Home » Thế giới » Tại sao ” đường lưỡi bò” là nỗi ám ảnh của TQ
Biển Đông chưa bao giờ là vùng biển của riêng Trung Quốc hay của bất cứ ai, bởi nó luôn là một khu vực chung, được tất cả các nước sẻ chia lợi ích, Hayton khẳng định.

Vì sao Trung Quốc ám ảnh với ‘đường lưỡi bò’

Ngoài những lý do về kinh tế, an ninh, quân sự, yếu tố lịch sử có vai trò rất quan trọng trong việc lý giải tham vọng của Trung Quốc đối với “đường lưỡi bò”.

vi-sao-trung-quoc-am-anh-voi-duong-luoi-bo

Tàu chiến Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: CFP

Chiều nay, Tòa Trọng tài ở The Hague sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang có những hành động ngày càng quyết liệt để tuyên bố chủ quyền tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, như xây đảo nhân tạo, quấy nhiễu tàu thuyền và máy bay nước ngoài hoạt động tại vùng biển này.

Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đều nằm trong cái gọi là “đường 9 đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, gồm những đường đứt khúc bao phủ gần như toàn bộ diện tích vùng biển này. Dù chưa định nghĩa rõ “đường lưỡi bò” là gì, Trung Quốc luôn khẳng định “quyền lịch sử” trong khu vực đó, và vấp phải phản ứng quyết liệt từ các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Atlantic, ông Bill Hayton, phóng viên kỳ cựu của BBC, người từng đi tàu, máy bay ra Biển Đông tiếp cận với các đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa, đã lý giải vì sao Bắc Kinh lại “ám ảnh” đến vậy với “đường lưỡi bò” phi lý.

Theo Hayton, trong nội bộ Trung Quốc có thể có nhiều luồng quan điểm khác nhau về vấn đề Biển Đông, nhưng tất cả đều thống nhất ở một điểm, đó là nước này bằng mọi cách phải sở hữu một số thực thể ở khu vực.

Về kinh tế, các tập đoàn dầu khí nhà nước có thể quan tâm đến dầu mỏ ở Biển Đông, trong khi các công ty ngư nghiệp và các địa phương ven biển lại muốn tối đa hóa sản lượng đánh bắt của mình. Về an ninh, Hayton cho rằng Trung Quốc rất quan tâm đến an ninh của các thành phố ven biển, và muốn xây dựng một vùng đệm xung quanh, cũng như đảm bảo các tuyến hảng hải tiếp tế trên biển.

Về quân sự, hải quân Trung Quốc có thể muốn che giấu hạm đội tàu ngầm của mình tại các “pháo đài” ở Biển Đông để tránh đòn tiêu diệt của các đối thủ tiềm tàng được trang bị các vũ khí chống ngầm hiện đại. Tuy nhiên, đây chưa phải là toàn bộ lý do khiến Trung Quốc khăng khăng bám lấy “đường lưỡi bò” vốn không hề tồn tại trong luật pháp quốc tế.

Trong thập niên 1930, sau một thời gian dài bị các thế lực nước ngoài xâu xé, nhà cầm quyền Trung Quốc đã công bố những tấm bản đồ “nỗi nhục quốc gia” để cho người dân thấy đất đai, lãnh thổ đã bị Anh, Pháp, Nhật và nhiều nước khác tước đoạt như thế nào. Một số bản đồ như vậy còn nguệch ngoạc những nét vẽ bao trùm khu vực cực lớn, đến tận Iran và Afghanistan cũng như toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên vào cuối thế kỷ 20, những đường “biên giới” khổng lồ mà họ vạch ra trên bộ bị các cường quốc phản bác, buộc Trung Quốc phải thỏa thuận với những quốc gia láng giềng để dàn xếp các tranh chấp trên bộ. Nhưng trên biển, Bắc Kinh không chịu nhiều sức ép đến vậy, và ảo vọng về quyền sở hữu những hòn đảo trên Biển Đông ngày càng được củng cố.

Theo Hayton, ngay từ thập niên 1930, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tìm cách thuyết phục người dân tin rằng họ là chủ sở hữu “duy nhất” của các hòn đảo, thực thể trên Biển Đông. Theo thời gian, tham vọng sở hữu đó được biến tướng thành “quyền làm chủ” toàn bộ vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò”.

Trung Quốc dựa vào cái gọi là “quyền lịch sử” để biện minh cho “đường lưỡi bò” và cho rằng chủ quyền của họ đối với phần lớn Biển Đông có từ thời xa xưa, nhưng các nghiên cứu của Hayton lại cho thấy điều ngược lại. Trước năm 1946, không có quan chức Trung Quốc nào đặt chân đến Trường Sa, và đường 9 đoạn được vẽ ra một cách sơ sài vào năm 1947 không hề mang ý nghĩa lịch sử nào để củng cố cho cái gọi là “quyền lịch sử” của Bắc Kinh ở Biển Đông.

vi-sao-trung-quoc-am-anh-voi-duong-luoi-bo-1

Đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc bồi lấp ở Trường Sa. Ảnh: CSIS

Khi nhìn vào lịch sử với con mắt trung lập, Biển Đông chưa bao giờ là vùng biển của riêng Trung Quốc hay của bất cứ ai, bởi nó luôn là một khu vực chung, được tất cả các nước sẻ chia lợi ích, Hayton khẳng định.

Khoảng lặng trước cơn bão

Trong hai năm qua, giới quan sát nhận thấy Trung Quốc đã phần nào bớt hung hăng trong các hành động của mình trên Biển Đông. Họ không còn thực hiện những hành động phiêu lưu như kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam như trước đây, và cũng không còn khoan dầu ở các khu vực tranh chấp khác.

Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không bao giờ rút khỏi các căn cứ mà họ đã xây dựng trái phép trên Biển Đông, và Hayton cho rằng quãng thời gian tương đối yên bình vừa qua trên Biển Đông là “khoảng lặng trước cơn bão”.

Sau khi hoàn thành các căn cứ quân sự trên những hòn đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp ở Trường Sa, Trung Quốc có thể sẽ thực hiện những hành động quyết liệt hơn. Trong Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore gần đây, Đô đốc Tôn Kiến Quốc đã lớn tiếng tuyên bố rằng “Chúng tôi không gây rắc rối, nhưng cũng không sợ rắc rối”.

Tuy nhiên, Hayton cho rằng rồi sẽ đến lúc Trung Quốc nhận ra họ đang tiến dần đến một điểm mà hành động của họ sẽ châm ngòi cho phản ứng từ cộng đồng quốc tế, và Bắc Kinh sẽ buộc phải tự điều chỉnh để ghìm cương lại.

Trong một bài viết mới đây trên chuyên trang phân tích quân sự, quốc phòng WarIsBoring, hai chuyên gia Zack Cooper và Jake Doughlas cho rằng sau khi bồi lấp xong 7 đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, Trung Quốc đã có ý đồ cải tạo tiếp bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines. Ý đồ này chỉ ngừng lại khi Mỹ triển khai cường kích A-10 và tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler tuần tra trên bãi cạn đó, phát đi thông điệp ngoại giao mạnh mẽ. Các chuyên gia này cho rằng hành động đó thể hiện sự “chùn bước” của Bắc Kinh, buộc họ phải xem xét lại chiến lược của mình.

Hayton nhận định những lời lẽ mà Đô đốc Tôn đưa ra trong Đối thoại Shangri-La chỉ là sự lặp lại giọng điệu diều hâu mà nhiều học giả, tướng lĩnh quân đội Trung Quốc đưa ra cách đây hai năm về vấn đề Biển Đông, như “giết gà dọa khỉ”, hay “Biển Đông sẽ rền vang tiếng pháo”. Mục đích của những tuyên bố này chỉ là nhằm dọa dẫm, gây ấn tượng với người khác rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng dùng vũ lực, nhưng Hayton tin rằng Bắc Kinh không hề có ý định thực hiện hành động phiêu lưu như vậy.

vi-sao-trung-quoc-am-anh-voi-duong-luoi-bo-2

Diễn tiến vụ kiện Biển Đông của Philippines. Click để xem bản đầy đủ. Đồ họa:Tiến Thành

Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn khăng khăng giữ tư duy “toàn bộ Biển Đông là của tôi”, Hayton cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài cũng như Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS) không còn là công cụ trung gian để giải quyết tranh chấp, mà phải trở thành thứ vũ khí chính trị để chống lại tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

“Ngoài hiểu rõ khía cạnh lịch sử trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế phải không ngừng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh dưới góc độ chứng cứ và lập luận rằng Trung Quốc không bao giờ là kẻ sở hữu duy nhất Biển Đông, dù sách giáo khoa của họ có nói gì đi chăng nữa. Biển Đông luôn luôn là một không gian chung”, Hayton nhấn mạnh. 

Trí Dũng – Theo Vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc