Home » Thế giới » Sự phát triển đầy bất ổn của các siêu thành phố châu Á

Đi đôi với sự phát triển nhanh chóng của các đô thị ở châu Á là một loạt vấn đề về giao thông, ô nhiễm không khí và ngập lụt.

su-phat-trien-day-bat-on-cua-cac-sieu-thanh-pho-chau-a

Làn sóng người ở nông thôn đến thành thị sống tạo ra các khu ổ chuột giữa lòng đô thị Ấn Độ. Ảnh: Nikkei

Phnom Penh đang thay đổi, giống như mọi thành phố khác tại châu Á. Hàng loạt toà nhà cao tầng mọc lên, kèm theo đó là hình ảnh những chiếc cần cẩu to lớn khắp thành phố, theo Nikkei.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng đi kèm theo những thách thức mà bất kể thành phố nào của châu Á cũng phải đối mặt: 200 triệu người di chuyển từ nông thôn lên khu vực thành phố tại Đông Á và Đông Nam Á kể từ năm 2010. Điều này đã mang đến những bài toán cho các nhà quản lý đô thị, phải bảo phát triển kinh tế mà không làm gia tăng ô nhiễm và nạn kẹt xe.

Tại Boeung Kung Kang 1, khu vực phát triển mạnh của thành phố, “đường phố ở đây quá hẹp, khu vực này không phù hợp để xây dựng. Có nhiều căn nhà nhỏ ở đây mọc lên mà không thông báo với các nhà quy hoạch”, Sebastian Uy, làm việc tại cơ quan bất động sản Le Mekong Grand, cho biết.

Sự phát triển ở các nước Đông Nam Á thường không có sự quy hoạch đồng bộ. Ví dụ như ở thủ đô Yangon, Myanmar, những ngọn tháp đang được xây dựng tại vùng trung tâm thủ đô, nhưng nhiều người dân muốn giữ lại cảnh quan của những khu phố cổ kính.

Yangon Heritage Trust, một tổ chức phi chính phủ bảo tồn cảnh quan, kiến trúc lịch sử, cho rằng việc quy hoạch này giống với các thành phố khác ở châu Á như Hà Nội, George Town (Malaysia). Điểm chung ở các thành phố này là vừa muốn giữ lại cảnh quan đô thị cũ lại vừa muốn giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, sự bất bình đẳng và sự chậm lại trong tăng trưởng đã làm giảm chất lượng sống của dân cư.

Vấn đề giao thông

Đường phố ở thành phố Yangon và Phnom Penh đều đang gặp tình trạng quá tải. Trong mùa mưa, khả năng thoát nước kém và chất thải có thể khiến cho đường phố ngập úng chỉ trong vài phút, làm cho giao thông càng trở nên chậm chạp.

Để giúp người dân đi lại đúng giờ, các thành phố hiện đại ở châu Á như Singapore và Tokyo đã xây dựng hệ thống tàu điện ngầm lớn và đầy hiệu quả. Những nơi khác, như Bangkok và Bangalore, đã giải quyết bài toán ùn tắc giao thông bằng hệ thống đường sắt trên cao.

Tuy nhiên, tại Jakarta, Indonesia, hai từ “macet” và “banjir” (ách tắc giao thông và ngập lụt) là những từ ngữ sử dụng thường ngày của người dân. Thảo luận về tình trạng tắc nghẽn của thành phố, ông Sandiaga Uno, một ứng viên cho chiếc ghế phó thống đốc, cho biết triển vọng kinh tế của thủ đô đã bị “xói mòn từ lâu”. “Tuy rằng Jakarta đang phát triển, nhưng không phải mọi mặt của thủ đô có thể tham gia vào sự phát triển đó”, ông nói.

Ứng dụng điện thoại thông minh như Waze, có 1,67 triệu người dùng ở Jakarta, có thể giúp hành khách và lái taxi tránh những điểm ùn tắc. “Ứng dụng này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đô thị và tăng tính di động vì người sử dụng của chúng tôi cùng tương tác với nhau hàng ngày, để giúp các lái xe khác có thông tin thêm về điều kiện giao thông”, ông Amir Mirzaee, người đứng đầu mảng phát triển kinh doanh của Waze tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nói.

Theo khảo sát sự hài lòng của lái xe được công bố bởi Waze và những đánh giá về lưu lượng của TomTom, một nhà sản xuất thiết bị dẫn đường, Jakarta và Manila là hai thành phố có chất lượng giao thông tồi tệ nhất trên thế giới.

Trong khi thành phố Cebu của Philippines xếp đầu bảng xếp hạng của Waze về những thành phố tồi tệ nhất để lái xe, 5 trong số 10 vị trí của bảng xếp hạng này thuộc về Indonesia. Còn với công ty TomTom, họ xếp Bangkok là thành phố có chỉ số giao thông tắc nghẽn đứng thứ hai thế giới và Trung Quốc góp mặt trong top 25 với 9 thành phố trong bảng xếp hạng này.

Tại Mumbai, một thành phố nổi tiếng đông đúc của Ấn Độ, cách giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở đây dường như không đem lại kết quả. “Các giải pháp kỹ thuật dường như không thể giải quyết vấn đề giao thông”, Abhay Pethe, một nhà kinh tế và cũng là chuyên gia phát triển đô thị tại Đại học Mumbai, nói.

su-phat-trien-day-bat-on-cua-cac-sieu-thanh-pho-chau-a-1

Chỉ số giao thông tắc nghẽn theo xếp hạng của TomTom. Đồ họa: Nikkei

Ngập lụt 

Một vấn đề nữa mà các quốc gia ở châu Á luôn phải đối mặt là lũ lụt. Hồi giữa tháng 7, ngập lụt ở miền nam và miền đông Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người và gây thiệt hại 21,9 tỷ USD đối với những khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là thành phố Vũ Hán.

Một báo cáo năm 2016 của Christian Aid, một tổ chức phi chính phủ, cho thấy có đến 9 thành phố châu Á trong top 10 nơi dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lũ lụt, với Kolkata, Mumbai và Dhaka đứng đầu bảng xếp hạng. Bangkok, nơi bị lũ lụt tàn phá vào cuối năm 2011, đứng vị trí thứ 7.

Một cuộc đồng nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế năm 2013 liệt kê Quảng Châu, Mumbai và Kolkata là các thành phố bị lũ lụt hoành hành nhiều trên thế giới. Bangkok, Jakarta và thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top 20.

Jakarta là một thành phố có 40% diện tích nằm dưới mực nước biển, và tiếp tục lún xuống trung bình 7 cm một năm. Lũ lụt là một mối đe dọa nghiêm trọng – mặc dù kinh nghiệm của Tokyo, nơi đã khống chế được việc sụt lún đất, cho thấy tình hình của Jakarta có thể khắc phục được

“Jakarta đang ở thời điểm để đối phó với lũ lụt tốt hơn so với 5 năm trước”, Fook Chuan Eng, một chuyên gia về nước tại Ngân hàng Thế giới, nói.

Biến đổi khí hậu và các yếu tố địa lý làm cho các thành phố dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhưng chính quyền thành phố thường không sẵn sàng hay không thể giải quyết những hậu quả do chính con người tạo ra. Tại Dhaka, Phnom Penh và Yangon, rác thải bịt chặt những đường ống thoát nước – mặc dù những thành phố này có lượng rác thải thấp hơn nhiều so với các thành phố giàu có như Hong Kong.

Theo Jolanta Kryspin-Watson, chuyên gia quản lý rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới, “quản lý chất thải, quy hoạch đô thị yếu kém và phát triển không có kế hoạch hoặc không được quản lý là những yếu tố rất phổ biến đã tạo nên sự phức tạp trong việc kiềm chế lũ lụt và khiến cho lũ lụt tại nhiều thành phố ở châu Á ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.

su-phat-trien-day-bat-on-cua-cac-sieu-thanh-pho-chau-a-2

Đường phố Mumbai, Ấn Độ ngập lụt trong mưa hồi tháng 8. Ảnh: Reuters

Ô nhiễm không khí

Hàng đống chất thải và phương pháp xử lý kém cũng gây ô nhiễm. Không ngạc nhiên khi các nền kinh tế phát triển nhanh thường có tình trạng ô nhiễm không khí ở mức đáng báo động, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Có đến 98% thành phố hơn 100.000 dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng không khí của WHO.

“Khí tỏa ra từ việc đốt cháy là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí”, Carlos Dora, điều phối viên công tác y tế môi trường của WHO, cho biết.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á, nhu cầu và sự mở rộng đô thị tăng đang làm cho các thành phố ngày càng trở nên ô nhiễm. “Ở một số nơi, nguyên nhân của ô nhiễm không khí là do tăng doanh số bán ôtô, thường là ôtô cũ, và nhiều trong số chúng sử dụng động cơ diesel – loại động cơ gây ô nhiễm môi trường”, Dora nói.

Một nguồn gây ô nhiễm không khí khác là các thành phố với hàng triệu xe gắn máy. Loại phương tiện này có thể làm cho vấn đề giao thông tồi tệ hơn, nhưng người dân vẫn sử dụng chúng vì sự tiện lợi.

Trọng Nghĩa – Theo nguoiduatin.vn

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc