Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Những nẻo đường buôn lậu hạt nhân
Ngày 24-8, Bộ Nội vụ Moldova cho biết cảnh sát nước này đã thu giữ 1,8kg uranium-238, chất phóng xạ có thể chuyển đổi để sản xuất plutonium – một nguyên liệu quan trọng chế tạo bom nguyên tử hay đầu đạn hạt nhân. Trước đó, vào tháng 4, chính quyền Gruzia cũng thông báo đã “bóc” được một đường dây buôn bán uranium được làm giàu đến 70%. Cơ quan nguyên tử quốc tế (IAEA) đã bày tỏ sự quan ngại việc buôn bán chất phóng xạ nở rộ có thể sẽ đe dọa an ninh hạt nhân thế giới.

Nhộn nhịp chợ phóng xạ

Theo nhà phân tích quân sự người Nga, Alexander Golts, số lượng uranium mà cảnh sát Moldova thu giữ được đủ để chế tạo bom bẩn, loại bom khi phát nổ sẽ phát tán chất phóng xạ. Số lượng uranium được thu giữ trên trị giá khoảng 11 triệu USD. 7 đối tượng tình nghi, trong đó có 2 quan chức Bộ Nội vụ Moldova nghỉ hưu, đã bị bắt giữ. Những đối tượng này từng bị kết tội sở hữu trái phép nguyên liệu phóng xạ ở Moldova, Nga và Romania. Năm 2009, cơ quan an ninh Ukraine cũng thông báo phá 3 vụ buôn lậu buôn bán chất phóng xạ. Tháng 12-2009, nhà chức trách Ukraine đã thu giữ một container chất phóng xạ tại Lviv. Tháng 4, có 3 công dân Ukraine đã bị bắt tại Ternopil khi đang vận chuyển 9 pounds plutonium, đủ để chế tạo một quả bom bẩn.

Miếng uranium màu vàng bị thu giữ tại Moldova

Trước đó cũng có 3 người cũng bị bắt giữ tại Donetsk và Lugansk khi đang vận chuyển 5, 5 pounds uranium 235, 238 và strontium. 4 năm trước Ukraine đã rúng động bởi một vụ buôn bán uranium đã được làm giàu đến mức độ có thể để chế tạo vũ khí hạt nhân. Một tay lái buôn người Nga đã bị bắt sau khi định bán 100 gram cho một tổ chức Hồi giáo cực đoan. Pavel Felgenhauer, một chuyên gia nghiên cứu quân sự khác của Nga, quan ngại việc quản lý hàng ngàn tấn uranium nằm trong kho chứa ở các khu công nghiệp sẽ tạo điều kiện cho những tay buôn lậu chất phóng xạ tiếp cận dễ dàng nguồn “tài nguyên” siêu lợi nhuận này. Các quốc gia thuộc Xô Viết cũ là nơi có nguồn uranium vô cùng dồi dào khi các chất phóng xạ được dùng khá nhiều trong các khu công nghiệp, y tế và nông nghiệp. Khoảng 30 khu công nghiệp rải rác tại các quốc gia thuộc Xô Viết cũ hiện có khá nhiều lượng uranium được làm giàu từ 3%-5%.

Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận từ năm 1993, đã có 15 vụ buôn lậu uranium được làm giàu đến mức độ có thể chế tạo vũ khí hạt nhân hoặc plutonium. Tuy nhiên, một số nhà điều tra thừa nhận họ không biết phần chìm bên dưới của tảng băng này như thế nào, mức độ trầm trọng đến đâu.

Đông Âu-miền đất hứa

Thị trường chất phóng xạ và công nghệ hạt nhân hoạt động tấp nập khiến làn sóng buôn lậu chất này hoạt động ngày càng mạnh. Các nhà điều tra phương Tây cho biết thị trường buôn lậu được tổ chức ngày càng tốt hơn với số lượng các vụ buôn bán tăng nhanh, vượt quá số lượng mà các nhân viên an ninh điều tra được. Nhà chức trách Đức cho biết đã có hàng trăm cuộc điều tra được tiến hành từ năm 1992 liên quan đến buôn bán chất phóng xạ.

Cảnh sát Moldova kiểm tra mẫu uranium

Thị trường chợ đen buôn bán chất phóng xạ ngày càng hoạt động mạnh sau khi một số quốc gia công nghiệp, trong đó rất nhiều các quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ, siết chặt kiểm soát xuất khẩu về “sử dụng kép” chất phóng xạ và công nghệ, đẩy những nhu cầu mua bán chất này sang thị trường chợ đen dâng cao.

Các nhân tố kinh tế của thị trường chợ đen là rất dễ hiểu. Người mua là các quốc gia theo đuổi các chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân. Những quốc gia này thường có tiềm lực mạnh về kinh tế. Các chuyên gia còn quan ngại hơn nữa bởi tham gia vào thị trường hạt nhân hiện nay còn có các tổ chức khủng bố.

Còn người bán, họ là những người chỉ cần quan tâm đến lợi nhuận mà không cần quan tâm đến mức độ nguy hiểm của mặt hàng họ đang kinh doanh. Nhiệm vụ của những lái buôn này là tìm kiếm nguồn hàng và đưa chúng ra thị trường. Mục tiêu mà những lái buôn này nhắm đến đó là các quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ, có nền kinh tế kém phát triển, nên họ dễ dàng tiếp cận được nguồn hàng. Có một thực tế rằng, với các thỏa thuận về cắt giảm lượng vũ khí hạt nhân, các loại vũ khí hạt nhân này đang được tháo rời và cũng trở thành đầu mối kiếm lời cho các lái buôn. Các nhà điều tra hiện nay đã định hình được con đường đi và đến của loại hàng cấm này. Hầu hết hàng hóa xuất phát từ các quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ và đích đến là các quốc gia Tây Âu. Ba Lan là một trong những điểm nóng như vậy bởi điểm trung chuyển này giáp với nhiều quốc gia thuộc khối Đông Âu và một thị trường đầy tiềm năng là Đức. Hiện nay có rất nhiều bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa những “lái buôn hạt nhân” và các tổ chức tội phạm có tổ chức.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng số lượng các chất phóng xạ đưa ra thị trường hiện nay không đủ để sản xuất bom hạt nhân. Plutonium đa phần được bóc ra từ những chiếc máy dò khói và vì vậy số lượng thường rất nhỏ. Tuy nhiên, số lượng chất phóng xạ đó vẫn đủ sức chế tạo các quả bom bẩn hoặc dùng để đầu độc. Giá trị của các loại phóng xạ phụ thuộc vào loại và mức độ quý hiếm của mặt hàng. Ví dụ như có loại phóng xạ trên thị trường chợ đen có tên lóng là “thủy ngân đỏ” có giá khoảng 500.000 USD/kg.

Nhằm để tăng cường kiểm soát an ninh hạt nhân, các quốc gia như Đức, Nhật, và rất nhiều các nước thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Belarus, Ukraine, Nga và Moldova, đã hợp tác với nhau, thành lập các trung tâm trao đổi thông tin và hợp tác quản lý hạt nhân, ngăn chặn các vụ buôn lậu xuyên biên giới nhằm hạn chế tối đa lượng chất phóng xạ rơi vào tay những tổ chức, cá nhân, đe dọa an ninh hạt nhân thế giới.

Theo timnhanh

Chuyên đề: , , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc