hộ nền dân chủ, cũng như lúc người dân từ chối trở về nhà”.

nhung-khoanh-khac-nghet-tho-trong-dao-chinh-o-tho-nhi-ky-2

Một binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham gia đảo chính bị người dân bắt giữ. Ảnh: AP

Vũ Hoàng – Theo Vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc